Bộ GD-ĐT cho hay sẽ sửa ngữ liệu không phù hợp trong bộ sách Tiếng Việt lớp 1 - Ảnh: VĨNH HÀ
Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa (SGK) năm học 2020 - 2021. Bộ cho hay đây là năm đầu tiên triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với lớp 1 theo lộ trình của nghị quyết 51 của Quốc hội.
Sau khi triển khai, tiếp nhận thông tin phản hồi về chương trình, SGK lớp 1 từ các nhà trường, giáo viên, phụ huynh và cử tri, những vấn đề tồn tại được dư luận quan tâm, phản ánh, Bộ GD-ĐT cho biết đây là lần đầu tiên thực hiện chủ trương một chương trình giáo dục có một số SGK, xã hội hóa biên soạn sách không được hỗ trợ chi phí ngân sách.
Về giá SGK, bộ cho hay giá của bộ SGK lớp 1 mới cao hơn khoảng 2 lần so với bộ cũ. Nội dung yêu cầu cần đạt về phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh đòi hỏi ngữ liệu, hình ảnh phải rõ ràng, chi tiết nên SGK lớp 1 có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn.
SGK thuộc danh mục Nhà nước định giá do là mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng nhiều gia đình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu trình Quốc hội quyết định việc đưa SGK vào danh mục hàng hóa bình ổn giá.
Trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, Bộ GD-ĐT cho hay đã tiếp tục chỉ đạo nhà xuất bản biên soạn SGK thực hiện tinh giản nội dung không cần thiết để giảm số trang, tiết kiệm chi phí các khâu để giảm giá thành.
Quán triệt nghiêm việc biên soạn SGK sử dụng được nhiều lần, hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào SGK, khuyến khích học sinh giữ gìn SGK và có chính sách hỗ trợ sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với sách tham khảo, Bộ GD-ĐT cho hay đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, không được ép học sinh mua sách tham khảo, yêu cầu nhà trường chấn chỉnh tình trạng lạm dụng sách tham khảo, lạm thu.
Tuy vậy, bộ nhìn nhận vẫn có một số nhà trường ở một số địa phương để xảy ra tình trạng giáo viên lập danh mục sách tham khảo kèm SGK gửi cho cha mẹ học sinh để đăng ký mua tự nguyện, gây băn khoăn trong dư luận.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT khẳng định đang rà soát, chỉnh sửa thông tư 21 để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào, có chế tài mạnh hơn với trường hợp vi phạm.
Bộ cũng đang từng bước khách quan hóa việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, hạn chế việc giáo viên đưa các nội dung nâng cao trong sách tham khảo vào dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Đối với chương trình môn tiếng Việt lớp 1, cử tri và giáo viên, phụ huynh phản ảnh chương trình nặng, Bộ GD-ĐT cho hay do chương trình mới, với quan điểm học sinh đọc thông viết thạo ngay sẽ học tốt hơn các môn học khác nên đã cơ cấu thời gian đầu cấp tiểu học môn tiếng Việt nhiều hơn.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, học sinh cũng chưa có điều kiện làm quen và giáo viên phải tập huấn trực tuyến là chính, có ít thời gian tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới.
Vì vậy để triển khai hiệu quả chương trình, bộ đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng phân bổ hợp lý nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn, hoạt động giáo dục để không gây quá tải; tăng cường tập huấn chuyên môn...
Với những điểm chưa phù hợp trong bộ sách Cánh Diều, Bộ GD-ĐT cho hay đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK rà soát, kiểm tra và kết luận cụ thể các nội dung phản ảnh. Các bên thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách cho phù hợp.
Trong đó chỉnh sửa ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn, bài học cho phù hợp với học sinh lớp 1 như bài "Cua, cò và đàn cá", "Hai con ngựa", "Lừa, thỏ và cọp"... hay một số từ khó hiểu, ít dùng như "nhá", "nom", "chén"... thay thế sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn bài đa nghĩa và lựa chọn trong kho tàng văn học Việt Nam.
Bộ GD-ĐT cho hay tiếp tục nhận các thông tin phản ánh, góp ý ở nhiều kênh để nghiên cứu kịp thời giải pháp, rà soát tất cả các sách lớp 1 mới, hỗ trợ nhà trường và giáo viên trong dạy học nhằm nâng cao chất lượng.
TTO - Trong khi sách tham khảo tràn ngập các nhà sách và luồn lách vào nhà trường thì các chuyên gia giáo dục khẳng định trẻ lớp 1 không cần sách tham khảo.