Liên quan tới đại án tham nhũng tại quỹ đầu tư quốc gia Malaysia 1MDB, ngân hàng Goldman Sachs ngày 22/10 thừa nhận đã vi phạm luật chống tham nhũng Mỹ và chấp thuận nộp nhiều tỷ USD cho nhà chức trách trên toàn cầu, đồng thời thu hồi tiền thưởng đã trả cho các giám đốc cấp cao.
Đây là một trong những bê bối lớn nhất trong lịch sử Phố Wall, theo Wall Street Journal.
THU HỒI VÀ GIẢM THƯỞNG CỦA LOẠT GIÁM ĐỐC CẤP CAO
Cụ thể, Goldman Sachs thu hồi tổng cộng 67 triệu USD tiền thưởng năm 2011 của cựu CEO (Lloyd Blankfein), cựu giám đốc hoạt động, cựu giám đốc tài chính và hai cựu phó chủ tịch. Ngoài ra, ngân hàng sẽ cắt giảm tổng cộng 31 triệu USD tiền thưởng của CEO hiện tại (David Solomon), giám đốc hoạt động (John Waldron), giám đốc tài chính (Stephen Scherr) và CEO phụ trách quốc tế (Richard Gnodde) trong năm 2020.
"Việc này hoàn toàn hợp lý trong tình hình hiện tại", ban giám đốc Goldman Sachs cho biết trong thông báo về quyết định đối với các giám đốc, cựu giám đốc. "Đây là lời nhắc nhở quan trọng rằng tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm cho hành động của nhau và cho thất bại của tập thể".
"Dù không ai trong số các giám đốc cấp cao hiện tại và trước đây có liên quan hay biết về vai trò của Goldman Sachs trong bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào khi ngân hàng đứng ra giao dịch trái phiếu của 1MDB, ban giám đốc vẫn quyết định có biện pháp xử lý đối với họ do những phát hiện trong cuộc điều tra của nhà chức trách cũng như số tiền ngân hàng phải bỏ ra để dàn xếp vụ việc", ban giám đốc của ngân hàng Mỹ cho biết.
Bình luận về quyết định này, cựu CEO Blankfein đồng tình rằng lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách nhiệm về những sai phạm xảy ra dưới sự quản lý của mình.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ đòi lại 76 triệu USD tiền thưởng đã trả cho các cựu nhân viên có liên quan tới hành vi phạm pháp tại 1MDB, gồm Tim Leissner, Ng Chong Hwa và Andrea Vella.
Theo đó, tổng số tiền thưởng thu hồi và cắt giảm đối với các giám đốc, cựu giám đốc và cựu nhân viên của Goldman Sachs là 174 triệu USD.
Bê bối 1MDB đã phủ bóng lên nhiệm kỳ của đương kim CEO David Solomon, người đảm nhận cương vị này từ năm 2018 và muốn thúc đẩy ngân hàng đi theo một hướng tìm kiếm lợi nhuận mới.
HƠN 5 TỶ USD DÀN XẾP VỤ BÊ BỐI
Ngày 22/10, Goldman Sachs đồng ý nộp 2,8 tỷ USD cho chính phủ Mỹ để khép lại cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về vai trò của ngân hàng này trong bê bối tham nhũng tại 1MDB. Đây là khoản phạt lớn nhất từ trước đến nay đối với một ngân hàng Mỹ.
Trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ), các công tố viên cáo buộc một mạng lưới quốc tế - trong đó có hai cựu nhân viên Goldman Sachs - đã cùng nhau biển thủ số tiền nhiều tỷ USD từ 1MDB. Giới chức Mỹ cũng cho rằng Goldman Sachs phớt lờ các dấu hiệu gian lận nhằm mục đích thu được nhiều tiền phí nhất có thể.
Vụ 1MDB là một trong những "vết nhơ" lớn nhất trong lịch sử 151 năm của Goldman Sachs. Tổng cộng, bê bối này khiến Goldman Sachs mất hơn 5 tỷ USD để giải quyết (gồm tiền phạt cho nhà chức trách Mỹ, Anh, Hồng Kông và Malaysia), tương đương khoảng 2/3 lợi nhuận trong 1 năm của ngân hàng này.
Tuy nhiên, thỏa thuận nộp phạt giúp Goldman Sachs tránh được những biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất mà nhà chức trách Mỹ có thể sử dụng - điều có thể khiến hoạt động của ngân hàng này bị tê liệt và càng làm tổn hại thêm tới danh tiếng mà ngân hàng dày công xây đắp vài năm trở lại đây.
Quỹ 1MDB được thành lập cách đây 1 thập kỷ với hàng loạt kế hoạch quy mô lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế Malaysia. Tuy nhiên, theo các công tố viên, thay vì thực hiện đúng sứ mệnh của mình, quỹ này trở thành "cỗ máy rút tiền" cho các quan chức tham nhũng của Malaysia, ngân hàng đầu tư và một loạt nhân vật có máu mặt liên quan.
Vào năm 2012 và 2013, Goldman Sachs đã giúp 1MDB phát hành 6,5 tỷ USD trái phiếu. Phần lớn số tiền này đã biến mất và được cho là bị biển thủ bởi nhà tài chính Jho Low, một cố vấn của 1MDB, và cộng sự. Cơ quan điều tra Malaysia phát hiện số tiền gần 700 triệu USD đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của cựu Thủ tướng Najib Razak - người sau đó bị cáo buộc lạm dụng quyền lực trong vụ bê bối.
Tuy nhiên, các thỏa thuận nộp phạt trên vẫn chưa chấm dứt chuỗi rắc rối của Goldman Sachs. Đầu tuần này, Quỹ Đầu tư Xăng dầu Quốc tế (IPIC) của Abu Dhabi đâm đơn kiện chống lại Goldman nhằm thu hồi khoản lỗ do các thỏa thuận nộp phạt của ngân hàng này liên quan tới 1MDB. Quỹ này cáo buộc ngân hàng Mỹ cấu kết với một người không rõ danh tính tại Malaysia để hối lộ 2 cựu giám đốc của IPIC để thúc đẩy các hợp đồng nhằm thu thêm phí.