Ngọc Anh thường xuyên phụ giúp gia đình với nhiều công việc khác nhau - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Mình không nghĩ mình thiệt thòi hơn các bạn, cũng chưa từng thấy mặc cảm. Mình có thể làm việc gì cũng được, miễn là mình và các em được đi học, có thể phụ giúp gia đình sau này.
Ngọc Anh
Mới đây, bức thư "cầu cứu", bày tỏ nguyện vọng được đi học của Trần Thị Ngọc Anh (sinh năm 2002) - cựu học sinh Trường THPT Phú Ngọc, Định Quán, Đồng Nai - nhận được nhiều chia sẻ trên mạng xã hội.
Suýt bị lừa khi xin việc
Bức thư "cầu cứu" kể lại hoàn cảnh gia đình và tình hình hiện tại của Ngọc Anh. Ba mất cách đây 5 năm, gánh nặng kinh tế trong nhà đặt trên vai người mẹ - bà Trần Thị Phượng. Từng đồng tiền công làm mướn, phụ hồ ít ỏi được bà gói ghém lo cho ba đứa con tuổi ăn học và mẹ chồng tuổi xế chiều.
Những công việc quá sức gây ảnh hưởng đến cột sống, khiến giờ đây bà không thể làm việc nặng nhọc. Đã vậy, dịch COVID-19 khiến bà Phượng mỗi tháng chỉ làm thuê được vài buổi. "Hiện tại, khoản chi phí vào đại học đang là khó khăn lớn đối với em..." - Ngọc Anh viết.
Mới đây, Ngọc Anh tình cờ nhìn thấy tin tuyển dụng nhân viên bán hàng cho một hệ thống siêu thị lớn ở Thủ Đức. Ngay lập tức, bạn khăn gói đón nhiều tuyến xe buýt vào TP.HCM, trong lòng háo hức vì nghĩ sẽ tìm được việc, có một khoản tiền nhỏ cho năm học mới.
Đến nơi, Ngọc Anh "tá hỏa" khi bị bắt đóng 600.000 đồng lệ phí hồ sơ kèm tiền đồng phục. Tìm hiểu thì bạn mới biết đây là một chiêu lừa đảo đã được nhiều báo đài cảnh báo.
Chuyến đi vất vả nhưng không có kết quả đặt cô gái nhỏ vào "thế chân tường" khi ngày nhập học sắp đến, bạn đành viết lá thư cầu cứu.
Hoàn cảnh gia đình đặc biệt dường như buộc Ngọc Anh phải lớn nhanh hơn để san sẻ cùng mẹ. Bà Phượng kể, "bán sức" kiếm tiền không còn lạ gì với cô con gái lớn. Cuối cấp II, bạn đã bắt đầu đi làm ngoài giờ học, khi thì theo mẹ dọn cỏ mướn, lúc thì hái xoài, hái quýt, xịt thuốc trừ sâu thuê cho các chủ vườn.
Những ngày hè, lễ tết, Ngọc Anh kiếm việc bưng bê ở các quán cơm, quán nước. Những buổi tối dư dả thời gian, Ngọc Anh phụ bà nội đan giỏ thuê cho một xưởng mỹ nghệ trong vùng.
"Bạn ấy tốt lắm"
Dù gặp nhiều khó khăn và phải dành thời gian đi làm, Ngọc Anh vẫn luôn đạt thành tích học tập tốt. Suốt 12 năm học, Ngọc Anh luôn là học sinh giỏi, một trong những "lá cờ đầu" của Trường THPT Phú Ngọc.
Cô Nguyễn Thị Thủy Tiên - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Ngọc Anh - nhận xét bạn là một gương điển hình vượt khó học tập của lớp và cả trường. Chuyện học luôn được Ngọc Anh đảm bảo với điểm số "đẹp" toàn diện. Không những nằm trong đội tuyển của trường tham gia kỳ thi học sinh giỏi toán, bạn cũng năng nổ có mặt trong những hoạt động phong trào.
"Cân bằng được việc học và phong trào với các học sinh bình thường đã không dễ, huống chi Ngọc Anh lại còn phải phụ giúp gia đình. Tôi biết mỗi ngày Ngọc Anh thường dành thời gian làm việc đỡ đần mẹ, rồi thức khuya để hoàn thành bài vở. Bởi vậy, nhiều lúc Ngọc Anh vào lớp với đôi mắt nhìn rất mệt mỏi. Thầy cô, bạn bè ai thấy cũng thương, thường nhắc em giữ gìn sức khỏe và ăn uống đầy đủ" - cô Tiên nói.
Lê Thị Mai Trâm - bạn thân của Ngọc Anh - nhớ lại có giai đoạn thấy Ngọc Anh như bị suy nhược cơ thể vì quá sức, bạn bè ai cũng lo lắng. Dù bận rộn với chuyện học, chuyện làm, Ngọc Anh "chơi với bạn bè hết mình".
Trâm cho biết chính Ngọc Anh đã dành nhiều buổi tối trong tuần sang nhà phụ đạo cho bạn các môn tự nhiên. "Bạn ấy tốt lắm, kèm cặp mình rất tận tình. Sau hơn hai tháng, mình đã khá hơn rõ rệt" - Trâm nói.
Học để mẹ vui
Ngọc Anh chia sẻ: "Học trước hết là để mẹ vui, vì mẹ đã bỏ công làm lụng, tảo tần vì ba chị em nên "có quyền" được thấy các con học tốt và nên người".
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, Ngọc Anh giành được 25,5 điểm cho tổ hợp toán - lý - hóa và trúng tuyển Trường ĐH Tài chính - marketing. "Mình mong sau này có nghề rồi lo cho bản thân, gia đình và giúp đỡ lại những trường hợp giống như mình bây giờ" - Ngọc Anh nói.
TTO - Trong danh sách học sinh khó khăn đạt điểm cao kỳ thi THPT từ một cô giáo ở Tây Ninh gửi đến báo Tuổi Trẻ có tên thủ khoa khối C Nguyễn Thị Kim Thoa. Nhưng thật bất ngờ, Thoa muốn nhường suất học bổng "Tiếp sức đến trường" lại cho bạn học khác.
Xem thêm: mth.97490849122010202-ceiv-nix-id-ihk-aul-ib-tyus-hnis-un-gnoud-gnaig-ned-ed-iahc-noub/nv.ertiout