Nếu tính chi ly thì VN-Index đóng cửa hôm nay ở 961,26 điểm trong khi mức đóng cửa của phiên ngày 21/12/2019 là 960,99 điểm. Chỉ số đã cao hơn một chút so với cuối năm 2019 nhưng điều đó không quan trọng, vì khoảng cách có khả năng còn gia tăng thêm nữa với sức mạnh cực kỳ ấn tượng của các blue-chips luân phiên tăng giá.
Vai trò của các cổ phiếu ngân hàng trở nên mờ nhạt hôm nay. VCB là cổ phiếu lạc lõng nhất trong nhóm ngân hàng mấy phiên đầu tuần thì hôm nay tăng được 1,04%. Tuy vậy sức ảnh hưởng của VCB còn kém xa các cổ phiếu "siêu trụ" khác.
Ấn tượng nhất phải kể tới VIC, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, có phiên tăng mạnh thứ hai liên tiếp. VIC xứng đáng là cổ phiếu trụ quan trọng nhất và ổn định nhất hôm nay. Ngay vài chục phút đầu phiên VIC đã tăng vùn vụt lên 104.900 đồng, trên tham chiếu 4,8%. Toàn bộ thời gian còn lại VIC căng mình chịu lực bán chốt lời để duy trì mức tăng 3,9% đến hết phiên. Thanh khoản của VIC tăng 2,8 lần so với hôm qua và đạt mức cao nhất 4 tháng.
Thanh khoản gia tăng cực mạnh đồng thời chỉ trong 2 phiên VIC đã tăng 6,89% giá trị, giá thì lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020. Trong 14 phiên gần nhất VIC tăng 13,29%, vì vậy nếu bị chốt lời thì cũng là bình thường. Quan trọng là VIC vẫn có được mức tăng rất khỏe, giúp VN-Index có tới 3,8 điểm.
VNM và VHM là hai trụ lớn còn lại hỗ trợ VIC. VNM tăng 3,09%, VHM tăng 2,58% đều là mức tăng đột biến nhất kể từ đầu tháng 10. Tuy nhiên cả VHM lẫn VNM không có được sự bùng nổ ấn tượng như VIC. Hai mã này thực chất đang cố gắng kiểm định lại ngưỡng cao vừa đạt được trong ngắn hạn. Với VNM là đỉnh cao nhất 112.600 đồng cuối tháng 9 vừa qua còn với VHM là đỉnh đầu tháng 9. Tính chung hai cổ phiếu này giúp VN-Index có được 3,9 điểm.
Các cổ phiếu còn lại tăng giá không có nhiều. Đáng chú ý chỉ là HPG tăng 4,39%, MSN tăng 1,18% và MWG tăng 1,38%, VCB tăng 1,04%. VN-Index tăng 11,36 điểm cả phiên hôm nay thì 10,5 điểm là do 7 cổ phiếu này.
Nhóm VN30 tuy có số lượng cổ phiếu tăng giá nhiều hơn hẳn số giảm (19/10 mã) nhưng các cổ phiếu tăng khác có ít ảnh hưởng hoặc quá nhẹ. Trừ VCB, nhóm ngân hàng yếu đáng kể với BID giảm 0,35%, CTG giảm 0,63%, STB giảm 0,34%, VPB tăng 0,39%, TCB tăng 0,21%, MBB tăng 0,27%, HDB tăng 0,79%. KHD hay ROS cũng tăng trên 1% nhưng không đáng chú ý.
Độ rộng tổng thể ở HSX rất tích cực với 250 mã tăng/160 mã giảm nhưng giao dịch cũng không nóng. Số kịch trần đáng chú ý có HAI, CCL, AMD, FLC, TDG, STK, BMP, SFG. Chỉ số Smallcap tăng yếu 0,56% còn Midcap thậm chí chỉ tăng 0,18%.
Đà đi lên của thị trường nói chung hiện đang được dẫn dắt một cách rõ ràng ở nhóm cổ phiếu lớn. VN30-Index tuần này tăng 3,2% trong khi VN-Index tăng 1,9%. Đặc biệt sự hiệu quả của việc xoay vòng giữa các mã lớn đang đẩy chỉ số lên và xuất hiện các phiên bứt tốc như hai ngày cuối tuần. Hôm qua VN-Index tăng 10,87 điểm, hôm nay tăng 11,36 điểm trong khi hai phiên đầu tuần hầu như không tăng.
Hiện tượng xoay vòng các mã trụ có hiệu quả về cuối tuần là do tập hợp những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất tăng cộng hưởng. Những phiên đầu tuần vai trò chính là BID, CTG, TCB, MSN. Vốn hóa của nhóm này tương đối hạn chế. Hai ngày cuối tuần có sự ra mặt của VIC, VHM, VCB và VNM, tác động lập tức khác biệt hoàn toàn.
Thanh khoản phiên cuối tuần cũng quay lại ngưỡng trên 8.400 tỷ đồng khớp lệnh và 10.192 tỷ đồng tổng giá trị. 8 cổ phiếu giao dịch lớn nhất vượt 200 tỷ đồng với HPG dẫn đầu đạt 898,7 tỷ đồng. TCB và VHM đứng kế tiếp với giá trị khớp lệnh tương ứng 678,9 tỷ và 460,8 tỷ đồng. 8 mã hàng đầu này chiếm 40,3% tổng giá trị khớp của cả hai sàn.
Phiên hôm nay cũng chứng kiến mức bán ròng khá hiền của khối ngoại. HSX chỉ còn bị rút đi -232 tỷ đồng ròng, VN30 là khoảng -162 tỷ đồng. Tuy nhiên tuần này vẫn là tuần rút vốn kỷ lục của khối ngoại kể từ cuối tháng 8 với trên 2.400 tỷ đồng ròng. Những mã bị bán ròng cực mạnh phiên này là VRE, MSN, VHM, HBC, SSI, HSG, CTG, HDB, POW.
Xem thêm: mth.24271745132010202-0202-man-ol-taoht-ad-xedni-nv-hnam-cuc-gnat-urt-ueis-ab-ob/nv.ymonocenv