Bầu Hiển tên thật là Đỗ Quang Hiển, sinh năm 1962 tại Hà Nội. Từng có ước mơ trở thành một thầy giáo, Bầu Hiển đã theo học khoa Vật Lý tại đại học Tổng Hợp Hà Nội.
Năm 1987, ông tốt nghiệp đại học và về làm việc tại Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình, Đài phát thanh Hà Nội. Được sự tín nhiệm ông gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia.
Đến năm 1993, ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng bằng việc thành lập công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T. Hãng T&T của ông lúc đầu buôn bán các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… Khi công ty của ông đã vững vàng trên thị trường điện tử, điện lạnh, Đỗ Quang Hiển đã lan sang thị trường xe gắn máy và đầu tư dây chuyền lắp ráp xe máy.
Năm 2007, ông đã đầu tư vào lĩnh vực và trở thành cổ đông chính kiêm chủ tịch HĐQT của ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội. Từ đó, sự nghiệp kinh doanh của ông mở rộng và trở nên lớn mạnh.
Cùng năm, T&T thành lập liên doanh T&T Baoercheng xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành nhựa công nghiệp và dân dụng và thành lập CTCP Đầu tư Khai thác & Chế biến Khoáng sản T&T Hà Giang.
Tháng 8 2015, T&T công bố đã mua cảng Quảng Ninh từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines.
Bên cạnh việc là người nắm giữ chủ chốt trong T&T Group, Bầu Hiển hiện nay còn là chủ tịch HĐQT của ngân hàng SHB.
Suốt quá trình hoạt động Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động từng ngày. Đồng thời đề cao các tiêu chí minh bạch, bền vững, an toàn là số 1. Ngân hàng SHB dưới sự lãnh đạo của ông Đỗ Quang Hiển đã gặt hái được rất nhiều thành công có thể kể đến như: Top 5 Ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam, Top 10 Ngân hàng Thương mại uy tín nhất Việt Nam, Top 1.000 ngân hàng toàn cầu và là 1 trong 16 tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam…
Ngoài 2 công ty trên bầu Hiển còn là cổ đông của nhiều Công ty như: Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Sài Gòn, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp SHB, Tổng Công ty Bảo hiểm BSH, Công ty TNHH MTV T&T Đà Nẵng, Công ty TNHH T&T Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ TP. Hà Nội, Ủy viên UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngoài ra, 2 công ty do bầu Hiển làm chủ tịch là T&T Group và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) cũng sẽ trở thành cổ đông chiến lược đối với một doanh nghiệp nhà nước lớn khác là Tổng công ty Rau quả Nông sản – Vegetexco, họ hiện đang đăng ký mua 50% cổ phần.
Trong lĩnh vực thể thao, năm 2006, bầu Hiển đã thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội. Chỉ sau 3 năm thành lập, câu lạc bộ đã thăng lên ba hạng. Câu lạc bộ trở thành hạng chuyên nghiệp và thi đấu ở V-League từ năm 2009.
Theo một số nguồn tin, bầu Hiển có tầm ảnh hưởng lớn tới 4 đội bóng là Hà Nội FC, SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam và Sài Gòn FC.
Để có được những thành công như ngày hôm nay, Bầu Hiển đã phải trải qua một thời gian đầy thử thách và chông gai.
Bầu Hiển từng bị gọi là “Chúa Chổm”
Bên cạnh những thành công, sự nghiệp của bầu Hiển còn có những thời kỳ khủng hoảng.
Theo VNExpress, sau khi đứng ra thành lập công ty riêng, những năm đầu, T&T làm ăn rất thuận lợi. Doanh thu và lợi nhuận tăng lên nhanh chóng. Nhưng giai đoạn 1995 - 1998, T&T rơi vào khủng hoảng. Thị trường Việt Nam bị tuồn vào một khối lượng hàng điện tử điện lạnh lớn và ở dưới dạng trốn thuế. Sản phẩm T&T không tiêu thụ được nên đã nợ thuế lên tới 7 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền vô cùng lớn. Dư luận từng nói về ông một cách đầy chua chát “Chúa Chổm”. Tuy nhiên, Cục Thuế quan và Hải quan đã vào cuộc để xác minh rằng hàng tồn và không bán được. Đồng thời, những mặt hàng của ông đều có giấy tờ nguồn gốc rõ ràng.
Sau đó, Bầu Hiển đã phải chạy vạy khắp nơi để xử lý đống hàng và đống nợ tồn. Những năm tháng khó khăn đi qua, ông dần dần lấy lại vị thế. T&T của ông Hiển ngày càng làm ăn khấm khá trở lại sau giai đoạn khó khăn. Năm 2006, ông bắt tay vào kinh doanh một lĩnh vực hoàn toàn mới, đó là tài chính ngân hàng. Ở lĩnh vực này, ông đã có những thành công rực rỡ.
Chính vì vậy, ông Hiển đã được Enterprise Asia trao tặng giải thưởng "Doanh nhân Châu Á 2017". Ông là doanh nhân duy nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được APEA xướng tên trong dịp này.
Tài sản của bầu Hiển
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2017, ông Đỗ Quang Hiển sở hữu 30,7 triệu cổ phần của ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội. Quy ra giá trị trên thị trường, tài sản bầu Hiển có giá trị khoảng 1,600 tỷ đồng. Nhưng đây chỉ là một phần trong khối tài sản của ông Đỗ Quang Hiển.
Ông Hiển đã góp tới 4,770 tỷ đồng vào trong Công ty CP Tập đoàn T&T. Đây là nơi ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Bầu Hiển còn có thú chơi xe sang, bộ sưu tập xe của ông khiến "dân chơi chuyên" cũng phải trầm trồ, bao gồm: Rolls-Royce Phantom, Lamborghini Urus, Porsche Panamera Turbo S Executive Exclusive Series, BMW M760Li xDrive.
Mặc dù chỉ đứng ở vị trí 187 trong danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam (thời điểm ngày 25/1/2019) với tài sản là 33 triệu cổ phiếu SHB (của ngân hàng SHB) và gần 48,000 cổ phiếu SHS (của công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội với giá trị quy đổi khoảng 235 tỷ đồng, song khối tài sản của ông bầu này được đồn đoán lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, tồn tại dưới hình thức cổ phiếu chưa niêm yết, vốn đầu tư, bất động sản và các dạng tài sản khác.
Bá Di (T/h)