Đài ABS-CBN News dẫn lời chuyên gia hàng hải Philippines hôm 26-10 nhận định kế hoạch triển khai hàng trăm dân quân của Hải quân Philippines là một động thái nhằm đối phó “chiến lược vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Jay Batongbacal - giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines - hôm 26-10 cho biết các lực lượng phi quân sự nước này sẽ được sử dụng để tăng cường giám sát và đối phó sự hiện diện áp đảo của Trung Quốc tại Biển Đông.
“Việc triển khai lực lượng dân quân là phản ứng của Philippines trước sự hiện diện đông đảo của lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Nhu cầu thực sự cấp bách đối với Philippines là có quân số nhiều hơn trên thực địa nhằm giám sát Biển Đông” - ông Batongbacal nói trong chương trình “Matters of Fact” của ABS-CBN News.
Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc gần Bãi cạn Scarborough. Ảnh: SERGEY PONOMAREV/THE NEW YORK TIMES
Theo ông Batongbacal, việc Trung Quốc triển khai lực lượng dân quân, tàu nghiên cứu và thăm dò dầu khí là một phần của chiến thuật vùng xám được Bắc Kinh sử dụng nhằm giành lợi thế trong tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Biển Đông.
Ông Batongbacal cho biết: “Đây là những cách mà họ [Trung Quốc] có thể tối đa hóa các yêu sách của mình mà không cần dùng đến các lực lượng vũ trang”.
Trước đó, Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo thông báo khoảng 240 dân quân sẽ được triển khai đến vùng biển tranh chấp ở bãi cạn Scarborough (bãi cạn đang tranh chấp giữa Philippines và Bắc Kinh, nhưng do Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012) nhằm đối phó sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hiện việc thực hiện kế hoạch trên vẫn chưa rõ ràng. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 23-10 tiết lộ Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết vẫn chưa có ngân sách nào liên quan đến kế hoạch triển khai lực lượng dân quân biển ở Biển Đông.
Theo ông Lorenzana, để tránh các cuộc đụng độ không mong muốn, thành phần tham gia lực lượng dân quân biển phải được đào tạo bài bản.
“Chúng tôi cần đảm bảo lực lượng dân quân phải trải qua chương trình đào tạo bài bản. Chúng tôi thực sự nhấn mạnh tầm quan trọng của nghĩa vụ và trách nhiệm của lực lượng này, cũng như trách nhiệm của họ trong trường hợp xảy ra sự cố” – ông Batongbacal nói thêm.
Nhiều năm qua, ngư dân Philippines là “nạn nhân” của sự quấy rối từ lực lượng hải quân và dân quân biển Trung Quốc. Trước sự quấy rối đó, chính quyền ông Duterte phần lớn phản ứng thông qua kênh trao công hàm phản đối Bắc Kinh.
Trong năm 2019, có ít nhất 100 tàu đánh cá Trung Quốc, được tổ chức dưới hình thức lực lượng dân quân biển, đã tập trung gần đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm đóng trái phép).