NSND Lý Huỳnh trong vai lão nông Hai Lúa (phim Vùng gió xoáy)
Nhận cuộc gọi từ Việt Nam báo tin NSND Lý Huỳnh vừa qua đời, nghệ sĩ Trần Quang rất bất ngờ và thảng thốt. Dù đã quá nửa đêm (giờ Mỹ), ông vẫn dành thời gian để trò chuyện với người viết về người bạn đồng nghiệp cùng tuổi và có nhiều kỷ niệm đóng phim trước và sau 1975.
Từ võ sư nổi tiếng
Trần Quang cho biết dù Lý Huỳnh và ông cùng sinh năm 1942 nhưng hai người có thời gian hoạt động nghệ thuật khác nhau. Trần Quang tốt nghiệp thủ khoa Trường Quốc gia âm nhạc năm 1963 và bốn năm sau mới bước vào điện ảnh, để rồi trở thành nam diễn viên ngôi sao số 1 của điện ảnh Sài Gòn trước 1975.
Ở cùng thời điểm đó, Lý Huỳnh nổi tiếng là một võ sư chưởng môn của lò võ Huỳnh Tiền rất có danh tiếng ở Sài Gòn, từng thượng đài 6 trận quyền anh và thắng 3 trận, từng công khai thách đấu với huyền thoại kungfu Lý Tiểu Long. Năm 1965, Lý Huỳnh mở trường dạy võ tại Sài Gòn và đào tạo ra nhiều võ sĩ tên tuổi.
Năm 1972, Trần Quang và Lý Huỳnh lần đầu tiên gặp nhau trong bộ phim võ thuật Long hổ sát đấu của đạo diễn Hong Kong Hàng Anh Kiệt.
Bộ phim võ thuật này mở đường cho Lý Huỳnh gia nhập vào làng điện ảnh với nhiều bộ phim cùng thể loại hợp tác với điện ảnh Hong Kong sau đó như Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù, Hải vụ 709.
Trong đó, với Hải vụ 709 - một trong những bộ phim cuối cùng của điện ảnh miền Nam trước 1975, Lý Huỳnh tái ngộ Trần Quang một lần nữa.
Sau 1975, con đường điện ảnh của Trần Quang và Lý Huỳnh rẽ hai hướng khác nhau. Cả hai đều ở lại Việt Nam để phát triển sự nghiệp, nhưng nếu Trần Quang khá chật vật để chọn được một vai diễn phù hợp tiếp tục phát triển sự nghiệp vốn đã rất thành danh thì Lý Huỳnh dễ dàng nhập cuộc hơn.
Với gương mặt nam tính, thần thái quắc thước, bộ râu quai nón đậm chất đàn ông cộng với nền tảng võ sư chuyên nghiệp trước đó, ông được một số đạo diễn của điện ảnh cách mạng mời tham gia nhiều bộ phim khác nhau.
Đến những vai diễn ấn tượng
Một trong những bộ phim thành công nhất của Lý Huỳnh sau 1975 là Mùa gió chướng (1978) của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, do nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản dựa theo tiểu thuyết cùng tên của ông.
Đây là bộ phim đầu tay của đạo diễn Hồng Sến và cũng là bộ phim hợp tác đầu tiên giữa Hồng Sến và Lý Huỳnh.
Trong bộ phim đen trắng một thời từng gây sốt vì mô tả cuộc đối đầu dữ dội của nhân dân bưng biền miền Nam chống lại sự đàn áp của quân đội Việt Nam cộng hòa, Lý Huỳnh đóng vai đại úy Long - một kẻ "khát máu" luôn tìm cách "diệt Cộng" và thực hiện các cuộc đàn áp, bố ráp để không cho cách mạng có điều kiện bám rễ trong dân.
Diễn xuất ấn tượng của Lý Huỳnh trong vai phản diện của bộ phim này nhận được nhiều đánh giá tích cực của báo giới và khán giả lúc bấy giờ, mở ra cơ hội hợp tác lâu dài giữa ông và đạo diễn Hồng Sến qua nhiều bộ phim thành công khác như Hòn đất (vai trung úy Xăm - một vai phản diện ấn tượng khác) và đặc biệt là Vùng gió xoáy.
Trái với hai vai phản diện tàn ác trong Mùa gió chướng và Hòn đất, với bộ phim Vùng gió xoáy, đạo diễn Hồng Sến giao cho Lý Huỳnh vai chính hoàn toàn khác biệt - lão nông tri điền Hai Lúa, một người dành cả cuộc đời cho ruộng đồng với câu thoại ấn tượng: "Tao sống chết với đất, tao ghét ai phụ bạc nó".
Hình tượng lão nông Hai Lúa - một "nghệ nhân trên đồng ruộng" với bộ quần áo bà ba màu nâu đất, quấn khăn rằn ngang đầu, tính cách hào sảng, kiên quyết không vào hợp tác xã vì lối làm ăn quan liêu, chủ quan nóng vội - Lý Huỳnh gây ấn tượng mạnh mẽ vì sự "lột xác" hoàn toàn.
Thành công của nhân vật Hai Lúa trong Vùng gió xoáy giúp Lý Huỳnh có thêm một vai diễn ấn tượng khác là ông Hai Cũ - một nhân vật nghĩa hiệp đậm chất Nam Bộ trong bộ phim cùng tên ra mắt năm 1982.
Đây cũng là bộ phim mà ông lăngxê cậu con trai Lý Hùng tập tễnh bước chân vào điện ảnh, để rồi trở thành một gương mặt ăn khách của dòng phim "mì ăn liền" gần một thập niên sau đó. Hai vai diễn lão nông phóng khoáng đậm chất Nam Bộ giúp Lý Huỳnh nhận được giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam năm 1983.
Nhiều nghệ sĩ, khán giả đánh giá cao màn "lột xác" của Lý Huỳnh với hai vai diễn nghĩa khí và chất phác Nam Bộ trong Vùng gió xoáy và Hai Cũ.
Nghệ sĩ Trần Quang cho rằng đó cũng là tính cách của Lý Huỳnh ngoài đời: "Ông là một con người và nghệ sĩ rất nghĩa hiệp, giúp đỡ nhiều đồng nghiệp trước 1975 tham gia hoạt động phim ảnh khi ông đứng ra làm sản xuất phim.
Đáng tiếc là thập niên 1990, Lý Huỳnh hơi nóng vội khi gia nhập thị trường điện ảnh tư nhân và sản xuất nhiều bộ phim chất lượng thấp trong giai đoạn phim "mì ăn liền", khiến bộ phim cuối cùng của ông (Tây Sơn hào kiệt - NV) thất bại khá nặng nề".
"Nhưng dấu ấn của Lý Huỳnh với những bộ phim của điện ảnh cách mạng sau 1975 là không thể phủ nhận" - Trần Quang nói thêm.
"Ba gặp và hôn từng đứa con"
Nghệ sĩ Lý Huỳnh và hai con Lý Hùng, Lý Hương - Ảnh: gia đình cung cấp
Nghệ sĩ Lý Huỳnh (tên thật là Lý Kim Tuyền, quê quán ở Vĩnh Long) qua đời vào 4h50 ngày 22-10 tại nhà riêng ở TP.HCM sau nhiều năm bệnh nặng.
Con gái ông, nghệ sĩ Lý Hương, chia sẻ: "Ba đã ra đi trong mãn nguyện. Ba gặp và hôn từng đứa con. Ba thương tất cả các anh chị em trong gia đình. Những ngày tháng cuối cùng, anh chị em lúc nào cũng về bệnh viện liên tục, từ sáng tới tối, để ở kế bên ba nên ba rất vui".
NSƯT Trịnh Kim Chi - phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - cho biết gia đình NSND Lý Huỳnh thường xuyên đến thăm, tặng quà các nghệ sĩ già yếu hiện được nuôi dưỡng tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM.
Trước khi mất vài tháng, ông cùng vợ và các con đã đến viện; nhận thấy cơ sở vật chất của viện xuống cấp nghiêm trọng, ông và vợ bày tỏ mong muốn được sửa sang lại viện cho tươm tất để các nghệ sĩ ở thoải mái hơn.
Diễn viên Lý Hùng tâm sự với Tuổi Trẻ: "Ba lúc nào cũng nghĩ đến các nghệ sĩ lớn tuổi. Gia đình đang thực hiện việc sửa sang, làm đường cho Viện dưỡng lão nghệ sĩ, dự định khi làm xong sẽ đưa ba đến gặp các bác, các cô chú, vì lúc nào ông cũng muốn gặp gỡ họ, nhưng chưa gặp được thì...".
Thời gian qua, gia đình cũng đã vận động bạn bè quyên góp được 500 triệu đồng cho đồng bào vùng lũ. "Gia đình tính kế hoạch ra các tỉnh miền Trung cứu trợ nhưng... Sau lễ tang, gia đình sẽ đi cứu trợ bởi đây là tâm nguyện của ba".
Tang lễ của nghệ sĩ Lý Huỳnh diễn ra tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (TP.HCM). Lễ an táng diễn ra ngày 24-10 tại Phúc An Viên, quận 9, TP.HCM.
T.VŨ - L.ĐOAN - H.PHƯƠNG
* Đạo diễn Hồ Ngọc Xum:
"Hai Lúa" Lý Huỳnh hết mình với vai diễn
Tôi làm việc với nghệ sĩ Lý Huỳnh trong khá nhiều phim. Tôi nhớ khi mình còn là trợ lý đạo diễn phim Vùng gió xoáy, khi đi quay phim tôi cùng Lý Huỳnh ở chung nhà, sinh hoạt chung với nhau để gần gũi nhau và có thời gian phân tích nhân vật.
Khán giả xem phim thấy Lý Huỳnh vào vai Hai Lúa thành công như thế nào nhưng ít ai biết rằng để có thể diễn ra anh nông dân đậm chất Nam Bộ như vậy, trước khi phim quay, ông đã xuống miền quê sống, sinh hoạt với nông dân trong một thời gian dài để tìm hiểu tính cách và nhập vai diễn.
Phim quay suốt 6 tháng và ông cũng ăn ở suốt sáu tháng với những người nông dân luôn...
Còn trong phim nhựa Ngọn cỏ gió đùa do tôi làm đạo diễn, Lý Huỳnh vào vai Lê Văn Đó. Nhân vật này nghèo rồi đi tù nên phải trông gầy gầy, ốm ốm. Thế là chỉ trong thời gian ngắn, Lý Huỳnh ép giảm cân đến hơn 4kg. Khi ra phim trường, mệt quá ông xỉu luôn khiến vợ ông lo lắng quá chừng...
Ngoài năng khiếu diễn xuất, Lý Huỳnh còn rất cần cù trong việc học thoại. Ông viết ra tập những câu thoại riêng của mình rồi đọc đi đọc lại đến thuộc lòng. Mỗi khi ở cùng với tôi là ông ấy đem tôi ra để cùng tập diễn...
* Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân:
Lý Huỳnh xứng đáng là "nghệ sĩ của nhân dân"
Nếu như Lý Tiểu Long bị "kẹt" trong thế giới phim võ thuật, bị "đóng khung" trong những nhân vật anh hùng chủ yếu là phô diễn cơ bắp thì Lý Huỳnh lại có cơ hội bay bổng hơn trong dòng phim lịch sử chiến tranh tại Việt Nam.
Có thể nói với vai đại úy Long trong phim Mùa gió chướng, Lý Huỳnh đã khắc họa nên một hình tượng nhân vật phản diện mang đặc trưng Nam Bộ ruột để ngoài da khác với phong cách thể hiện nhân vật phản diện của NSND Thế Anh. Mỗi phong cách đều có cái "riêng" của mình và vì vậy cả Lý Huỳnh và Thế Anh đều có những người hâm mộ cuồng nhiệt.
Song, Lý Huỳnh trong suốt quá trình hoạt động điện ảnh đã cố gắng không để mình bị "đóng khung", bị "kẹt" trong một mẫu hình tượng. Năm 1982, Lý Huỳnh lại có vai diễn "để đời" khi hội ngộ với đạo diễn Hồng Sến trong bộ phim điện ảnh mang tên Vùng gió xoáy.
Xem đại úy Long của Mùa gió chướng (1978) rồi xem ông Hai Lúa của Vùng gió xoáy (1982), 4 năm trôi qua mới thấy Lý Huỳnh đã vượt qua bản thân mình như thế nào.
Lý Huỳnh xứng đáng là người "nghệ sĩ của nhân dân", cho dù anh không còn bằng xương bằng thịt ở bên cạnh chúng ta nữa.
HOÀNG LÊ ghi
TTO - NSND Lý Huỳnh đã ra đi nhưng hình ảnh về một nghệ sĩ hết mình với các vai diễn trong phim và hết lòng thiện nguyện trong cuộc sống vẫn còn mãi trong ký ức của những đồng nghiệp, bạn bè.
Xem thêm: mth.53675932222010202-ob-man-tahc-gnud-peih-aihgn-cahp-tahc-is-ehgn-hnyuh-yl/nv.ertiout