Tại Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN chiều 22/10, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận định, yêu cầu phát triển đô thị thông minh đang trở nên cấp bách. Nguyên nhân là tốc độ đô thị hoá hiện tăng nhanh trên toàn cầu. Khoảng 55% dân số đang sống ở đô thị và dự báo đến 2050, 70% người dân muốn sinh sống ở khu vực này.
Các đô thị dù tạo ra 80% GDP toàn cầu nhưng cũng mang lại nhiều hệ luỵ, ví dụ tạo ra 70% tổng lượng CO2. Việc tập trung dân cư ngày càng cao cũng đặt ra các vấn đề thách thức đến tiêu thụ tài nguyên, quá tải cho hệ thống hạ tầng.
"Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là các quốc gia có biển. Điều này dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết", ông Bình nói.
Đồng quan điểm, theo Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, phát triển đô thị thông minh sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện cuộc sống của người dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo ông Hà, Việt Nam đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh từ khá sớm, nhờ vậy bắt nhịp với các quốc gia trên thế giới. Để phát triển loại đô thị này, Việt Nam đang có một số điểm thuận lợi như hạ tầng thông tin cơ bản được phủ sóng 4G, khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới.
Tháng 8/2018, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo Bộ trưởng xây dựng, đây là văn kiện quan trọng vì lần đầu tiên Chính phủ đưa ra hệ thống quan điểm, mục tiêu, nhóm nhiệm vụ để định hướng quá trình phát triển đô thị thông minh.
Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam có ít nhất 6 đô thị đại diện cho 6 vùng kinh tế. Đến năm 2030, hình thành được mạng lưới đô thị thông minh trên cả nước.
Tuy nhiên, ông Hà cho biết, dù xuất hiện nhiều trong một số văn kiện của Đảng, các dự thảo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, vấn đề liên quan đến đô thị thông minh chưa được thể chế hóa trong văn bản pháp luật.
Do vậy, ông nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng nền tảng pháp lý, cơ sở đánh giá cho loại hình đô thị này. Bộ dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua Luật về quản lý phát triển đô thị trong năm 2022; hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia liên quan. Ngoài ra, Bộ sẽ bổ sung nội dung thẩm định, quy hoạch dự án, thiết kế kỹ thuật của các dự án xây dựng khu đô thị trong năm 2021-2022.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng hoàn thiện các công cụ đánh giá quá trình phát triển đô thị thông minh như: khung đánh giá chung về phát triển đô thị thông minh cho các loại đô thị; khung tham chiếu ICT; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chuyên ngành về đô thị thông minh, các công trình xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.
Bên cạnh đó, ông Hà cho biết trong năm nay, Bộ dự kiến hoàn thành chính sách về huy động, phân bổ nguồn lực cho đô thị thông minh. Thông qua đó, xác định rõ những nội dung nào được sử dụng ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, nội dung nào sử dụng các nguồn lực xã hội.
Phương Ánh