Sáng 27-10, phiên tòa xét xử đại án BIDV của TAND TP Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo liên quan đến khoản vay của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng tại BIDV.
Bán hàng gian dối, chiếm đoạt hàng trăm tỉ
Theo hồ sơ, dù báo cáo tài chính của Công ty Trung Dũng thể hiện lợi nhuận sau thuế đều giảm qua các năm, vốn đầu tư ngày một tăng cao, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và chiếm dụng... Tuy nhiên, BIDV Chi nhánh Hà Thành vẫn đánh giá doanh nghiệp hoạt động hiệu quả để xuất vốn vay, dẫn đến mất vốn hơn 860 tỉ đồng.
Bị cáo Đoàn Hồng Dũng tại tòa. Ảnh: TP
Về phía công ty Trung Dũng, khi đề nghị BIDV mở L/C để đảm bảo thanh toán cho hợp đồng ngoại thương, Đoàn Hồng Dũng (cựu TGĐ công ty) đã lập phương án kinh doanh và cam kết với BIDV rằng toàn bộ số hàng hóa sau khi nhập về công ty sẽ bán cho Công ty CP gang thép Thái Nguyên (TISCO), số tiền thu được từ việc bán hàng sẽ chuyển về tài khoản của BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn.
Trên cơ sở này, BIDV chi nhánh Hà Thành giao cho công ty Trung Dũng tự quản lý tài sản đảm bảo (hàng hóa hình thành từ vốn vay) kèm theo điều kiện lô hàng nhập khẩu chỉ được xuất kho sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của BIDV.
Tuy nhiên, đầu năm 2012, sau khi nhập khẩu lô hàng phôi thép, thép phế từ khoản phát hành L/C, các công ty của Đoàn Hồng Dũng gặp khó khăn trầm trọng về tài chính, đều đang nợ tiền tại các ngân hàng, TISCO và một số đối tác khác.
Với áp lực phải trả nợ, công ty Trung Dũng chỉ bán cho TISCO số hàng hóa trị giá 15 tỉ đồng. Toàn bộ số hàng còn lại, Dũng bàn bạc với vợ là Nguyễn Thị Thanh Sơn bán lòng vòng qua các công ty của gia đình mình, trong đó có Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam, rồi mới bán cho TISCO.
Việc làm này nhằm tránh sự kiểm soát dòng tiền của BIDV đối với công ty Trung Dũng. VKS xác định vợ chồng Dũng dùng thủ đoạn gian dối bán tài sản đảm bảo, chiếm đoạt của BIDV số tiền hơn 263 tỉ đồng.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TP
“Bị cáo nói làm sao để chủ tọa nghe được”
Tại tòa, Đoàn Hồng Dũng thừa nhận việc bán hàng khi không có văn bản chấp thuận của BIDV, việc này bên mua cũng không được biết. HĐXX hỏi ông Dũng việc bán tài sản như vậy có phải là hành vi lừa đảo hay không? Ông Dũng im lặng.
“Bị cáo cứ giả vờ ngu ngơ, không biết; bán cho vợ mình, cho con mình mà nói không biết đó là tài sản thế chấp hay không, nghe cứ như xúc phạm sự thông minh của HĐXX…” – một thẩm phán nói, và khẳng định người bán phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản.
Nhiều câu trả lời của cựu TGĐ công ty Trung Dũng cũng bị HĐXX nhận xét là “mờ mờ ảo ảo”, trong khi đó hàng ngàn tỉ đồng của nhà nước bị thất thoát. Sau một hồi được HĐXX giải thích, ông Dũng thừa nhận mình đã sai, còn việc sai cụ thể như nào thì do HĐXX quyết định.
Đáng chú ý, HĐXX hỏi ông Dũng về mối quan hệ giữa công ty Trung Dũng và ông Trần Bắc Hà. Ông Dũng nói mình chỉ là một doanh nghiệp bình thường, mọi hoạt động đều thông qua chi nhánh Hà Thành.
“Doanh nghiệp của bị cáo chưa đến lượt quan hệ với ông Hà” – bị cáo khai và lập tức bị HĐXX phản ứng. HĐXX truy vấn tại sao có hàng vạn khách hàng mà ông Hà lại sâu sát, chỉ đạo trực tiếp liên quan đến các khoản vay của công ty bị cáo. “Bị cáo nói làm sao để chủ tọa còn nghe được” – HĐXX nhắc nhở.
Sau ông Dũng, vợ ông là bà Nguyễn Thị Thanh Sơn được gọi lên bục khai báo. Đứng trước tòa, bà Sơn nhiều lần khẳng định dù mình là giám đốc công ty Hà Nam nhưng thực tế mọi việc mua bán lại đều do phó giám đốc phụ trách.
Câu trả lời này tiếp tục bị HĐXX phản ứng vì phó giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật, mọi việc không thể đổ hết cho cấp phó như vậy. Thấy vậy, bà Sơn cười và nói đó chính là lý do mình phải đứng tại đây (phòng xử- PV).