vĐồng tin tức tài chính 365

Các nước đau đầu vì người dân có tiền mà không tiêu

2020-10-27 09:41

Các hộ gia đình trên khắp thế giới đang đối phó với đại dịch bằng cách tăng mạnh tiết kiệm. Tỷ lệ tiết kiệm ở nhiều quốc gia tăng vọt vào mùa xuân, khi các chính phủ bắt đầu phát tiền cho dân và người tiêu dùng cũng giảm chi vì doanh nghiệp đóng cửa, lo ngại nhiễm bệnh và làm việc tại nhà chỉ phải chi ít hơn.

Điều đó khiến nhiều người tiêu dùng - đặc biệt là nhóm có thu nhập trung bình và khá - giảm được nợ và có nhiều tiền để tiêu hơn khi các lệnh hạn chế được nới lỏng. Nếu sẵn sàng mở hầu bao, họ có thể giải phóng nhu cầu mua sắm đang bị dồn nén, từ đó thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn. Ngược lại, việc tiết kiệm sẽ kìm hãm đà phục hồi lúc đầu, nhưng người tiêu dùng sẽ có khả năng chi tiêu nhiều hơn trong dài hạn.

Tại Mỹ, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân - được điều chỉnh theo mùa và theo năm - đã tăng lên mức kỷ lục 33,6% vào tháng 4 - cao điểm đợt phong tỏa, nhưng sau đó giảm về 14,1% vào tháng 8. Dù vậy, con số này vẫn cao hơn nhiều so với 8,3% vào tháng 2, trước khi đại dịch xảy ra. Điều này cho thấy dù các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn vào cuối mùa hè, họ vẫn chưa hoàn toàn quay lại thói quen cũ.

Người Australia mua sắm tại Queen Victoria Market ở Melbourne vào đầu tháng 10. Ảnh: Zuma Press.

Người Australia mua sắm tại Queen Victoria Market ở Melbourne vào đầu tháng 10. Ảnh: Zuma Press.

Tỷ lệ tiết kiệm tại một số quốc gia khác trên thế giới cũng cho thấy thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong việc thúc đẩy người tiêu dùng mở hầu bao. Chính phủ Nhật Bản đầu năm nay đã chia số tiền tương đương 950 USD cho mỗi người dân. Trong một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu NLI, một nửa cho biết sẽ để dành cho chi tiêu hàng ngày (có thể bao gồm tiết kiệm) và một phần tư nói thẳng rằng họ sẽ tiết kiệm.

"Thực tế là việc chi tiêu nhiều rất khó", Stephen Halmarick - kinh tế trưởng tại Commonwealth Bank of Australia cho biết, "Sự tự tin cũng rất mong manh, và không ai biết khi nào chúng ta mới có vaccine và còn phải sống chung với virus bao lâu nữa. Vì vậy, việc tiết kiệm có ý nghĩa rất lớn".

Tại Australia, tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình là 19,8% trong quý II, tăng mạnh so với 3,6% quý cuối năm ngoái. Trong khi đó, ở Canada, con số này là 28,2% trong quý II và 3,6% cuối tháng 12/2019.

"Các nhà hoạch định chính sách có thể khuyến khích, chứ không thể ép buộc chi tiêu", Tom Porcelli - kinh tế trưởng thị trường Mỹ tại RBC Capital Markets cho biết.

Kinh nghiệm của Australia trong cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước và một lần nữa trong đại dịch cho thấy người tiêu dùng không phải lúc nào cũng hưởng ứng chính sách kích cầu. Vào giai đoạn đỉnh điểm khủng hoảng cuối năm 2008 và đầu 2009, chính phủ liên bang giảm giá dịch vụ chăm sóc trẻ em, giảm thuế và phát 900 đôla Australia (654 USD) cho các cá nhân.

Tuy nhiên, dù lãi suất bị cắt giảm và người dân có thêm thu nhập, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình vẫn tăng. Điều đó phản ánh sự thay đổi cơ bản trong hành vi, theo đánh giá của các quan chức Bộ Tài chính Australia năm 2012.

Việc tăng tỷ lệ tiết kiệm có thể có lợi. Các hộ gia đình có nhiều tiền tiết kiệm hơn, đồng nghĩa có cơ hội lớn hơn để xoay sở nếu có nhiều cú sốc kinh tế kéo đến. Tiền gửi bổ sung có thể tăng khả năng phục hồi của hệ thống tài chính bằng cách giảm sự phụ thuộc của các ngân hàng vào nguồn vốn ngắn hạn từ tiền gửi của các tổ chức khác.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm cao cũng là một thách thức lớn đối với các chính phủ đang tìm kiếm sự phục hồi dựa trên tiêu dùng. Cơ cấu chi tiêu cũng là vấn đề đối với các ngành cụ thể. Ví dụ, người tiêu dùng kìm hãm việc mua tài sản lớn như ôtô để chi tiêu cho những thứ rẻ hơn.

Cục Thống kê Australia ước tính khoảng 20% số tiền chính phủ trợ cấp lương mùa dịch và 40% trợ cấp thất nghiệp bổ sung đã được người nhận cho vào tài khoản tiết kiệm. Còn ở Mỹ, tiền cứu trợ cùng các biện pháp như hoãn trả nợ mua nhà và vay học đại học khiến nhiều người dân trả bớt nợ.

"Các chương trình được thiết kế không phải để tiết kiệm", David Rumbens - chuyên gia kinh tế vĩ mô và dự báo tại Deloitte Access Economics Australia nói, "Chính phủ liên bang muốn tiền được chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế".

Ông cho biết phần lớn việc tiết kiệm được thực hiện bởi những cá nhân có thu nhập không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch. "Cải thiện niềm tin của người tiêu dùng và giảm các lệnh hạn chế sẽ là chìa khóa để khuyến khích họ giảm tiết kiệm và chi tiêu nhiều hơn", vị chuyên gia nói.

John Edwards - một cựu lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Australia, cho biết phần lớn khoản tiền tiết kiệm tại nước này có thể đã được sử dụng hết trong quý III. Do đến nay, hầu hết các bang và vùng lãnh thổ của nước này đã mở cửa trở lại, cho phép mọi người ra ngoài và chi tiêu.

Các nhà kinh tế cho biết tỷ lệ tiết kiệm có thể vẫn cao trong một thời gian nữa nếu các chính phủ cấp nhiều khoản hỗ trợ tài chính hơn và các hạn chế kinh doanh vẫn tiếp diễn. Dù vậy, mặt tích cực của nó là sẽ giúp tích lũy khả năng cho tăng trưởng trong tương lai. "Tin tốt là tiền tiết kiệm tăng mạnh cũng đồng nghĩa sẽ có một lượng tiền sẵn sàng để chi tiêu trong vài tháng hoặc vài năm tới", ông Halmarick cho biết.

Phiên An (theo WSJ)

Xem thêm: lmth.8322814-ueit-gnohk-am-neit-oc-nad-iougn-iv-uad-uad-coun-cac/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các nước đau đầu vì người dân có tiền mà không tiêu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools