Nhiều người Việt cắt giảm các khoản mua sắm lớn
Tâm An
(TBKTSG Online) - Lo lắng về khả năng duy trì công việc và thu nhập trong tương lai khi dịch Covid-19 vẫn chưa biết chừng nào kết thúc, rất nhiều người tiêu dùng thực hiện cắt giảm các khoản chi tiêu, mua sắm lớn.
Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn người dân các nước xung quanh nhưng chọn cách tiết kiệm để bảo vệ gia đình. Đồ họa của Ipsos. |
Khảo sát với 500 người Việt Nam trên 18 tuổi, có kết nối trực tuyến, đã lập gia đình, có con cái, có nhiều mức thu nhập khác nhau (đa phần là từ 7,5 triệu đồng/tháng)... trong trung tuần tháng 9, Ipsos, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu ghi nhận, có đến 50% số người tham gia khảo sát nói là họ chưa tự tin để mua sắm các món hàng có giá trị lớn.
Các hoạt động đầu tư cũng đưa vào hạng mục cắt giảm. Trong đó, đầu tư vào bất động sản giảm gần 40%; vào chứng khoán giảm 35%; cho vay giảm 32%... so với trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, 81% số người tiêu dùng cho rằng họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi mua sắm. Các ưu tiên hiện tại là ăn uống tại nhà, chăm sóc nhà cửa, vật dụng thiết yếu cho cá nhân (44%).
Ngược lại, chi tiêu cho giải trí và hưởng thụ tiếp tục giảm (45% giảm chi tiêu cho các hoạt động bên ngoài nhà) và 73% số người tiêu dùng dự định sẽ giảm tần suất các hoạt động mua sắm và giải trí.
Tuy nhiên, khi mua sắm, người tiêu dùng tiếp tục chọn các thương hiệu vẫn thường mua (80%). Chỉ có dưới 20% số người lựa chọn thương hiệu khác thay thế. Và có hơn 20% số người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm khác thay thế nhưng vẫn là của thương hiệu yêu thích.
Cũng theo khảo sát vừa được Ipsos công bố hôm 22-10, so với các nước trong khu vực cùng tham gia như Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, người dân Việt Nam tỏ ra lạc quan hơn về tương lai. Có đến 55% số người Việt Nam được thăm dò ý kiến cho rằng nền kinh tế sẽ tốt lên trong sáu tháng tới. Trong khi đó, chỉ 45% số người được khảo sát ý kiến ở sáu nước khác trong khu vực Đông Nam Á cho rằng kinh tế sẽ khá lên.
Bên cạnh đó, trên 60% cho rằng thu nhập hộ gia đình sẽ được tăng lên, trong đó mức phục hồi tốt hơn thuộc nhóm có thu nhập cao (66%). So với khảo sát thực hiện hồi tháng 7, có đến 90% người dân nói rằng thu nhập hộ gia đình bị giảm nhưng kết quả khảo sát trong tháng 9 cho thấy, con số này đã giảm xuống dưới 80%. Tâm lý này có được nhờ việc kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả của Chính phủ.
Ipsos khuyến nghị, các doanh nghiệp cần đón nhận sự thay đổi của người tiêu dùng, nhanh chóng điều chỉnh chiến lược để nắm bắt nhanh thói quen mới về mua sắm trực tuyến, giữ kết nối với họ, giới thiệu sản phẩm phù hợp với thói quen mới.
Xem thêm: lmth.nol-mas-aum-naohk-cac-maig-tac-teiv-iougn-ueihn/928903/nv.semitnogiaseht.www