Sau giai đoạn 1 triển khai gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng đạt kết quả khả quan, nhiều chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ mới cần tập trung vào những doanh nghiệp có quy mô đủ lớn, có khả năng phục hồi và có tính lan tỏa cao.
NHIỀU DOANH NGHIỆP HƯỞNG LỢI
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới tổng thể nền kinh tế, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ.
Đến nay, Chính phủ đã có 4 gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, bao gồm: gói hỗ trợ tài khóa, gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng, gói hỗ trợ an sinh xã hội và các gói hỗ trợ khác. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu và đào tạo BIDV, gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng có giá trị ước tính 36.600 tỷ đồng (0,6% GDP).
Gói hỗ trợ này bao gồm phần giảm lãi suất khi các tổ chức tín dụng cho vay mới với lãi suất ưu đãi (giảm 1 - 2,5%/năm so với thông thường) với quy mô cam kết khoảng 600.000 tỷ đồng; các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ (không tính lãi phạt); miễn, giảm lãi (giảm 0,5 - 1,5% cho các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng); miễn, giảm phí, nhất là phí thanh toán và một số phí dịch vụ khác...
Các khoản hỗ trợ này dẫn đến giảm lợi nhuận trước thuế (giảm 20 - 25%) cả năm 2020 của các tổ chức tín dụng và giảm thu ngân sách tương ứng. Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã 2 lần giảm các lãi suất điều hành, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Với những giải pháp này, ngày càng nhiều khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp được hưởng chính sách giảm lãi suất. Việc này được thể hiện thông qua kết quả giải ngân của các ngân hàng từ những gói cho vay với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt là từ tháng 4/2020, phần lớn các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay với mức giảm phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí có một số ngân hàng như VietinBank, Vietcombank... đã hạ lãi suất vay vốn cho khách hàng từ 2,5% - 4%/năm.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 14/9/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.
Không chỉ đưa ra các giải pháp liên quan đến lãi suất, tỷ giá và tín dụng, ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh việc miễn, giảm phí nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tổng số tiền phí giao dịch thanh toán các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng qua Napas đến hết năm 2020 dự kiến sẽ vào khoảng 1.004 tỷ đồng. Như vậy, số thu phí dịch vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ tổ chức tín dụng tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.
Báo cáo điều tra đánh giá tác động của Covid-19 và hiệu quả của các chính sách ứng phó Covid-19 đối với doanh nghiệp vừa được Trường đại học Kinh tế quốc dân công bố đầu tháng 10/2020 cũng cho thấy gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng đạt kết quả khả quan so với những gói hỗ trợ khác. Cụ thể, theo báo cáo, có 15,38% doanh nghiệp nhận được gói hỗ trợ miễn, giãn, giảm lãi vay, phí ngân hàng; 10,26 doanh nghiệp nhận hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ và khoảng 6,5% doanh nghiệp được rút ngắn thời gian xét duyệt vay vốn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
HỖ TRỢ CHỌN LỌC HƠN
Cùng với việc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ giai đoạn 1 cho doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu và xem xét gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng bổ sung.
Bởi theo ông, quy mô 4 gói hỗ trợ mà Chính phủ đang triển khai chỉ chiếm khoảng 3% GDP, thấp hơn so với mức 10-15% GDP ở các quốc gia đang phát triển và 2-7% GDP ở một số nước ASEAN. Theo đó, có cơ sở để thực hiện gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giai đoạn 2.
Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, nguồn vốn của các gói hỗ trợ này không phải từ ngân sách nhà nước, mà chủ yếu là từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, nên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc an toàn - khả thi - sinh lời. Do đó, không nên hiểu rằng các khoản vay từ gói hỗ trợ này là các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ nên sẽ không phải tuân theo các điều kiện vay vốn và quy trình thẩm định của ngân hàng thương mại, mà từng khoản vay đều có trách nhiệm hoàn trả như các khoản vay thông thường và phải tuân thủ mọi quy định về cho vay của ngân hàng.
"Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây, là chúng ta sẽ hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?", ông Lực nêu vấn đề. Theo vị chuyên gia này, chúng ta đã từng có gói hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong quá khứ nhưng không hiệu quả, vì áp dụng quá đại trà.
Do đó, ông Lực kiến nghị triển khai cho vay lãi suất ưu đãi cho một số đối tượng rõ ràng, minh bạch, có lộ trình kết thúc cụ thể. Theo đó, xem xét cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi (thấp hơn thị trường khoảng 2%/năm) cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong một số lĩnh vực rất khó khăn như vận tải, du lịch, dệt may, da giày, giáo dục - đào tạo... Quy mô gói này khoảng 450.000 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ lãi suất khi đó sẽ khoảng 9.000 tỷ đồng, huy động từ ngân sách nhà nước.
Tiếp đến là thúc đẩy cho vay tiêu dùng (cơ bản là cơ chế) theo hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong việc phân rõ hơn giữa cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với ngân hàng thương mại; hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, góp phần thúc đẩy tài chính - ngân hàng số.
Bên cạnh đó, tăng cường cho vay tái cấp vốn và xem xét giảm phí bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở phân loại tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (từ quý 4/2020 đến hết năm 2021), để các tổ chức tín dụng có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Còn ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) cho rằng khu vực doanh nghiệp vẫn sẽ "thấm đòn" Covid-19 trong năm 2021 do đó cần gói hỗ trợ tiếp theo để doanh nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển. Hơn nữa, bản thân các ngân hàng cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm này khi các khách hàng rơi vào khó khăn.
Theo đó, vị chuyên gia đến từ ADB khuyến nghị cần mở rộng đối tượng hỗ trợ và gia hạn thời gian giãn, hoãn nợ, cân nhắc thời điểm phải chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho các tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến...
Xem thêm: mth.92490201132010202-91-divoc-uah-gnud-nit-hcaoh-ek-teiht-pac/nv.ymonocenv