Ông Trump và ông Biden trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng ngày 22-10 - Ảnh: REUTERS
Cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng cử viên tại Nashville, bang Tennessee ngày 22-10 (sáng 23-10, giờ Việt Nam) diễn ra khi ngày bầu cử chính thức chỉ còn 12 ngày nữa.
Giới quan sát nhận định cả hai ứng viên đã trình diện một bộ mặt văn minh hơn so với lần tranh luận hỗn loạn đầu tiên: bình tĩnh, kiềm chế và tôn trọng nhau.
Đại dịch là chủ đề số 1
Nhờ tác dụng của quy định tắt micro trong hai phút đầu ở mỗi câu hỏi, các ứng cử viên đã có cơ hội trình bày quan điểm rõ ràng hơn.
Mặc dù nội dung tranh luận có thể thiếu những kế hoạch chính sách cụ thể, nhưng ít nhất nó cũng giúp cử tri Mỹ nhìn ra sự đối lập rõ ràng giữa hai ứng cử viên để họ quyết định người để gửi gắm lá phiếu của mình.
Không ngạc nhiên khi người điều phối tranh luận, nữ nhà báo Kristen Welker của Đài NBC News, chọn đại dịch COVID-19 là vấn đề mở đầu chương trình.
Trong bối cảnh nước Mỹ đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ ba, cuộc bầu cử tổng thống 2020 còn là cuộc trưng cầu ý dân về cách xử lý đại dịch của tổng thống Mỹ thứ 45.
Ông Trump không còn nói tới chuyện sẽ có một vắcxin COVID-19 sẵn sàng sử dụng ở Mỹ trước khi nhiệm kỳ đầu tiên của ông kết thúc nữa, nhưng ông thuyết phục cử tri tin rằng nước Mỹ đang ở rất gần thời điểm có thể kiểm soát được đại dịch.
Trong khi đó, ông Joe Biden cho rằng ông Trump đã không có một kế hoạch ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả.
Ông Biden cảnh báo “mùa đông đen tối” phía trước khi số người chết vì COVID-19 ở Mỹ đã hơn 220.000 và nhấn mạnh: “Bất cứ ai chịu trách nhiệm về quá nhiều số người chết đó không nên ở cương vị tổng thống”.
Dù vậy, về đại thể, trong cuộc tranh luận cuối cùng, cả hai ứng cử viên vẫn chưa vạch ra được những kế hoạch ứng phó rõ ràng với đại dịch COVID-19.
Bởi vậy, ngay cả khi nhiều cử tri đã có ý tưởng rõ ràng về việc nên tin tưởng ai trong việc xử lý đại dịch, những người chờ đợi một câu trả lời rõ ràng cho những gì sắp tới hẳn sẽ thất vọng với cuộc tranh luận.
Đài PBS cho rằng ở cuộc tranh luận này, khi nói, ông Trump dường như có sự chuẩn bị tốt hơn với đường hướng tấn công rất rõ ràng. Ông chủ đích xây dựng hình ảnh về đối thủ Biden là một người chỉ biết nói mà không hành động.
Chẳng hạn, ông Trump nói về việc chính quyền của ông Obama thiếu những cải cách luật hình sự đáng kể và chất vấn ông Biden: “Ông có 8 năm (nhắc tới khoảng thời gian ông Biden làm phó tổng thống cho ông Obama - PV). Vậy tại sao ông đã không làm việc đó?”.
Nếu ông Trump cẩn trọng lựa chọn các thời điểm tấn công đối thủ, ông Biden lại tỏ ra trực tiếp, tập trung và rõ ràng hơn trong cách lựa chọn từ ngữ tranh luận. Trong khi ông Trump không trả lời trực tiếp các câu hỏi, ông Biden đưa ra những tuyên bố đơn giản, chắc chắn.
Chẳng hạn, khi nói về phân biệt chủng tộc, ông Biden nói: “Thực tế của vấn đề là có một chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã trở thành định chế ở nước Mỹ”; hay khi nói về môi trường, ông Biden nói: “Tình trạng nóng lên toàn cầu là một nguy cơ sống còn với nhân loại. Chúng ta có trách nhiệm đạo đức phải giải quyết nó”.
Thăm dò: không biết tin ai
Cuộc khảo sát nhanh của Đài CNN (có thiên hướng chống Trump) với các khán giả xem tranh luận cho thấy kết quả tương tự với khảo sát của DataProgress khi 53% nói ông Biden thắng, 39% nói ông Trump thắng.
Trong khi Đài Fox News (thân Trump) cho kết quả cách biệt lớn: 74% khán giả nhận định đương kim tổng thống Mỹ thắng cuộc tranh luận lần cuối, và chỉ 24% dành cho ông Biden.
Trong khi đó, theo dữ liệu cập nhật đến ngày 23-10 của trang RealClear Politics, tỉ lệ trung bình các kết quả thăm dò sự ủng hộ của cử tri Mỹ cho thấy ông Biden đang dẫn trước với 51,4%, trong khi ông Trump là 42,7%, tuy nhiên chênh lệch tại các bang chiến trường nhỏ hơn giữa hai đối thủ.
Hẳn nhiên sau tranh luận sẽ có những đánh giá của giới chuyên gia phân tích về việc ai là người chiến thắng. Tuy nhiên nhiều báo, đài Mỹ cho rằng cuộc tranh luận hẳn sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới cử tri, bởi phần lớn họ đều đã có quyết định lựa chọn của riêng mình.
Trang Scientific American đã đưa ra lập luận của họ chứng minh rằng các cuộc tranh luận tổng thống thường không gây khác biệt lớn với hầu hết cử tri.
Với hơn 40 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm tính tới thời điểm này, rõ ràng cuộc tranh luận tổng thống không phải là nhân tố chi phối họ. Một câu hỏi lớn đặt ra và hẳn nhiên không dễ đo lường: liệu ông Trump và ông Biden có thể thuyết phục được những cử tri còn đang lưỡng lự hay không?
Kristen Welker tỏa sáng
Trong phiên tranh luận ngày 22-10, nhà báo Kristen Welker của Đài NBC News được nhận xét đã có phần thể hiện tốt nhất trong số các điều phối viên của cuộc bầu cử 2020, nhận lời khen từ cả ông Trump lẫn ông Biden.
Nhà báo 44 tuổi này đã giữ thế điều khiển phiên tranh luận suốt từ đầu đến cuối, hiếm khi để cho các ứng cử viên ngắt lời hoặc lan man, xa rời các chủ đề tranh luận bà đã chọn.
Những câu hỏi của bà cũng rất tập trung, dẫn tới những câu trả lời hầu như chính xác của ông Trump và ông Biden.
TTO - Nút tắt micro dường như đã có tác dụng trong việc giúp cuộc tranh luận cuối cùng giữa ông Trump và ông Biden không ồn ào. Chuyên gia nhận định cả hai ứng viên rõ ràng đã học được nhiều bài học quan trọng từ lần trước.