Thực tế là không ít người khấm khá nhờ trúng bất động sản, nhưng số đông người dân lại ngậm ngùi cả đời vất vả cũng không mua nổi căn nhà!
Tại TP.HCM, giá bán căn hộ trung cấp khoảng 40 - 45 triệu đồng/m2. Với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm nay khoảng 2.750 USD/người (gần 64 triệu đồng/người), giá nhà đang vượt quá xa thu nhập đại đa số người dân.
Nghịch lý hơn nữa là trong 9 tháng đầu năm, dịch COVID-19 hoành hành nhưng giá nhà tiếp tục tăng! Giới bất động sản luôn nói giá tăng do nguồn cung giảm, nhưng cũng có nghịch lý là người mua giảm mạnh nhưng giá vẫn tăng.
Thị trường hiện có hai nhóm đầu tư chính: người đã có nhà đất nhưng mua thêm để kinh doanh, cho thuê; nhóm thứ hai là nhà đầu tư mua để bán lại.
Hoạt động kinh doanh nhà đất theo thị trường nhưng Nhà nước có thể điều tiết, đặc biệt là thông qua thuế. Tiếc rằng biện pháp điều tiết này tỏ ra ít hiệu quả. Không ít người đầu tư bất động sản trúng lớn nhưng chỉ nộp thuế chiếu lệ. Ai cũng biết, hiện khi khai thuế, giá bán nhà, đất thường được khai bớt đi, chỉ sát với khung giá Nhà nước ban hành (chỉ bằng 30 - 50% giá thị trường) để giảm tiền thuế phải nộp.
Ngay mức thuế thu nhập cá nhân với người bán nhà đất hiện nay cũng cào bằng, người sở hữu nhà nhiều năm khi bán lại cũng chịu thuế như người đầu cơ lướt sóng, sang tay, bán ngay.
Đã từng có đề nghị phải đánh thuế mạnh hơn, cao hơn nhưng cũng nhiều ý kiến lại lo rằng "ném chuột vỡ bình". Khi không phải chịu điều tiết thuế cao hơn, lợi nhuận cao hơn, số người đổ vốn để lướt sóng bất động sản tăng lên, thu hẹp cơ hội cho số đông người có nhu cầu về nhà ở.
Hãy nhìn sang các nước, họ đã sử dụng linh hoạt công cụ thuế và tín dụng để kiểm soát nạn đầu cơ quá mức vào bất động sản.
Tại Trung Quốc, khi thị trường nhà đất xuất hiện bong bóng, chính phủ "siết" tín dụng nhà đất. Tỉ lệ vay mua nhà đất được điều chỉnh từ 70% xuống 50%, thậm chí chỉ cho phép vay mua nhà ở ngưỡng 30%. Khi đó, nhà đầu cơ chỉ có thể dùng tiền túi, không thể dùng tiền vay để gom hàng chờ giá lên.
Nhà nước cũng có thể áp thuế cao với hoạt động mua đi bán lại nhà đất. Nhà đầu cơ mua nhà, nếu sang tay ngay trong năm đầu tiên hoặc bán trong ba năm đầu sở hữu sẽ bị áp thuế rất cao, qua đó giảm đầu cơ gây giá bong bóng và bất lợi cho đại đa số người mua nhà.
Công cụ tiếp theo để điều tiết thị trường nhà đất thứ cấp là đánh thuế tài sản, đánh thuế căn nhà thứ hai trở lên. Người đã có nhà đất nhưng vẫn mua thêm phải đóng thuế tài sản hằng năm. Bộ Tài chính đã tính tới thuế tài sản nhưng đến nay vẫn là ý tưởng trên giấy.
Còn chần chừ điều tiết thị trường bất động sản bằng tín dụng và thuế, đại đa số người dân cần nhà ở vẫn phải vất vả mãi chạy đuổi theo ước mơ có nơi an cư. Còn duy trì chính sách thuế như hiện nay cho thị trường bất động sản, câu chuyện "một người cười" do trúng nhà đất nhưng "chín người đau" sẽ mãi không bao giờ dứt.
TTO - Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký văn bản báo cáo, trong đó công nhận giá nhà đất không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Bộ này có nhiều chương trình để kéo giá xuống.
Xem thêm: mth.12195237062010202-uad-iougn-nihc-iouc-iougn-tom-nas-gnod-tab-gnourt-iht/nv.ertiout