Doanh nghiệp Nhật Bản nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Ngày 23-10, có đến 20 nhà sản xuất lớn của Nhật Bản đã trực tiếp trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam với nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp linh phụ kiện tại chỗ nhằm thay thế linh phụ kiện nhập khẩu.
Đại diện doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản trao đổi tại Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2020. Ảnh: Lê Hoàng |
Nằm trong khuôn khổ Triển lãm trực tuyến về gia công kim loại và máy công cụ METALEX Vietnam 2020 diễn ra tại TPHCM, các doanh nghiệp xứ hoa anh đào với những thương hiệu lớn như Panasonic, Sharp, Juki, Toyota Motor, Fujitsu Computer, Noble Electronics... tìm kiếm nhiều nhà cung cấp linh phụ kiện trong nước.
Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TPHCM (CSID), một trong những đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện kết nối này, nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản này cần đến hàng trăm linh phụ kiện trong ngành xe hơi, điện tử...
Các sản phẩm cụ thể có thể kể đến như ép nhựa, xi mạ, in ấn kỹ thuật cao, đúc, cơ khí chính xác, gia công xử lý bề mặt, gia công kim loại...
Cơ quan trực thuộc Sở Công Thương này đã chọn lọc và giới thiệu hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng để có thể trực tiếp trao đổi làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản này.
Tuy nhiên theo bà Anh, chỉ có 30 doanh nghiệp trong nước được các doanh nghiệp Nhật Bản chọn để ngồi cùng nhau thảo luận làm việc trong buổi kết nối liên quan đến Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2020 này.
Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM cũng là một thành viên tổ chức triển lãm này. Đây cũng là tổ chức giới thiệu các doanh nghiệp nước này đến triển lãm để tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam.
Theo bà Duy Anh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, METALEX Vietnam cũng phải chuyển sang tổ chức trực tuyến nhưng JETRO tại TPHCM cùng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tham gia sự kiện kết nối với các nhà cung cấp trong nước cho thấy một sự nỗ lực rất lớn của JETRO trong việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng như nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp xứ mặt trời mọc trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp tại chỗ.
Ở vị trí Trưởng văn phòng đại diện JETRO tại TP.HCM, ông Hirai Shinji cho biết, các công ty Nhật Bản nhận thấy sự cần thiết của việc thiết lập một hệ thống cung ứng bền vững và đáng tin cậy thông qua việc đa dạng hóa cơ sở sản xuất, đặc biệt, sau gần 10 tháng chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
"Để Việt Nam duy trì vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các công ty sản xuất Nhật Bản khi mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, việc phát triển các cụm công nghiệp thông qua tăng cường mạng lưới kinh doanh giữa các công ty Nhật Bản và địa phương nhằm thúc đẩy công nghệ sản xuất tiên tiến là vô cùng cần thiết”, ông Hirai Shinji nói.
Theo kết quả cuộc khảo sát về tình hình hoạt động năm 2019 của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương do JETRO thực hiện, Việt Nam thiếu các nhà cung cấp tiềm năng có năng lực cạnh tranh. Tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam chỉ đạt mức 36,3%, không thay đổi so với khảo sát của năm trước đó, trong đó tỷ lệ thu mua từ doanh nghiệp địa phương chỉ là 13,6%. |
Ông Hirai Shinji nhấn mạnh văn phòng JETRO tại TPHCM có kế hoạch thực hiện nhiều dự án khác nhau để giúp phát triển mối quan hệ của các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam. Một trong những sự kiện chính trong chuỗi các dự án của JETRO là đồng tổ chức “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2020” cùng với triển lãm trực tuyến METALEX Vietnam 2020 trong hai ngày 23 và 24-10.
"Chúng tôi hy vọng rằng, sự kiện này sẽ thúc đẩy sự hợp tác kinh doanh thành công giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam”, ông nói.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), đánh giá cao sự hợp tác lần này. Bà Vân tin rằng bằng sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp; triển lãm sẽ góp phần giúp doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường... giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng trong khi doanh nghiệp nước ngoài vẫn sử dụng nhà cung ứng trong “chuỗi” của họ vì chất lượng ổn định, giá cạnh tranh, thì năng lực của các nhà cung cấp trong nước vẫn kém, cả về thiết bị công nghệ lẫn nguồn nhân lực, hệ thống quản trị, hệ thống kiểm soát.
Thời gian qua, các hoạt động triển lãm - hội chợ kết nối cung-cầu như Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ cũng đã phần nào giúp các nhà sản xuất tìm được những nhà cung cấp tiềm năng, dù là số lượng không nhiều và các nhà cung cấp vẫn bị đòi hỏi phải cải thiện hơn nữa về nhiều mặt.
Tuy vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đều có quy mô nhỏ hoặc vừa, chưa có đủ nguồn lực để đầu tư quy mô lớn, xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thiếu kết nối, thiếu cơ chế phối hợp.
METALEX Vietnam 2020: Mở rộng kết nối kinh doanh ngành sản xuất thời đại số Triển lãm trực tuyến dành cho ngành sản xuất, gia công cơ khí METALEX Vietnam 2020 cũng được khai mạc vào ngày 23-10 tại TPHCM. Sự kiện hứa hẹn tạo nền tảng kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước. Ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex Vietnam, đơn vị tổ chức triển lãm METALEX Vietnam 2020, chia sẻ triển lãm sẽ là cơ hội cho các nhà công nghiệp tiếp cận với công nghệ mới. Theo ông Tài, trong phiên bản trực tuyến lần này, METALEX Vietnam vẫn có vị thế là một triển lãm quốc tế khi chào đón hơn một trăm nhà triển lãm từ Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác, cũng như khoảng 5.000 khách tham dự trực tuyến. Reed Tradex cũng sẽ phối hợp cùng Hội Khoa học kỹ thuật hàn Việt Nam nhằm tổ chức hội thảo trực tuyến “Ngành hàn trong xu hướng hội nhập” với sự quy tụ của các chuyên gia hàng đầu trong ngành tới từ Hội Khoa học kỹ thuật hàn Việt Nam và Hiệp hội hàn Nhật Bản. Ngoài ra, sẽ có hai hội thảo khác để giới thiệu các công nghệ và giải pháp phục vụ cho công nghiệp 4.0, bao gồm: “IRONCAD: Giải pháp thiết kế 3D nhanh chóng và đơn giản nhất” được chủ trì bởi đại diện Công ty CreativeMachine, Ltd., Nhật Bản và “Công nghệ tiên tiến và nhà máy thông minh cho công nghiêp 4.0” với sự tham gia của Công ty TNHH Mitutoyo Việt Nam. |
Xem thêm: lmth.man-teiv-pac-gnuc-ahn-meik-mit-cul-on-nab-tahn-peihgn-hnaod/228903/nv.semitnogiaseht.www