Sáng 22-10, Quốc hội (QH) thảo luận trực tuyến, góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo nghị trình, dự kiến dự án luật này sẽ được QH biểu quyết thông qua ngày 13-11. Ở lần thảo luận này, vấn đề có nên “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” ở nơi có công trình vi phạm hay không tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau.
Cắt để giảm thiệt hại cho xã hội
“Với chức năng là cơ quan chuyên môn, tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý công tác này ở địa phương, chúng tôi rất mong mỏi được bổ sung giải pháp này” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An Phan Thị Mỹ Dung (đại biểu (ĐB) QH Long An) phát biểu.
Theo bà Dung, việc áp dụng biện pháp nói trên sẽ ngăn chặn/giảm được thiệt hại cho xã hội. Bởi thực tiễn thời gian qua, các doanh nghiệp, cá nhân đã có nhiều vi phạm pháp luật như xây dựng không phù hợp quy hoạch, xây dựng không phép, sai phép... vẫn “hiên ngang tồn tại”.
Ngoài ra, nhiều trường hợp doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động kinh doanh nhưng chưa hoàn tất các thủ tục liên quan, đã bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, lập biên bản vi phạm và đình chỉ thi công… Tuy nhiên, với các quy định còn chung chung nên người vi phạm cố tình chống đối, biên bản thì cứ lập, làm thì cứ làm.
“Khi lực lượng đến thì họ ngừng, khi lực lượng đi thì họ lại làm, thậm chí tạm giữ máy móc, thiết bị thi công thì họ lại mang cái khác đến. Chưa kể họ nghĩ phạt cho tồn tại nên cứ tiếp tục thi công, xây dựng, hoạt động đầu tư kinh doanh và tiếp tục có hành vi vi phạm…” - bà Dung nói.
“Chỉ có ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước thì mới buộc dừng ngay các hành vi gây ô nhiễm môi trường” - bà Dung nhấn mạnh và khẳng định đây là biện pháp hữu hiệu trong tổ chức thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, giảm rất nhiều áp lực về nhân lực, tài lực trong việc tổ chức thi hành.
Chưa nhân văn, khó thuyết phục
Tranh luận từ điểm cầu Nghệ An, ĐB Nguyễn Hữu Cầu lại không đồng tình với việc bổ sung biện pháp cắt điện, nước. “Tôi dám cam đoan với QH là không có một vụ vi phạm hành chính nào mà chính quyền từ cấp xã, huyện đến tỉnh phát hiện kịp thời và ngăn chặn một cách quyết liệt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không thành công” - ông Cầu nói.
Nguyên giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng chỉ có thờ ơ, làm không đến nơi đến chốn, vi phạm mới tồn tại. Còn làm quyết tâm, quyết liệt thì không có một doanh nghiệp, một cá nhân nào có thể chống lại các quyết định của cơ quan nhà nước.
Ông Cầu nhấn mạnh khi cắt điện, nước thì không chỉ một người vi phạm liên quan mà còn liên quan đến quyền lợi của một loạt người khác. “Một nhà dân xây dựng không đúng, chúng ta cắt điện, nước tòa nhà thì người già ở đó lấy nước đâu để uống? Trẻ con lấy nước đâu để tắm? Đi đâu kiếm nước để uống? Trong lúc đó có thể khấu trừ, có thể đình chỉ và thậm chí tháo dỡ công trình, buộc họ phải chấp hành theo luật” - vẫn lời ĐBQH tỉnh Nghệ An.
Từ điểm cầu Tuyên Quang, ĐB Ma Thị Thúy cũng cho rằng việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước sẽ dẫn đến vi phạm quyền con người và các nguyên tắc xử phạt.
“Bổ sung biện pháp cưỡng chế này không thể hiện tính nhân văn và chưa thuyết phục. Tính khả thi không cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm quy định trong Bộ luật Dân sự” - nữ ĐB tỉnh Tuyên Quang nói, đồng thời cho rằng điều này còn thể hiện sự thiếu hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước và hiệu lực của các quy định pháp luật của Nhà nước.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết do còn ý kiến khác nhau, Thường vụ QH sẽ gửi phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH.
Cắt của người này, ảnh hưởng đến người khác Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước... Lý do, qua tổng kết thi hành luật thì thấy với các quy định hiện hành, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. “Điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói. Hơn nữa, việc áp dụng biện pháp này là “can thiệp sâu vào quan hệ dân sự” nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện cung ứng và bên được cung cấp dịch vụ. Luồng ý kiến khác lại cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế trên là cần thiết. Tuy nhiên, quy định như dự thảo luật trình QH tại kỳ họp thứ 9 là quá rộng. Do vậy, luồng ý kiến này đề nghị thu hẹp phạm vi áp dụng chỉ trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường có xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc “việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác”. |