Mấy năm gần đây, cứ đến mùa mưa bão là tại các tỉnh miền Trung xảy ra nhiều vụ sạt lở núi, vùi lấp nhiều người. Đối phó với tình trạng sạt lở núi ngày càng nghiêm trọng là điều rất khó khăn bởi địa hình phức tạp, nhất là đối với những khu dân cư sống ven triền núi. Người miền Trung đã có kinh nghiệm sống chung với lũ, lụt. Nhưng để sống chung với nguy cơ sạt lở núi thì người dân miền Trung cần làm gì?
Sạt lở núi diễn ra liên tục nhiều nơi
Hôm qua (23/10), chính quyền huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và lực lượng thanh niên tiếp tục hỗ trợ tháo dỡ nhà, di chuyển đồ đạc, tài sản cho 47 hộ dân ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây đi lánh nạn. Hiện đồi Le Ngói có nguy cơ sạt lở tiếp. Phương án sắp xếp là 15 hộ dân được bố trí ở xen ghép trong khu dân cư, các hộ dân còn lại ở tạm trong Nhà văn hóa thôn và trụ sở UBND xã. Tại huyện Sơn Tây đã xuất hiện 7 điểm có nguy cơ sạt lở núi, uy hiếp tính mạng hàng trăm người dân.
Những thông tin về sạt lở núi kinh hoàng khiến mọi người lo lắng. Khi người dân cả nước chưa hết bàng hoàng về vụ sạt lở núi ở thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 17 người thiệt mạng và mất tích thì tiếp đó xảy ra vụ đoàn cứu hộ cứu nạn gồm 13 cán bộ, chiến sĩ bị quả đồi vùi lấp tại tiểu khu rừng 67. Ngày 18/10, khi Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đang tổ chức tang lễ cho 13 liệt sĩ hy sinh thì một quả đồi khác sạt lở vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Trong khi Quân đội và chính quyền các tỉnh Bắc Trung bộ tập trung khắc phục hậu quả sạt lở núi thì liên tiếp những vụ sạt lở núi vùi lấp nhà ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà cửa tài sản của người dân. Tại tỉnh Quảng Nam, sáng ngày 19/10, hàng trăm mét khối đất đá sạt lở vùi lấp 3 ngôi nhà của các hộ dân Alăng Nớớch, Riah Ngách, Hốih Cường, cùng trú thôn Ganil, xã A Xan, huyện miền núi cao Tây Giang. Rất may không thiệt hại về người.
Sạt lở gây tắc đường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai. Nhiều điểm chưa từng xảy ra sạt lở nay cũng liên tục sụt trượt. Tại khu vực đèo Le, trên Tỉnh lộ 611 tiếp giáp huyện Quế Sơn với huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, chỉ trong 13 ngày qua xảy ra 18 điểm sạt lở. Tại tỉnh Quảng Trị, 50 km đường Hồ Chí Minh nhánh Tây gần như đứt liên lạc hoàn toàn, gây cô lập các xã biên giới thuộc huyện Hướng Hóa. Tại Quảng Bình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa cử đại diện vào hiện trường sụt trượt núi nghiêm trọng trên Quốc lộ 12 A khu vực đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo để bàn phương án xử lý. Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Quảng Bình đang đi cùng đoàn công tác trên Cha Lo cho biết, đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối với các nước Lào, Thái Lan nên ngành giao thông xử lý khẩn cấp, phấn đấu thêm 1 tuần nữa thông xe hạn chế: "Sở đang khắc phục thông xe trong thời gian sớm nhất, các đơn vị làm ngày làm đêm, hốt sụt giảm tải hố trượt và khơi thông dòng suối và làm đường tránh tạm".
Gian khổ sống chung với sạt lở núi
Địa hình các tỉnh miền Trung ngắn và dốc, rừng bị tàn phá nhiều cộng với khí hậu ngày càng cực đoan nên nguy cơ sạt lở núi ngày một nghiêm trọng. Việc sống chung với sạt lở núi là điều rất khó khăn. Ở miền núi, địa hình phức tạp, khó bố trí dân cư cách xa các quả núi. Nhiều dự án thủy điện, phát triển kinh tế xã hội cũng làm cho nơi sống của người dân miền núi thay đổi, đi vào các khu tái định cư mới. Trong khi đó, các khu tái định cư mới được san ủi, nền đất chưa ổn định, nguy cơ sạt lở ở mức báo động.
Ông Đinh Quang Ven, Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương di dời người dân ra khỏi các vùng sạt lở, cảnh báo và di dời người dân đến nơi an toàn, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, việc ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con rất khó khăn bởi không có mặt bằng: "Do địa hình quá phức tạp, thứ hai nữa là hệ thống giao thông, hệ thống nước sinh hoạt, điện về nơi mới là không có, rồi xa trường học cũng là vấn đề. Việc hỗ trợ ban đầu cho họ để họ ổn định cuộc sống cũng rất khó khăn".
Không những miền núi đối diện với nguy cơ sạt lở núi mà ngay tại các thành phố, tình trạng sạt lở núi cũng đã xảy ra, dẫn đến gây chết người. Năm 2018, mưa lớn gây sạt lở xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang làm 17 người chết. Hiện nay, tại các quả đồi ở thành phố Nha Trang đang có nhiều khu dân cư đối mặt với nguy hiểm khi mưa to, nguy cơ sạt lở cao. Chỉ riêng khu dân cư như xóm Núi, xã Phước Đồng đã có khoảng 400 hộ dân nơm nớp lo sợ xảy ra sạt lở núi.
Ông Lê Hữu Thọ, Bí thư Thành ủy Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, nguy hiểm là thế nhưng thành phố chưa tìm ra giải pháp nào hữu hiệu: "Di dời những người dân cái khó hiện nay là tái định cư cho họ như thế nào? Đa số họ sống bằng nghề biển, di dời rất khó. Dân đã được cấp tái định cư rồi nhưng không chịu ở họ bán khu đất đó đi, họ lên xây trái phép đó thời gian rất là lâu rồi. Chính quyền mà không quản lý được".
Giải pháp nào để sống chung với nguy cơ sạt lở núi
Vụ sạt lở núi A Lăng tại xã biên giới A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vào ngày 19/10, nhờ chủ động sơ tán sớm nên hàng chục người thoát nạn. Trước đó, khi phát hiện vết nứt trên ngọn đồi phía sau khu dân cư Ganil, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng triển khai sơ tán khẩn cấp người dân đến nơi trú ẩn an toàn. Chỉ vài giờ sau khi người dân rời đi, một lượng lớn đất đá đổ ập xuống.
Cũng trong đêm 19/10, một quả đồi sau lưng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Binh bất ngờ sạt lở, đổ ập xuống. Chiều cao khối sụt trượt từ mặt đường lên mặt núi lở khoảng 150 mét. Vụ sạt lở phá hủy Hội trường, Nhà chỉ huy và một số khu nhà chức năng của Đồn Biên phòng. Theo Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy Trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, khi xuất hiện vết nứt trên núi sau lưng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, các cán bộ, chiến sĩ đã chủ động di chuyển lên Trạm kiểm soát Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và nơi khác để trú tránh nên hạn chế thiệt hại.
Mới đây, Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam yêu cầu các đơn vị Quân đội kiểm tra lại các đơn vị đóng quân trên miền núi, chủ động sơ tán khi phát hiện nguy cơ sạt lở núi: "Bây giờ chúng ta cũng có những đồn, trạm rất lẻ, đó là Biên phòng, rồi Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Hậu cần... là những đơn vị cũng có cái kho trong vùng rừng núi. Tôi yêu cầu Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Tư lệnh Biên phòng, chỉ đạo ngành dọc thuộc quyền của mình tổ chức kiểm tra ngay".
Nhiều cán bộ ở miền núi cho rằng, khi xây dựng các khu tái định cư mới, nên chọn các nơi xa chân núi, không san ủi nhiều để tránh thảm họa sạt lở núi. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cũng đã từng có nhiều năm làm Chủ tịch UBND huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đề nghị khi xây dựng các khu tái định cư cần tham vấn ý kiến người dân sở tại.
Theo ông Hồ Quang Bửu, bà con dân tộc thiểu số hàng ngàn đời nay ở miền núi cao, có nhiều kinh nghiệm sống chung với sạt lở núi: "Đầu tiên là phải giữ rừng, chứ không nên can thiệp vô rừng nhiều quá. Vì ngàn đời nay người dân sống trên đó rồi nên phải theo văn hóa tập tục của người ta. Nếu mà sắp xếp các khu dân cư thì phải tham vấn ý kiến của người dân"./.
Thanh Hà
VOV
Xem thêm: nhc.60513218042010202-iun-ol-tas-oc-yugn-iov-gnuhc-gnos-ed-ig-mal-gnurt-neim/nv.zibefac