Ngày 23-10, Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos phát hành báo cáo đánh giá hành vi người tiêu dùng thay đổi như nào sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào hồi tháng 7. Phạm vi nghiên cứu gồm các quốc gia Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan.
Theo Ipsos Việt Nam, trải qua hai giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ là tháng 3,4 và tháng 7,8 nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ cùng sự chung tay của cộng đồng, tại Việt Nam dịch COVID-19 đã được kiểm soát.
Theo đó, có 55% người Việt cho rằng nền kinh tế sẽ tốt lên trong sáu tháng tới trong khi mặt bằng chung của sáu nước khu vực Đông Nam Á là 45%.
Hoạt động du lịch chưa vẫn chưa khởi sắc cho đến năm sau
Tương tự như đợt khảo sát hồi tháng 5, người Việt sẵn sàng quay trở lại các hoạt động bên ngoài như đi ăn nhà hàng, tham gia sự kiện hay thăm bạn bè.
Tuy nhiên, 73% người dân dự định sẽ giảm tần suất các hoạt động mua sắm và giải trí. Các hoạt động du lịch vẫn chưa khởi sắc cho đến năm sau. Và du lịch nước ngoài sẽ còn chậm trễ hơn vì phần lớn không có ý định đi trước mùa hè năm sau.
Người Việt tiếp tục duy trì một lối sống khỏe mạnh hơn qua việc ăn uống, bổ sung dưỡng chất, tập luyện thể dục, giảm bớt rượu bia và thuốc lá.
Mặt khác, tuy lạc quan nhưng người Việt vẫn lo lắng liệu công việc có ổn định hay không. Do đó, có đến một nửa người tham gia khảo sát nói là họ chưa tự tin để thực hiện các mua sắm lớn; các hoạt động đầu tư cũng đưa vào hạng mục cắt giảm.
Có 81% người Việt cho rằng họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi mua sắm, tiếp tục ưu tiên cho những thứ thiết yếu; 45% người dân giảm chi tiêu cho các hoạt động bên ngoài.
Theo khảo sát Ipsos, có trên 60% người dân cho biết thu nhập hộ gia đình sẽ được tăng lên, trong đó mức phục hồi tốt hơn thuộc nhóm có thu nhập cao. So với tháng 5, số hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 90% thì trong tháng 9 giảm xuống còn dưới 80%.
Mặc dù thu nhập bị ảnh hưởng và cân nhắc kỹ lưỡng khi mua sắm, nhưng có đến 80% vẫn lựa chọn thương hiệu thường mua. Có đến 20-30% người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm khác thay thế nhưng vẫn là của thương hiệu yêu thích. Tỉ lệ những người lựa chọn thương hiệu khác thay thế là dưới 20%.
Điều này cho thấy vai trò của thương hiệu và tình yêu thương hiệu càng được khẳng định. Đây là cơ hội để thương hiệu đẩy mạnh việc kết nối với người tiêu dùng, giới thiệu sản phẩm phù hợp với thói quen mới của họ.