"Chúng ta sẽ đứng lên chống lại gian lận thương mại", Tổng thống Trump hứa hẹn năm 2016. Ông đã cam kết sẽ chấm dứt "thời kỳ đầu hàng về mặt kinh tế" và đưa nước Mỹ lên trước tiên dù điều đó có nghĩa là "đạp người khác xuống". Ông cũng thề sẽ đàm phán lại những hiệp định thương mại song phương "tệ khủng khiếp, khinh miệt những thỏa thuận bất lợi cho nước Mỹ. Theo ông, các quy tắc thương mại quốc tế là bịp bợm và nếu các quốc gia khác phản đối thì ông sẽ trừng phạt họ bằng thuế quan.
Trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, ông ngay lập tức rút Mỹ khỏi Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương TPP. Ông bổ nhiệm "diều hâu" Robert Lighthizer – người "đánh chìm" hệ thống phân xử các tranh chấp thương mại của WTO – làm Đại diện thương mại Mỹ. Không có các trọng tài độc lập, các chính phủ nước ngoài có thắc mắc gì thì phải đàm phán trực tiếp với "chú Sam".
Tổng thống cũng giữ vững biệt danh "ngài thuế quan". Các đồng minh ở châu Âu và Canada cũng bị "tấn công" bởi thuế đánh và sắt thép với lý do đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Mức thuế trung bình áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ mức 3% ở thời điểm đầu năm 2018 lên 19% ở thời điểm hiện tại. Ông cũng dùng mối đe dọa thuế quan để đạt được những hiệp định thương mại song phương với Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như đàm phán lại hiệp định với Mexico và Canada.
Tuy nhiên phía sau những dòng tweet gây sốc và những cái bắt tay hoan hỉ, thực sự thì chính quyền Trump đã đạt được những gì? Vị Tổng thống vẫn chưa thể giải quyết được bất kỳ nhược điểm nào của hệ thống thương mại toàn cầu, ví dụ như những ảnh hưởng của chính sách trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc lên thị trường quốc tế. Dẫu vậy, không phải là ông không đạt được bất kỳ thành tựu nào.
Những lời dọa nạt đã khiến đối phương chấp nhận một số nhượng bộ. Nhật Bản mở cửa thị trường nông sản cho Mỹ mà không đạt được bất kỳ nhượng bộ nào từ phía Mỹ về chuyện tiếp cận thị trường xe hơi Mỹ (dù TPP còn khiến cánh cửa rộng mở hơn nhiều). Chính phủ Mexico đồng ý siết chặt các quy định về tiêu chuẩn đối với 1 chiếc xe hơi để được miễn thuế khi xuất khẩu sang Mỹ. Và hiệp định thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc đã loại bỏ các rào cản kỹ thuật áp dụng lên các sản xuất bơ sữa, thịt lợn, thịt bò mà Mỹ xuất khẩu sang thị trường này. Trung Quốc cũng mở cửa cho một số định chế tài chính Mỹ.
Tuy nhiên có vẻ như các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc không cảm thấy hài lòng. Trong khảo sát được Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung thực hiện trong tháng 5 và tháng 6, 37% cho biết chi phí thuế quan đã triệt tiêu hết lợi ích mà thỏa thuận thương mại mang lại. 56% nhận định còn quá sớm để đưa ra đánh giá.
Những thành tựu mà chính quyền Trump đạt được cũng đi kèm với cái giá không rẻ. Một nghiên cứu cho thấy mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa sự thiếu chắc chắn về thương mại với tốc độ tăng trưởng, nghĩa là các tranh chấp thương mại có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm 1%. Một khảo sát khác do Fed Atlanta thực hiện kết luận các nhà sản xuất Mỹ dự đoán việc tăng thuế và các tranh chấp thương mại khiến lượng vốn đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2019 giảm 8%.
Cuộc chiến thuế quan đã làm rối tung các nguồn lực. Các nhà sản xuất Mỹ được thuế quan bảo vệ nhưng người dân và doanh nghiệp khác lại phải chịu mức giá đắt đỏ cho hàng hóa nhập khẩu. Không ít công ty bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngoại giao.
Mặc dù Tổng thống Trump nói rằng người tiêu dùng nước ngoài phải trả tiền cho phần thuế tăng lên, các chuyên gia kinh tế không nghĩ như vậy. Quá trình nộp đơn xin miễn thuế cũng khiến các doanh nghiệp mắc kẹt trong hệ thống thủ tục quan liêu. Hàng nghìn công ty đã đâm đơn kiện, cho rằng một số loại thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc là phạm pháp.
Những người ủng hộ ông Trump lập luận muốn đạt được thành tựu thì phải hi sinh. Còn những người phản đối phản pháo rằng hoàn toàn có thể đạt được lợi ích lớn hơn thế mà không cần phải hi sinh nhiều như vậy. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump không đe dọa các đồng minh mà thay vào đó tập trung năng lượng để tấn công vào chính sách trợ cấp của Trung Quốc? Nếu ông ấy không làm trái lại những gì mình đã tuyên bố thì sao? Ngay khi thỏa thuận với Mexico và Canada vừa ráo mực, ông đã đe dọa đánh thuế Mexico. Điều này khiến phía bên kia nghi ngờ liệu có nên nhượng bộ hay không, và còn làm giảm sức mạnh của chính những lời đe dọa mà ông đưa ra.
Tham khảo The Economist