Chiều 26/10, sau gần 6 tiếng VKS công bố bản cáo trạng dài 102 trang, HĐXX xét hỏi ba bị cáo đầu tiên để làm rõ sai phạm trong quá phê duyệt, cấp tín dụng và giải ngân cho Công ty Bình Hà (công ty sân sau của ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, đã chết) dẫn đến mất vốn, gây thiệt hại cho BIDV gần 800 tỷ đồng.
Là người đầu tiên trình bày, bị cáo Trần Lục Lang, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách ban quản lý rủi ro tín dụng BIDV, khai theo quy trình chi nhánh sẽ tiếp cận khách hàng sau đó đề xuất Hội sở thành lập tổ thẩm định. Dự án được đánh giá rủi ro xong thì trình HĐQT quyết định.
"Quy trình này với Công ty Bình Hà, bị cáo thấy sao?", chủ toạ hỏi. Ông Lang nói khi nhận hồ sơ từ tổ thẩm định đã thấy Bình Hà không đủ điều kiện năng lực tài chính. Phương án kinh doanh không có tính khả thi, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông đã yêu cầu công ty này phải bổ sung vốn tự có và tài sản đảm bảo và kiểm soát chặt chẽ vốn tự có của dự án. Ông cũng thấy Bình Hà không đảm bảo được 30% vốn là tài sản tự có.
"Vậy khi nhận được báo cáo của phân ban rủi ro, bị cáo có ý kiến thế nào?", chủ toạ truy vấn. Ông Lang cho hay không được quyền cho ý kiến và cũng không đề xuất cho vay hay phản đối. Khi yêu cầu cần bổ sung tài sản đảm bảo, ông bị chủ tịch Hà gọi nhắc nhở, yêu cầu không được làm vậy. "Ông Hà chửi rất tục, đe doạ cắt chức bị cáo và nói quyền phê duyệt dự án thuộc về HĐQT. Bị cáo không được đề xuất những thứ mà doanh nghiệp không thể làm được. Bởi vậy, bị cáo đành chấp nhận ký các văn bản chỉ đạo chi nhánh cho vay, giải ngân; sửa đổi 8 lần điều kiện cấp tín dụng cho Bình Hà", ông Lang trình bày.
"Bị cáo thấy bị oan sai không?", HĐXX hỏi. Ông Lang khai thấy có sai phạm khi giải ngân cho Công ty Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng. Dự án có nhiều người tham gia, ông chỉ ở khâu thứ yếu và có vai trò mờ nhạt. Cựu phó tổng giám đốc BIDV nói không được xem hợp đồng tín dụng giữa BIDV chi nhánh Hà Tĩnh và Công ty Bình Hà nên khi ký đều chỉ căn cứ tờ trình của chi nhánh.
Như ông Lang, bị can Đoàn Ánh Sáng, cựu phó tổng giám đốc phụ trách khách hàng doanh nghiệp của BIDV, thừa nhận việc ký phê duyệt các quyết định cho vay là trái quy định của ngân hàng nên không thấy bị oan. Hơn nữa việc ký cấp hạn mức tín dụng cho Bình Hà đều chỉ dựa vào đề xuất của tổ thẩm định, do ông Hà nhiều lần thúc ép và chỉ đạo ráo riết. "Chủ tịch Hà nói thẩm định cứ thẩm định, còn quyền quyết định phê duyệt là của HĐQT", ông Sáng nói.
Bị cáo buộc là người đứng đầu đơn vị trực tiếp thực hiện dự án, bị cáo Kiều Đình Hoà, cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, cho biết ông Hà đã chấp thuận cho vay và giới thiệu Công ty Bình Hà về chi nhánh để đề nghị cấp tín dụng. Ông không được BIDV Hội sở phân công tham gia thẩm định dự án mà chỉ được "ký vào đuôi của một bản báo cáo trắng" do ông Hà yêu cầu.
Quá trình giải ngân, ông Hoà phát hiện một số vướng mắc của Bình Hà, không đáp ứng đủ các điều kiện theo ủy nhiệm nên dừng lại. Công ty Bình Hà sau đó phản ứng, gửi đơn lên Chủ tịch Hà và ông Hoà bị đề nghị cách chức.
Theo ông Hoà, sau khi giải ngân, bộ phận khách hàng của BIDV chi nhánh Hà Tĩnh báo cáo Công ty Bình Hà sử dụng tiền đúng mục đích. Ông cũng thường xuyên nhắc nhở cán bộ dưới quyền phải giám sát nhưng do "Bình Hà quá gian dối và cán bộ chi nhánh trình độ lại hạn chế nên không giám sát được dự án này". Ông từng có báo cáo gửi Hội sở hỗ trợ giám sát khách hành nhưng không được hồi đáp.
"Bị cáo đã làm hết trách nhiệm chưa?", HĐXX hỏi. Ông Hoà không trả lời trực tiếp mà cho hay do tin tưởng cấp trên nên thực hiện theo "lệnh". Ông khai sau khi có quyết định phê duyệt cho vay, ông Hoà cũng băn khoăn do Bình Hà không đáp ứng được các yêu cầu chung. Khi được Chủ tịch Hà trấn an là HĐQT đã phê duyệt, ông "yên tâm thực hiện theo".
"Bị truy tố là đúng nhưng bị cáo chỉ vô tình phạm tội chứ không phải cố ý", ông Hoà trình bày.
Theo cáo trạng, ông Trần Bắc Hà thành lập công ty sân sau là Bình Hà để vay vốn của BIDV, thực hiện dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh. Ông Hà bị cáo buộc đã cầm đầu chỉ đạo, ký quyết định tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà để thực hiện dự án với tổng giá trị cho vay hơn 3.100 tỷ đồng. Bình Hà không đủ điều kiện để được cấp tín dụng nhưng quá trình thực hiện hợp đồng và giải ngân, BIDV hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã 8 lần sửa đổi điều kiện.
Từ 2015 đến tháng 11/2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân cho Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng. Quá trình giải ngân, BIDV không kiểm soát được dòng tiền có được sau kinh doanh để các cổ đông của Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân. Hậu quả, BIDV bị thiệt hại gần 800 tỷ đồng.
VKSND Tối cao cáo buộc ông Hà phải chịu trách nhiệm chính song đã chết nên được đình chỉ điều tra.
Xem thêm: lmth.6152814-pe-cus-yag-aod-ed-ah-cab-nart-gno-ib-naht-vdib-pes-uuc/ten.sserpxenv