Chiếc bánh chẳng phải là bánh chưng, cũng hao hao như bánh giầy thế nhưng vẫn không ai có thể nói chính xác cái tên của nó, chỉ có thể thừa nhận rằng người miền Tây chưa từng gói loại bánh này trong tiền lệ, ở thời điểm hàng nghìn người miền Trung đang chịu đói họ chỉ có thể vận dụng sự sáng tạo trong công cuộc lao động, sản xuất, tập hợp cùng nhau gửi chút thân tình cho đồng bào mình.
Những người phụ nữ ở Cần Thơ đã tập hợp nhau cùng nghĩ ra loại bánh phù hợp hơn cho việc mang ra miền Trung.
SÁNG TẠO LOẠI BÁNH MỚI, MỖI CÁI TƯƠNG ĐƯƠNG 2 BÁT CƠM, BẢO QUẢN ĐƯỢC NHIỀU NGÀY
Tôi phải mất đến vài phút để nhìn ra chiếc bánh trên tay người dân đang tỉ mỉ gói là bánh gì, bởi trong lịch sử ẩm thực vùng miền nói chung tôi chưa từng thấy loại bánh này. Hỏi ra mới biết, bánh là một sản phẩm sáng tạo cấp bách của người Cần Thơ nhằm tiết kiệm thời gian gói, mỗi cái bánh tương đương với hơn 2 bát cơm vừa đủ một người lớn ăn, không lãng phí và đặc biệt là dễ bảo quản.
Từng tấm lá chuối được lau vô cùng kỹ lưỡng trước khi bước vào công đoạn gói.
Do người miền Tây vốn hay làm bánh, nên máy móc, dụng cụ chỉ cần "ới nhau" là có sẵn hết.
Không gói bánh chưng, người miền Tây sử dụng những nguyên liệu tương tự là nếp, thịt lợn sau đó cho vào trong lá chuối gói thành cuộn, buộc dây bên ngoài sau đó hấp chín hình thành chiếc bánh thơm thảo tấm chân tình của người Cần Thơ.
Nếp phải ngâm nhiều giờ liền và được xào sơ qua trên chảo, lá chuối được lau kỹ càng, thịt cũng đã qua sơ chế và ướp sẵn hương vị, hàng trăm người ngồi lại truyền tay nhau hì hục gói bánh theo từng công đoạn từ đóng nhân đến việc cột dây.
Vội chứ không ẩu, chỉ vì sợ đồng bào mình ngoài kia sẽ bỏ cuộc!
Mỗi đòn là 2 chén cơm, vừa đủ cho một lần ăn nên không ảnh hưởng nhiều đến quá trình bảo quản.
Những hộp cơm chưa kịp ăn còn để bên cạnh, màu lá chuối xanh mơn mởn và sạch trơn vì đã được lau qua vài lần, cứ hết mâm lá này đến mâm lá khác, số lượng nếp, thịt và dây buộc cứ thay phiên nhau vơi rồi lại đầy, không khí vừa khẩn trương, vừa ấm cúng.
Theo tìm hiểu, nhân lực gói là người dân trong thành phố, công việc được chia đều, thanh niên sức dài vai rộng sẽ là lực lượng tiếp nhận việc vận chuyển và chặt chuối, còn các cô, các chị thì thay phiên nhau gói bánh, cột dây. Kinh phí cho đợt gói bánh này được vận động từ bà con lân cận, người góp sức người góp công. Bánh sau khi hấp chín sẽ được hút chân không để bảo quản được lâu hơn.
Tình người lúc này là trên hết, nhưng sau khi nhìn thấy những khó khăn và bất cập từ việc mang bánh và dùng bánh, người miền Tây hy vọng phương pháp này của họ sẽ thật sự hữu dụng.
Phải nói rằng gói bánh là một hoạt động đặc trưng của người miền Tây vào những dịp quan trọng trong gia đình như ngày Tết, ngày giỗ hoặc cưới,... Và có lẽ ngay thời điểm này, việc viện trợ miền Trung cũng là một việc cực kỳ quan trọng khiến họ lập tức nghĩ đến nét đặc trưng miền mình và tái hiện nó lại trong không khí ấm cúng và chan chứa sự hy vọng, mong cho miền Trung qua khỏi ách nạn của cơn đại hồng thủy lần này!
NGƯỜI CẦN THƠ CHIA THÀNH 2 CHIẾN TUYẾN, CÓ NHÓM ĐÃ Ở MIỀN TRUNG, VẬN CHUYỂN BÁNH BẰNG ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG
Theo tìm hiểu, bánh sẽ được các người dân sắp xếp vận chuyển bằng đường hàng không. Bên cạnh ủng hộ lương thực, người dân Cần Thơ còn kêu gọi nhau quyên góp và mua nhu yếu phẩm, phao cứu sinh để gửi miền Trung bằng đường vận tải. Một nhóm người đã được phân công đến các khu vực lũ lụt để tiếp nhận hàng hóa và nhóm này có nhiệm vụ phát cho từng hộ dân.
Từng đòn bánh được hấp chín kỹ, lau chùi cẩn thận sau khi chín và tiến hành đóng gói để bánh được bảo quản tốt nhất.
Tất cả những điều trên làm tôi xúc động tưởng tượng lại hình ảnh mà mình thường nghe kể trong câu chuyện tiếp sức thời chiến. Mỗi người dân Cần Thơ giờ đã thành một "vũ khí" chống tên "giặc" lũ lụt đang tràn về lấn át đồng bào mình.
Gần trăm người phụ nữ ngồi nhiều giờ liền để gói bánh không mỏi, ai có sức dai hơn thì chạy ra chạy vào thay lá, thay nếp, thay nhân liên tục, lửa cũng được đốt sẵn ngoài trời dưới một cái nồi nước thật to, vì miền Trung cả đấy!
"5.000 cái bánh dự kiến sẽ xong trong hôm nay, dù phải thức đến tận khuya chúng tôi vẫn sẵn sàng", một người nói với tôi như thế.
Những chiếc bánh chín ngả vàng còn nóng hổi được xếp gọn gàng nằm bên trong chiếc xửng hấp, trong chiếc bánh là sự yêu thương, hy vọng và là lời động viên thiết thực nhất cho người dân miền Trung lúc này. Không khí này có lẽ chẳng thể này miêu tả được hết trong những tấm ảnh và thay lời người dân miền Tây như ngay lúc này họ muốn nói: Miền Trung ơi, vững vàng lên!
Bảo Trân-Mỹ Hân
Pháp luật và bạn đọc