Học sinh lớp 1 Trường TH Kỳ Đồng Q.3, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Chị Hoàng - phụ huynh lớp 1 ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - cho biết như trên khi nói về lý do phải mua 6 cuốn sách tham khảo để dạy cho đứa con đang học lớp 1 của mình.
Chị Hoàng kể: "Do chương trình lớp 1 năm nay quá nặng, con tôi bị cô giáo chê là học chậm hơn các bạn. Tối nào tôi cũng kèm con học nhưng con không nghe theo lời mẹ, tôi dạy cháu đánh vần hay tập viết cháu đều nói: "Mẹ dạy không giống như cô giáo".
Quá căng thẳng, tôi phải ra nhà sách tìm đọc rồi mua một loạt sách để biết chương trình lớp 1 mới năm nay khác chương trình ngày xưa chúng tôi học như thế nào".
Những "người bạn" của sách giáo khoa
Đi cùng với 5 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 không chỉ có các loại vở bài tập (được in như sách) mà còn có rất nhiều sách tham khảo ăn theo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên các trang web chính thức giới thiệu về một số bộ SGK lớp 1, các nhóm tác giả còn giới thiệu luôn các đầu sách tham khảo và gọi đó là "những người bạn của SGK", "đồng hành cùng SGK", "bám sát SGK"...
Như trang web giới thiệu về một bộ SGK do nhóm tác giả ở TP.HCM thực hiện thì các đầu sách tham khảo được giới thiệu là: "Vui học cùng chữ viết", "Vui đọc thơ văn lớp 1", "Vui học chính tả lớp 1", "Vui học từ và câu", "Bộ tranh hỗ trợ dạy học kể chuyện tiếng Việt" (được giới thiệu là tranh được sắp xếp theo chủ đề trong SGK), "Luyện tập toán 1", "Bài tập phát triển năng lực học toán cho học sinh lớp 1"...
Một đơn vị xuất bản SGK lớp 1 đã giới thiệu với nhiều nhà trường một combo sách tham khảo với môn tiếng Việt lớp 1 gồm 6 đầu sách. Trên một trang thông tin, số sách tham khảo này được gọi với tên ý nghĩa là "những người bạn" đi kèm với SGK.
Cụ thể gồm các cuốn như "Vở bài tập tiếng Việt 1", "Vở luyện viết", "Truyện đọc lớp 1", "Thực hành tiếng Việt", "Em luyện viết đúng, viết đẹp", "Phiếu ôn luyện cuối tuần tiếng Việt 1".
Đáng nói là khi biên soạn và giới thiệu sách, nhóm biên soạn rất chú ý gắn liền sách tham khảo với SGK lớp 1 mới năm nay cả về nội dung chủ đề, mạch kiến thức, thậm chí là ngữ liệu theo hướng mở rộng, phát triển thêm.
Điều này khiến phụ huynh hoặc bị thuyết phục, hoặc lo lắng sợ không mua, không cho con học thêm sẽ không theo kịp bạn bè trên lớp. Ví dụ trong phần giới thiệu cuốn "Bài tập tiếng Việt" của nhóm này có lưu ý cuốn sách tạo điều kiện cho thầy cô và phụ huynh theo dõi, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Hay ở cuốn "Truyện đọc dành cho học sinh lớp 1" sắp xếp các truyện theo chủ đề tương tự như trong SGK Tiếng Việt. Ở cuốn "Em luyện viết đúng, viết đẹp" còn giới thiệu đưa những bài tập chép gắn với SGK Tiếng Việt, gồm các câu/đoạn văn trong bài học được mở rộng, nâng cao.
Tương tự, cuốn "Phiếu ôn luyện cuối tuần" cũng gắn với bài học. Mỗi phiếu sẽ tương ứng với kiến thức được học trong một tuần theo phân bổ của SGK.
Với cách biên soạn sách tham khảo có liên kết chặt chẽ với SGK, các đơn vị xuất bản dễ phát hành được theo hệ thống nhà trường cùng với SGK đã được các nhà trường lựa chọn.
Tôi muốn đặt câu hỏi: Bộ GD-ĐT đã có quy định nhà trường, giáo viên không được quảng cáo, giới thiệu sách tham khảo, tuy nhiên thực tế lại khác. Các sở và phòng GD-ĐT đã có biện pháp nào chấn chỉnh tình trạng này chưa?
Anh Th. (phụ huynh lớp 1 ở quận Tân Phú, TP.HCM)
Khi giáo viên giới thiệu
"Con tôi về nhà đưa cho ba mẹ xem thư ngỏ của một đơn vị về việc phát hành 3 cuốn sách tham khảo dùng cho học sinh lớp 1 ở 3 môn: toán, tiếng Việt, tiếng Anh với giá 185.000 đồng. Cháu nói với ba mẹ: "Cô giáo bảo cả lớp là về kêu ba mẹ mua 3 cuốn này, sách in đẹp lắm".
Tôi trả lời rằng nhà mình đã có khá nhiều sách tham khảo, chủ yếu là ba mẹ đọc chứ con chưa biết hết các vần, chưa đọc được thì mua làm gì. Cháu cứ năn nỉ mẹ là mẹ mua đi, không mua là cô buồn đó. Tôi thấy đây mới là cách "không ép vẫn phải mua" rất hiệu quả" - anh Th., phụ huynh lớp 1 ở quận Tân Phú, phản ánh.
Anh Th. cho biết: "Giá sách tham khảo ở nhà sách trung bình 30.000 - 50.000 đồng/cuốn mà sách do cô giáo giới thiệu có giá cao hơn, 45.000 - 70.000 đồng/cuốn. Tôi cũng làm việc trong ngành xuất bản nên tôi biết mức chiết khấu dành cho sách tham khảo rất cao, tùy từng cuốn sách và tùy vào nhà xuất bản, mức chiết khấu từ 25 - 50% tính theo giá bán ra.
Biết vậy nhưng vợ tôi vẫn phải bấm bụng đăng ký mua 3 cuốn sách với giá cao mà chưa biết "mặt mũi" nó như thế nào, nội dung có phù hợp với việc học tập của con mình hay không?".
Anh Th. kể tiếp: "Rất may, một phụ huynh lớp 1 có hiểu biết về giáo dục đã lên phản ánh với ban giám hiệu nhà trường, rằng nhà trường làm như thế là sai quy định, nếu không cho ngưng thì phụ huynh sẽ kiện lên Sở GD-ĐT. Cách đây vài ngày chúng tôi đã được trả lại tiền".
Môn nào cũng có sách tham khảo
Trong bộ sách tham khảo của một đơn vị xuất bản SGK lớp 1, kể cả môn tin học cũng có sách tham khảo như "Tin học với đời sống"; môn âm nhạc có sách "Âm nhạc thực hành 1"; môn hoạt động trải nghiệm có sách "Thực hành kỹ năng sống qua hoạt động trải nghiệm 1", "Khám phá thế giới quanh em qua các chủ đề STEAM 1"...
Cho giáo viên chủ động liệu có nảy sinh kẽ hở?
Sách tham khảo lớp 1 được bày bán tại một nhà sách ở TP.HCM - Ảnh: H.HG.
Sau sự việc SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều phải chỉnh sửa một số ngữ liệu không phù hợp ngay trong năm học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho học sinh căn cứ vào yêu cầu về ngữ liệu được quy định trong chương trình, căn cứ vào trình độ học sinh, mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Đây là hướng thực hiện phù hợp với một chương trình được thiết kế mở, khích lệ các nhà trường, giáo viên chủ động, sáng tạo trong việc khai thác nguồn học liệu để sử dụng cho bài giảng, phù hợp với phương pháp, cách thức tổ chức dạy học.
Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt thì một "hướng mở" có thể cũng tạo kẽ hở cho việc đưa sách tham khảo vào nhà trường, bắt buộc phụ huynh phải bỏ tiền mua. Hệ lụy của việc này không chỉ làm gánh nặng tiền trường của phụ huynh tăng thêm mà còn khiến học sinh chịu quá tải.
Điều lệ trường tiểu học vừa ban hành đầu năm học 2020 - 2021 quy định nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo đó, các giáo viên sẽ đề xuất, tổ chuyên môn tổng hợp và báo cáo lên lãnh đạo cơ sở GD-ĐT; hiệu trưởng là người quyết định cuối cùng việc lựa chọn tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.
Như vậy để giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu phù hợp trong việc dạy tiếng Việt như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các nhà trường cần đầu tư để có nguồn học liệu, tài liệu tham khảo dùng chung cho giáo viên và học sinh. Giáo viên chủ động khai thác nguồn học liệu của trường và của cá nhân trong khuôn khổ đảm bảo quy định để thiết kế bài dạy.
Nhưng vấn đề này chưa được các nhà trường phổ biến cụ thể, tường minh, kết hợp với kiểm soát chặt chẽ nên tình trạng giáo viên gợi ý cho phụ huynh mua sách và sử dụng nội dung sách tham khảo để dạy trên lớp, ra bài tập về nhà cho học sinh vẫn còn.
Kẽ hở này là cơ hội để các đơn vị xuất bản đưa sách vào nhà trường, nhất là theo hình thức "bán kèm".
(còn tiếp)
TTO - Nhiều phụ huynh đang khổ sở với các loại sách tham khảo, sách bài tập khi phải chi thêm tiền mua sách cho con nhưng có khi lại… không dùng đến.
Xem thêm: mth.58885341222010202-gnud-gnohk-eht-gnohk-gnuhn-tam-ac-aoh-pat-iab-hcas-oahk-maht-hcas/nv.ertiout