* Hội đồng bảo an LHQ thảo luận về căng thẳng ở Trung Đông
* Mỹ đảm bảo duy trì viện trợ tỉ đô cho Ukraine
* Kharkov hứng chịu liên tiếp 3 cuộc không kích của Nga
Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO
Theo Hãng tin Reuters, ngày 23-1 (giờ địa phương), Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức phê chuẩn đề nghị kết nạp Thụy Điển vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với 287 phiếu thuận và 55 phiếu chống.
Quyết định này đã gạt bỏ trở ngại lớn nhất trong hành trình tham gia liên minh quân sự lớn nhất giữa các nước phương Tây của Stockholm, sau hơn 20 tháng bị trì hoãn.
Cùng với Phần Lan, Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO hồi tháng 5-2022 do lo ngại từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine.
Tuy nhiên, Phần Lan đã chính thức được kết nạp vào liên minh trên từ đầu tháng 4-2023, trong khi Thụy Điển vẫn chưa được sự chấp thuận từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary - hai thành viên NATO có quan hệ tương đối nồng ấm với Nga.
Tuy nhiên, với việc vừa được Ankara phê chuẩn yêu cầu gia nhập NATO, Stockholm chỉ cần thuyết phục được Budapest để hoàn thành mục tiêu trên.
"Chúng tôi ủng hộ việc mở rộng NATO để cải thiện những nỗ lực răn đe của liên minh. Chúng tôi hy vọng thái độ của Phần Lan và Thụy Điển với việc chiến đấu chống khủng bố sẽ là hình mẫu cho các đồng minh khác", ông Fuat Oktay, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, phát biểu trong phiên họp ngày 23-1 của cơ quan này.
Cũng trong ngày 23-1, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiết lộ ông đã mời người đồng cấp phía Thụy Điển công du đến Budapest để thỏa thuận việc nước này gia nhập NATO.
Ukraine tố Nga không kích làm 18 người chết, 130 người bị thương
Trong thông điệp cuối ngày 23-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Nga đã phóng hàng chục tên lửa các loại trong 24 giờ qua, cướp đi sinh mạng 18 người dân và làm bị thương hơn 130 người.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết các lực lượng vũ trang nước này đã hạ tổng cộng 22 trên 44 tên lửa được quân đội Nga phóng ra trong ngày 23-1. Trong đó, gần 20 tên lửa bị hạ quanh vùng trời thủ đô Kiev.
Thành phố Kharkov, đô thị lớn thứ hai Ukraine, hứng chịu đến ba đợt tấn công khác nhau.
Thống đốc vùng Kharkov Oleh Synehubov tuyên bố 8 người đã thiệt mạng trong thành phố trên. Bên cạnh đó, hơn 100 tòa cao ốc đã bị thiệt hại nặng nề trong hai đợt tấn công đầu tiên. Vào buổi tối, một cụm căn hộ và một cơ sở gần đó bị đánh trúng ba lần, làm bị thương bảy người.
Trong khi đó, lực lượng khẩn cấp Kiev cũng khẳng định hơn 22 người đã bị thương do các cuộc tấn công của Nga vào thành phố này.
Mỹ trấn an Ukraine về tình hình viện trợ
Ngày 23-1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã trấn an Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal về việc chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết tâm dành ra 11,8 tỉ USD viện trợ cho Kiev trong yêu cầu tài trợ bổ sung của Nhà Trắng.
Thông tin trên trích từ thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ sau phiên hội đàm trực tuyến giữa bà Yellen và ông Shmyhal cùng ngày.
Khoản tiền trên nằm ngoài khoản ngân sách hỗ trợ Ukraine bổ sung trị giá 61 tỉ USD được ông Biden đề xuất trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 10-2023, song đến nay vẫn chưa được chấp thuận.
"Việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine vẫn liên quan mật thiết đến thành công của hộ trên chiến trường. Cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine sẽ giúp họ chiến thắng cuộc chiến và giúp đẩy mạnh các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ trên toàn cầu", Bộ Tài chính Mỹ khẳng định.
Hội đồng bảo an LHQ thảo luận về căng thẳng ở Trung Đông
Chiều 23-1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhóm họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng ở Dải Gaza cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực đang lan khỏi Gaza, thương vong gia tăng ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem; các vụ giao tranh giữa lực lượng vũ trang Israel và Liban, các tấn công tại Syria và Iran, cũng như tình hình bất ổn trên Biển Đỏ.
Tại phiên họp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng HĐBA đến nay vẫn chưa có phản ứng thích hợp để chấm dứt xung đột hay triển khai các bước đi nhằm ngăn chặn bất ổn leo thang ở Trung Đông. Ông Lavrov đề nghị trao cho người Palestine quyền dân chủ để tự quyết.
Triều Tiên dỡ bỏ biểu tượng hòa hợp hai miền
Hãng tin Reuters khẳng định hình ảnh vệ tinh chụp ngày 23-1 cho thấy Bình Nhưỡng đã hoàn tất quá trình dỡ bỏ Cổng Thống nhất, công trình biểu tượng cho mục tiêu hòa hợp giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.
Việc dỡ bỏ này được cho là theo lệnh của lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Un. Tại phiên họp Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên hôm 15-1, ông Kim đã chỉ trích Hàn Quốc là "kẻ thù chính" của Triều Tiên và khẳng định việc thống nhất bán đảo đã không còn khả thi.
Cũng tại sự kiện này, lãnh đạo Triều Tiên gọi công trình trên là "sự chướng mắt" và yêu cầu gỡ bỏ.
Động thái trên của Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên lao dốc sau một loạt hoạt động phối hợp quân sự giữa quân đội Hàn Quốc và Mỹ.
Các hoạt động quân sự trên nhằm phản ứng với việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa trong nhiều tháng qua.
Cổng Thống nhất, trước đây là Đài Tưởng niệm Ba trụ cột thống nhất quốc gia, là tượng đài cao 30m, thể hiện ba điều quan trọng trong việc thống nhất ba miền Triều Tiên: tự chủ, hòa bình và hợp tác quốc gia, theo tài liệu của Chính phủ Hàn Quốc.
Công trình này được xây dựng sau hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa hai miền Triều Tiên hồi năm 2000.
Nông dân Anh nổi giận
Venezuela bắt nhiều người âm mưu chống chính quyền; Israel đề xuất tạm dừng giao tranh trong 2 tháng ở Gaza; Mexico nói vũ khí của quân đội Mỹ bị tuồn qua biên giới... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 23-1.