Điểm đến an toàn không thể là phương pháp 'thử và sai'
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Du lịch an toàn hay điểm đến an toàn vẫn là mô hình mà cả thế giới đang đi tìm. Bong bóng du lịch, hành lang bay hay làn xanh nhằm thúc đẩy đi lại hàng không và du lịch là những gì mà châu Á đang tiên phong thử nghiệm - dù rằng “vẫn rất là loạng choạng” như lời bình luận đầy ghen tị của Wall Street Journal. Và liệu phương pháp “thử và sai” để rút ra hướng đi đúng, mô hình hiệu quả sẽ là cách duy nhất để tái khởi động ngành du lịch toàn cầu?
Nhân viên y tế Thái Lan khử trùng đoàn khách đến sân bay Suvarnabhumi trước khi lên xe buýt về điểm cách ly. Đây là đoàn du khách đầu tiên đến Thái Lan sau bảy tháng phong tỏa biên giới - Ảnh: EPA-EFE |
“Chiếc lồng vàng Phuket” bị bẹp
Tin tức về các đoàn du khách nước ngoài đầu tiên đến Thái Lan thu hút sự chú ý của thế giới bởi dù sao đây cũng là hình mẫu đầu tiên của mở cửa biên giới, tái khởi động ngành du lịch. Truyền thông quốc tế đã chờ đợi từ tháng 7, nhưng những gì mới nhất diễn ra có thể khiến mọi người bị hẫng.
Mô hình Phuket được chuẩn bị và diễn tập để đón đoàn khách đầu tiên gồm 120 khách đến từ Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 8-10. Khách phải qua xét nghiệm và được nhập cảnh khi có kết quả âm tính. Khách phải trải qua 14 ngày cách ly tại khách sạn hạng sang, đo thân nhiệt ngày hai lần và bị đội quân gồm nhân viên khách sạn, bác sỹ và cả cảnh sát giám sát chặt chẽ.
Theo kế hoạch của chính phủ Thái Lan, mỗi khách như vậy được chờ đợi chi đến 800.000 baht, tương đương hơn 25.600 đô la Mỹ cho toàn bộ thời gian chuyến du lịch trong “chiếc lồng mạ vàng”.
Chuyến bay đầu tiên đến Phuket được dời đến ngày 20-10. Nhưng đoàn khách Trung Quốc đầu tiên lại đến sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok trên chuyến bay của hãng Spring Airlines từ Thượng Hải, với vỏn vẹn 39 người. Trước đó, chính quyền Phuket chỉ giải thích là lễ hội địa phương hồi đầu tháng 10 khiến họ e ngại không kham nổi an toàn cho du khách. Nhưng đó lại là giải thích không thuyết phục.
Trong khi đó, ngành du lịch Thái Lan thông báo rằng sẽ có thêm hai chuyến bay từ Thượng Hải đến Bangkok vào ngày 26 và 28-10 sắp tới, với tổng cộng 267 khách. Khách Trung Quốc muốn đến Thái Lan trong giai đoạn hoang mang này gồm ba loại: người có người thân ở Thái Lan, người có con đang học trường quốc tế ở đây, và người có đầu tư ở đất nước này như mua bất động sản.
Nikkei Asia nói rằng khách đến Thái Lan phải chờ đợi visa đắt đỏ và nhiêu khê, bên cạnh đó là phải trả giá hơn 10 lần lúc trước. Không có giải thích rõ ràng về các chuyến bay từ Quảng Châu đến Phuket và số lượng ít ỏi các vị khách đến từ Thượng Hải – nơi có thu nhập cao gấp bội Quảng Châu – có thể là lý do khiến mô hình “chiếc lồng sơn son thếp vàng” của Thái Lan không hiệu quả.
Giá quá mắc và những bất tiện trong du lịch ở Thái Lan hiện nay là rào cản với du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, các điểm giải trí ở Bangkok hầu như đóng cửa vì người biểu tình và sắc lệnh tình trạng khẩn cấp.
Sự không ổn định chính trị cũng góp phần khiến các nỗ lực tái khởi động của ngành du lịch xứ chùa vàng tắt ngóm – theo bình luận của đài truyền hình Thái Lan News 1.
Du khách Trung Quốc bận áo mưa, đeo khẩu trang và mặt nạ phòng hộ trong khi chờ làm thủ tục tối 20-10. Cho đến hôm qua 21-10, hình ảnh đoàn khách này mới được phổ biến - Ảnh: AP |
Còn “hành lang bay”, “làn xanh” sẽ hiệu quả?
Singapore tiên phong với mô hình này. Hôm 15-10, chính phủ nước này tuyên bố mở cửa bầu trời với Hồng Kông. Tin này được ngành hàng không và lữ hành đón nhận tích cực. Giá vé máy bay giữa hai trung tâm tài chính châu Á tăng hơn 40-60% tùy chiều trên trang tìm kiếm vé máy bay Skyscanner. Cổ phiếu của Singapore Airlines và Cathay Pacific đều tăng.
Trước đó, Singapore cũng đơn phương cho phép du khách từ Việt Nam, Úc (trừ bang Victoria), New Zealand và Brunei được phép nhập cảnh mà không phải cách ly y tế. Từ ngày 9-11 sắp tới, Singapore Airlines cũng khai trương trở lại tuyến bay dài nhất thế giới đến sân bay JFK ở New York. Hành khách Mỹ không thể nhập cảnh vào Singapore, nhưng có thể quá cảnh đi Maldives – theo lời Zoey Seow, phó chủ tịch phụ trách thị trường châu Mỹ của Singapore Airlines.
Đó là những tín hiệu tích cực hay vài điểm sáng trong bức tranh u ám của ngành hàng không và du lịch hiện nay. Nhưng tín hiệu không thể trở thành doanh số bán vé, bán phòng khách sạn và bán tour mà ngành hàng không và du lịch đang rất cần.
Cái chính là du khách có sẵn sàng bỏ tiền để đi du lịch hay không khi có những trở ngại mà còn khá lâu mới có thể khai thông. Bộ trưởng Giao thông Ong Ye Kung đã phát biểu tại Quốc hội Singapore rằng: “Các nước trên chưa mở cửa biên giới đối với khách từ Singapore. Nhưng quyết định đơn phương của chúng ta sẽ nhắc họ nhớ đến chúng ta đầu tiên khi họ quyết định mở cửa”.
Và đó là trở ngại lớn cho mô hình đơn phương mở cửa này. Đối với khách từ Việt Nam thì có thể đi dễ dàng nhưng sẽ không thể quay lại điểm xuất phát bởi Việt Nam chưa mở cửa cho du khách quốc tế. Điều này đồng nghĩa sẽ không có khách từ Việt Nam đi du lịch Singapore cho đến khi Việt Nam mở hành lang bay hay làn xanh cho chiều từ Singapore.
Hôm 18-10, Cục Du lịch Singapore (STB) quyết định đóng cửa một khách sạn giá rẻ trong một tháng vì mở cửa đón 260 khách. STB cũng phạt 5 cơ sở ăn uống mỗi nơi 1.000 đô la Singapore vì không bảo đảm khoảng cách giữa hai khách ngồi ăn, và 16 khách không đeo khẩu trang nơi công cộng.
“Luật Singapore vốn nổi tiếng nghiêm khắc và càng cứng rắn hơn trong mùa dịch. Khách đi ăn chỉ có ăn nhanh, và khi ăn xong lại phải đeo khẩu trang. Chỉ cần lỡ vui nói chuyện với bạn mà lỡ quên đeo khẩu trang thì bị phạt. Chuyến đi du lịch không còn vui vẻ nữa…”, giám đốc tiếp thị một hãng lữ hành ở TPHCM chia sẻ.
Ông cũng nhắc đến chi phí đi du lịch trong mùa dịch cao hơn trước nhiều cũng là điểm trừ, và với điều kiện Việt Nam mở cửa cho khách từ Singapore vào lúc này. “Khách cũng cần an toàn mà về nhà, theo nhiều nghĩa khác nhau”, ông nói.
Và Singapore không phải là ví dụ duy nhất về “chủ trương hay, nhưng thực tế không phải vậy”. Úc và New Zealand đã lên kế hoạch thiết lập hành lang bay từ tháng 7, nhưng chỉ từ đầu tuần này khách từ New Zealand mới có thể đi thăm hai bang New South Wales và Bắc Úc.
Tuy nhiên, theo đài truyền hình SBS, lãnh đạo bốn tiểu bang khác đã giận dữ khi thấy 90 vị khách từ New Zealand xuất hiện ở các thành phố của bốn bang này, đặc biệt khi dịch ở Victoria vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Cũng cần nhắc yếu tố New Zealand kiểm soát và khống chế dịch tốt hơn cả Úc.
Rõ ràng, việc tìm kiếm mô hình du lịch an toàn thời điểm này hoàn toàn khó có kết quả và khó đồng nhất dù rằng các nước thống nhất bộ tiêu chuẩn an toàn. Dường như mỗi nước đều thử nghiệm một mô hình theo phương thức “thử và sai” - trial and error - bởi mỗi nước và mỗi địa phương đều có những đặc thù riêng, hoàn cảnh riêng.
Cái giá cho phương pháp “thử và sai” đã được khoa học chứng minh là không nhỏ. Nhưng nếu chờ đợi đến khi thật sự an toàn, khi mọi người đều có thể tiếp cận vaccine ngừa Covid-19, thì doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và hàng không đã không còn cựa quậy. Và khi mọi nơi đã an toàn, tất cả trở nên bình đẳng thì lúc đó các cơ hội bật dậy mạnh mẽ dường như không còn nhiều.
Cái giá của “thử và sai” là vậy! Lượng giá giữa nguy và cơ, và mạnh dạn hành động dựa vào thực lực kiểm soát dịch bệnh của từng quốc gia. Chỉ khi đó du lịch mới tái khởi động suôn sẻ và tiếp tục thành công, giúp hồi phục kinh tế đã cạn sức vì dịch.
Xem thêm: lmth.ias-av-uht-pahp-gnouhp-al-eht-gnohk-naot-na-ned-meid/687903/nv.semitnogiaseht.www