Trí Đức với mô hình đầu gấu thực hiện cho một dự án phim điện ảnh - Ảnh: LINH ĐOAN
Nhắc tới Trí Đức, người ta sẽ nghĩ ngay tới "họa sĩ tranh cát". Thế nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Trí Đức "dính líu" rất nhiều lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật như họa sĩ vẽ tranh minh họa, đạo diễn, diễn viên múa rối, tạo hình con rối, diễn viên kịch nói...
Là “mối quen” của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, gần đây khi nhà hát ra mắt các chương trình mới như Mekong show, kịch rối Công chúa Tóc Mây... người ta đều thấy Trí Đức đến rất sớm, chăm chú theo dõi. Tưởng anh chỉ đến ủng hộ đồng nghiệp chơi cho vui, ai dè anh đến vì... ghiền!
Rối như hơi thở
Thật ra trước khi nổi đình nổi đám với tranh cát, Trí Đức là người của múa rối. Ba anh là nghệ sĩ múa rối Đặng Lợi, mẹ anh là nghệ sĩ múa rối Hồng Liên.
Sinh ra và lớn lên trong đoàn rối, hồi còn bé xíu khi mẹ đi diễn cho Nhà hát Múa rối trung ương, Trí Đức đã lót tót theo phụ cầm con rối. Khi gia đình vào Nam, lớp 4 anh thi Liên hoan múa rối toàn thành TP.HCM và đoạt luôn huy chương năm 1993.
Với Trí Đức, múa rối như hơi thở. Thời niên thiếu của anh là những ngày ăn dầm nằm dề trong đội rối của Nhà thiếu nhi TP, từ diễn viên đến phụ trách đội. Vô Đại học Mỹ thuật tới ngày ra trường, anh vẫn ngày đi làm, tối diễn. Hồi nghệ sĩ Thanh Bạch - Xuân Hương gây tiếng vang với chương trình Đố em, Trí Đức chính là người điều khiển nhân vật Tí.
Mà nào chỉ biết diễn rối, anh còn lọ mọ tạo hình con rối, rồi nghĩ cách dàn dựng một vở rối sao cho hấp dẫn. Con rối với Trí Đức không chỉ để cho con nít coi, rối của anh còn lấn sân vô ca nhạc, điện ảnh.
Cái gì dính đến rối Trí Đức đều mê nên mới đây trong mùa dịch không "sô xiếc" gì, anh đóng cửa ở trong xưởng miệt mài làm con rối gấu to đùng cho một bộ phim viễn tưởng sắp bấm máy của một đạo diễn VN.
VN ngày càng ít người gắn bó với việc tạo hình con rối. Với Trí Đức, tạo hình rối không chỉ biết tô vẽ mà còn phải có kiến thức tổng hợp về yếu tố cơ học, sự chuyển động, các khớp... để tạo ra một con rối thật sinh động.
Chẳng ai dạy, vì mê nên cứ rảnh là anh lục lọi đồ nghề nghiên cứu để tạo hình rối. Công việc cũng "chua", lúc được lúc không, vậy mà mấy chục năm nay anh cứ âm thầm làm hoài.
Rồi Trí Đức còn làm đạo diễn vở rối Sự tích con muỗi cho Nhà hát Phương Nam đi thi liên hoan thử nghiệm. Anh sử dụng rối bóng như vẽ nên câu chuyện của những nhân vật xưa cũ.
Đờn ca tài tử được đưa vào vở để tạo ra sự da diết của một bi kịch trong câu chuyện đậm chất Nam Bộ... Cứ vậy, bằng cách nghĩ riêng của mình, Trí Đức cứ tung tẩy trong thế giới rối huyền bí của anh.
Trí Đức (vai họa sĩ câm) trong vở Cát trắng như gạo - Ảnh: LINH ĐOAN
Từ tranh cát đến kịch nói
Tranh cát với Trí Đức là lĩnh vực làm chơi ăn thiệt, tưởng chơi cho vui ai dè đem đến cho anh danh tiếng và cả cuộc sống ổn định hôm nay.
Từ sự "xúi quẩy" của một anh bạn mà Trí Đức bắt đầu mày mò với tranh cát khi ở VN chưa ai nhúng tay vào. Anh còn nhớ như in khi sản phẩm tranh cát đầu tiên anh làm cho một nhãn hàng được tung ra cách đây 12 năm, hợp đồng từ Bắc đến Nam liên tục đến.
Có chút dành dụm, anh mua một miếng đất làm xưởng để có đủ không gian chứa đồ nghề chơi với rối. Đó là miếng đất xa tít tắp ở huyện Nhà Bè.
Cũng tại nơi này, năm 2012 nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã đến "tầm" Trí Đức để "học đạo", cho ra mắt nhạc phẩm Nhật ký của mẹ với hình ảnh tranh cát sống động, nhanh chóng trở thành bản hit đến giờ.
Kể từ đó, trong rất nhiều chương trình nghệ thuật, cứ nghe nói đến tranh cát thì đó là... Trí Đức. Anh chịu khó tìm tòi hình ảnh, cách thể hiện, nên dù ngày nay cũng có một số người vẽ tranh cát nhưng thương hiệu Trí Đức vẫn không hề bị... lấn!
Nhờ tranh cát mà Trí Đức bén duyên với sân khấu kịch nói chuyên nghiệp. Năm 2012, vở kịch Âm binh do NSND Hoàng Yến đầu tư ra mắt tại nhà hát Thế giới trẻ (Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) gây tiếng vang lớn.
Đây là một vở diễn gai góc, có sự thay đổi phức tạp về không gian, thời gian và hình ảnh cát trải dài suốt vở diễn. Trong lúc êkip khá nhức đầu khi không biết xử lý sao cho ấn tượng và hợp lý, diễn viên Xuân Hồng sực nhớ ra Trí Đức.
Trí Đức cầm đồ nghề đến và mới diễn sơ qua vài "chiêu" tranh cát, tác giả Nguyễn Quang Vinh đã gật gù và chốt ngay sẽ viết thêm một vai cho Trí Đức bên cạnh ba nhân vật chính trong vở.
"Gốc phi lao già" - vai diễn không nói tiếng nào của Trí Đức, chỉ ngồi một chỗ và liên tục vẽ, background sân khấu cứ liên tục thay đổi ngày đêm, những mái nhà, tiếng súng, đạn bom, những cơn gió thốc... cứ cuống cuồng qua bàn tay anh.
Kết thúc buổi thi của Âm binh trong Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm ấy, mọi người ào lên sân khấu xem ông Phi lao già làm gì mà sân khấu biến ảo quá đỗi ấn tượng như thế.
Và thật hiếm hoi, một vai diễn không nói câu nào đã giành được huy chương vàng cá nhân sau khi làm ban giám khảo đau đầu không biết trao giải họa sĩ, ánh sáng hay diễn viên xuất sắc.
Âm binh đã trở thành hiện tượng và diễn không biết bao nhiêu suất từ Bắc chí Nam, còn "tân binh" Trí Đức liên tục bị nhắc: "Đừng có vẽ đẹp quá để người ta còn coi kịch nữa nhé!".
Sau Âm binh, Trí Đức tiếp tục cuộc chơi trên sàn diễn kịch với vở Cát trắng như gạo của êkip Hoàng Yến.
Ở vở này, anh có nhiều đất diễn hơn nhưng vào vai họa sĩ câm nên tiếp tục... không được nói. Hiện tại, êkip đang chuẩn bị cho vở Kiếp hồng nhan nói về nàng Kiều và Trí Đức được mời vào vai Nguyễn Du.
Làm kịch rối từ chuyện cổ tích
Dạo gần đây, Trí Đức thường xuyên được các trường quốc tế mời đến hướng dẫn múa rối cho các giáo viên để ứng dụng vào việc giảng dạy.
Anh đang rất phấn khởi với việc ươm mầm tình yêu múa rối từ học đường. Và đề tài mà Trí Đức tranh thủ đưa vào những buổi hướng dẫn đó là lịch sử, cổ tích VN.
Chàng nghệ sĩ từng là họa sĩ ở Nhà xuất bản Trẻ rất yêu những câu chuyện cổ tích VN. Cuộc chơi với múa rối vẫn còn dài với Trí Đức, khi anh đang lụi cụi chuẩn bị một chuỗi kịch rối Cổ tích VN.
Sẽ có rất nhiều tập, mỗi tập dài khoảng 10 phút giúp khán giả nhí hiểu nguồn gốc người VN, Lạc Long Quân, Âu Cơ là ai? Nền văn minh lúa nước, cuộc đấu tranh với thiên nhiên, quái vật, tinh thần quật cường của người VN...
Cổ tích VN hứa hẹn sẽ là "bom tấn" của riêng Trí Đức, kỷ niệm mấy chục năm mê mệt với múa rối của anh chàng nghệ sĩ đa năng.
TTC - Trong LH sân khấu kịch toàn quốc diễn ra tháng 7 vừa qua tại Huế, có một vai diễn chỉ nói một câu mà rinh luôn HCV cá nhân, đó là vai diễn Gốc phi lao già của họa sĩ Trí Đức trong vở Âm binh (của trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM).
Xem thêm: mth.30113839052010202-ior-aum-uey-hnit-av-cud-irt/nv.ertiout