WhatsApp tìm cách kiếm tiền từ người dùng
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - WhatsApp giờ đây đã có cách kiếm tiền từ dịch vụ nhắn tin miễn phí mà họ cung cấp cho hơn hai tỉ người dùng trong nhiều năm qua. Nỗ lực “moi tiền” này có thể đưa một phần thông tin về thói quen mua sắm của người dùng về máy chủ của Facebook.
Nếu như trước đây Facebook cố gắng thương mại hóa WhatsApp bằng cách tập trung vào hiển thị quảng cáo và triển khai các dịch vụ tài chính, thì gần đây, WhatsApp đã được thử nghiệm chuyển tiền trên ứng dụng này ở Brazil vào hồi tháng 6 và trước đó nữa là các chương trình vay ngang hàng (P2P lending) ở Ấn Độ. Nỗ lực mới này có vẻ khả thi hơn.
Khai thác dữ liệu lớn
Hôm 22-10, nền tảng nhắn tin mã hóa của Facebook tuyên bố rằng công ty bán hàng giờ đây có thể lưu trữ, phân tích và quản trị các trao đổi với khách hàng trên hệ thống server của Facebook. Hiện các công ty phải tự lưu trữ và xử lý các dữ liệu trên.
Dịch vụ lưu trữ sẽ được kèm theo nhiều lựa chọn để doanh nghiệp có thể tiếp thị sản phẩm của mình qua các trang catalogue của WhatsApp và qua các cửa hiệu, giỏ mua hàng bán trên các tài khoản Facebook. WhatsApp sẽ được lợi từ việc các nơi bán hàng sử dụng các công cụ này, bên cạnh việc tính tiền doanh nghiệp theo các tương tác của khách hàng.
Cách thức mới của WhatsApp dường như đi ngược lại với mô hình kinh doanh cốt lõi của Facebook là bán quảng cáo theo đối tượng (targeted ad). Hiện WhatsApp không cung cấp các chi tiết về thời điểm sẽ khai trương dịch vụ mới hay bất cứ dự báo nào về doanh thu, nhưng Giám đốc điều hành Matthew Idema của WhatsApp nói rằng phần mềm có thể mang lại nhiều lợi ích cho Facebook.
“Doanh nghiệp chi hàng trăm tỉ đô la cho dịch vụ chăm sóc khách hàng. Cơ hội là lớn và hoàn toàn khác quảng cáo nhằm vào đối tượng”, ông Idema nói với Wall Street Journal.
Facebook mua WhatsApp trong vụ sáp nhập năm 2014 trị giá 22 tỉ đô la, nhưng vẫn chưa trả cổ tức. Các tin nhắn trên WhatsApp được mã hóa, không lưu trữ trên server và không có khả năng nhắm vào cụ thể một đối tượng hay nhóm đối tượng nào đó như Facebook và Instagram.
Sau bốn năm nỗ lực thương mại hóa, giờ đây Facebook đã có hướng mới để có thể kiếm tiền từ WhatsApp - Ảnh: Getty Images |
Quyết định tập trung vào các tương tác, trao đổi trong quá trình mua hàng phản ánh đúng mục đích sử dụng WhattsApp của đa số người dùng trên thế giới. Tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, WhatsApp được sử dụng cho các trao đổi cá nhân. Nhưng nhiều người dùng ở các nước đang phát triển – chiếm tỷ lệ lớn người dùng WhatsApp – lại sử dụng nền tảng này để mua bán và chăm sóc khách hàng.
Mối lo âu về bảo mật vẫn lớn
Hơn 175 triệu người sử dụng các tài khoản doanh nghiệp mỗi ngày. Giám đốc điều hành Idema nói rằng nền tảng này thuận lợi cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp khi so sánh số điện thoại và e-mail. Nếu WhatsApp khẳng định được vai trò của mình là kênh thông tin không thể thiếu cho bán hàng, nền tảng tin nhắn này có thể buộc doanh nghiệp phải trả một số tiền siêu nhỏ – một phần thật nhỏ tính theo tiền xu – cho mỗi tin nhắn tương tác với người tiêu dùng. Với lượng người dùng khổng lồ, những cái siêu nhỏ này có thể nhanh chóng “tích tiểu thành đại”.
WhatsApp có uy tín về bảo mật, nhưng nếu được thương mại hóa thì chắc chắn sẽ có nhượng bộ. Các trao đổi của người sử dụng WhatsApp với các công ty bán hàng vẫn được mã hóa. Nhưng với những phần đã tích hợp với các nền tảng khác của Facebook, một phần các thông tin về hành vi mua sắm của người dùng có thể được chia sẻ, đưa về máy chủ của Facebook – vốn đã bị chính phủ Mỹ và các nước châu Âu nhiều lần điều tra về bảo mật dữ liệu.
Lưu trữ bất cứ thông tin về hoạt động của người dùng sẽ là khá mới mẻ với WhatsApp. Công ty ngay từ đầu đã luôn nhấn mạnh “lưu trữ càng ít càng tốt” sẽ là cách bảo vệ dữ liệu khỏi các vụ tấn công, các trát đòi thông tin của tòa án hay bất cứ sự chọc khuấy nào của chính quyền.
Rishi Jaluria, nhà phân tích của hãng D.A. Davidson & Co., nói rằng kế hoạch kiếm tiền của WhatsApp là hợp lý và cũng giống như các hoạt động đã triển khai trên hệ thống tin nhắn Messenger của Facebook. Các nỗ lực “moi tiền” từ các vụ trao đổi giữa khách mua và doanh nghiệp của nền tảng này trước đây đã thất bại chỉ vì tập trung vào dịch vụ khách hàng cơ bản, chẳng hạn như phân phối vé máy bay điện tử qua ứng dụng này. “Điều này nghe có vẻ WhatsApp phải nỗ lực hơn nữa về mặt tiếp thị. Chiến lược này vẫn có ý nghĩa nếu WhatsApp bảo đảm các tiêu chuẩn về bảo mật như trước đây”, Jaluria nói.
WhatsApp cũng cần xem xét lại các trò chuyện mua bán có thích hợp với quan điểm về bảo mật riêng tư và thuật mã hóa. Nền tảng này sẽ thông báo cho người sử dụng rằng các trao đổi sẽ được doanh nghiệp bán hàng lưu trữ - có thể là trên máy chủ của Facebook. Ông Idema cho biết các tài khoản bán hàng trên ứng dụng này dễ phân biệt với các tài khoản sử dụng cho mục đích cá nhân.
Ông Idema nói rằng cả WhatsApp lẫn Facebook sẽ không dùng dữ liệu tin nhắn cho các mục đích riêng của từng công ty. Các điều khoản sử dụng WhatsApp sẽ được cập nhập và thông bố rộng rãi cam kết này. “Máy chủ chỉ lưu trữ cấu trúc nền tảng của công ty và chỉ như vậy”, ông nói.
Hãng phần mềm doanh nghiệp Twilio có giá trị vốn hóa đến 45 tỉ đô la bằng các dịch vụ tự động hóa xử lý e-mail, các cuộc gọi và tin nhắn. Twilio có thể hình mẫu cho gã khổng lồ Facebook về tăng gấp bội doanh thu. Thay vì cạnh tranh với các hãng phần mềm doanh nghiệp, WhatsApp có thể buộc các khách hàng của Twilio trả tiền để tiếp cận với người dùng phần mềm nhắn tin.
Diện mạo mới của WhatsApp có thể giúp “đưa khách hàng của Twilio lên giao diện lập trình ứng dụng chỉ trong vài phút”, theo lời Simon Khalaf, tổng giám đốc của Twilio phụ trách về tin nhắn.
Xem thêm: lmth.gnud-iougn-ut-neit-meik-hcac-mit-ppastahw/838903/nv.semitnogiaseht.www