Cô giáo Trường mầm non Kim Thành (Quảng Thành, Quảng Điền) dọn dẹp trường đón học sinh trở lại từ hôm nay (26-10) - Ảnh: P.TUẦN
Men theo con sông Bồ, chúng tôi về lại vùng rốn lũ Quảng Thành, Quảng An (huyện Quảng Điền), hai xã chịu ảnh hưởng nặng nề trong trận lũ lịch sử vừa qua tại Huế. Những căn nhà vẫn xơ xác, ngổn ngang.
Bắt đầu cuộc sống bình thường
Trên tuyến đường về xã Quảng Thành, Quảng An, nhiều đoàn cứu trợ vẫn nối tiếp về với bà con. Nhưng hôm nay không còn là mì ăn liền nữa mà thay thế vào đó là gạo, là áo quần, sách vở và có cả những cái chăn ấm, chiếu mới.
Người dân làng Kim Đôi (xã Quảng Thành) sau khi dọn lũ lại bắt đầu tỏa đi khắp các ngả đường của huyện Quảng Điền với nghề truyền thống mua bán ve chai. Cái nghề khá vất vả nhưng đã giúp nhiều gia đình nuôi con ăn học thành tài.
Chị Phạm Thị Liễu (làng Kim Đôi) ba tuần nay chưa đi làm, mọi sinh hoạt trong gia đình đều cầm cự, mắm muối qua bữa nhờ các đoàn cứu trợ. "Xong lũ rồi phải đi làm thôi. Năm nay dịch COVID-19, rồi giờ lụt, phải đi làm để còn có tiền cho cháu ăn học" - chị Liễu chia sẻ.
Nhiều người dân các huyện Phong Điền, Phú Vang cũng đã bắt tay vào làm việc trở lại sau gần 3 tuần tạm ngừng do ảnh hưởng của lũ.
Cho thủy điện xả lũ trước, di dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Thanh Hùng - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết dự báo do ảnh hưởng của bão số 8 và bão số 9 nên tỉnh sẽ có mưa lớn, lượng mưa cả đợt khoảng 500 - 600mm. Hiện nay nỗi lo lớn nhất trong đợt mưa bão ở tỉnh Thừa Thiên Huế đó là việc sạt lở đất, lũ quét.
Hiện tỉnh đã lên kế hoạch di dân ở những nơi dễ xảy ra sạt lở, ngập úng lâu này với hơn 7.000 hộ dân. Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại danh sách những người dễ bị tổn thương trong mưa bão để sớm có phương án đưa những người này đi sơ tán.
"Do tình hình dự báo mưa diễn biến phức tạp, chúng tôi đã cho các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tiến hành xả nước điều tiết để đón lũ với hi vọng không để lũ trên các sông ở đợt mưa này vượt mức báo động III" - ông Hùng nói.
Đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 300 tỉ đồng
Trong ngày 25-10, ông Phan Ngọc Thọ - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - đã đi kiểm tra hệ thống đường giao thông, bờ biển bị hư hại nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua gây ra. Hiện bờ biển qua địa bàn tỉnh tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 10km, 4km cần khắc phục khẩn cấp vì có nhiều đoạn xói lở sâu đến khu vực dân cư.
Ông Thọ cho biết do tính cấp thiết của việc phòng chống thiên tai, tỉnh đã đề nghị Chính phủ ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp để thực hiện các dự án xử lý xói lở bờ biển tại xã Phú Thuận, xã Giang Hải, xã Hải Dương dài 2,5km với kinh phí khoảng 300 tỉ đồng.
TTO - Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Bộ GTVT báo cáo về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi).
Xem thêm: mth.3660447062010202-ul-nod-coun-ax-neid-yuht-uac-uey-euh/nv.ertiout