22h30, Đà Nẵng: Phong tỏa các cầu bắc qua Sông Hàn
22 giờ 30, gió lớn dần tại các vùng ven biển Đà Nẵng, trời cũng bắt đầu có mưa. Khắp các ngã đường trung tâm Đà Nẵng không còn một bóng người sau lệnh giới nghiêm áp dụng từ 20 giờ tối nay.
Tại các cây cầu bắc qua sông Hàn và cầu vượt Ngã ba Huế, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa, cấm phương tiện di chuyển qua cầu vì dễ bị gió quật ngã.
Lực lượng chức năng phong tỏa các cây cầu bắc qua Sông Hàn. Ảnh: TẤN VIỆT
Tin từ Sở GTVT Đà Nẵng cho hay đã giao Công ty cổ phần Cầu đường chuẩn bị máy phát điện dự phòng, máy bơm nước để phòng chống ngập úng tại mố neo cầu Trần Thị Lý, hầm chui phía Tây cầu Sông Hàn, hầm chui Điện Biên Phủ.
22 giờ 10: TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã có mưa lớn, gió giật mạnh.
Đa số người dân tại đây đã chấp hành chỉ thị của UBND tỉnh về việc yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 22 giờ ngày 27-10 cho đến khi có tin cơn bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Mưa gió đã bắt đầu mạnh lên ở Quy Nhơn, Bình Định. Hầu hết người dân chấp hành lệnh không ra đường sau 22h đêm nay.
Tuy nhiên, trên đường vẫn còn một số ít phương tiện lưu thông trong thời gian này.
22h, Quảng Ngãi: Tại thị trấn Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ) gió đã mạnh kèm theo mưa lớn. Còn tại xã Bình Đông (huyện Bình Sơn), hiện có 5.000 người dân trú bão tại đây.
Quảng Ngãi hiện gió đang mạnh lên và mưa đã nặng hạt. Ảnh: HẢI HIẾU
Ký túc xá không đủ chỗ nên nhiều người phải trải bạt dưới tầng hầm để tá túc tránh bão.
Hiện tại bà con giằng chống luôn cửa chính đề phòng gió giật mạnh.
Tại nhà văn hoá thôn Châu Me, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), người dân vào đây trú bão. Nhiều người vừa mới di tản đến.
Người dân đang lưu trú tại các địa đảm tránh bão số 9 ở Quảng Ngãi. Ảnh: HẢI HIẾU
21h 30 tại Phú Yên: Mưa to, người dân không ra đường, xe đặc chủng hỗ trợ ứng phó bão
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho hay khu vực tỉnh này đã có mưa to.
Xe đặc chủng của quân đội luôn túc trực để hỗ trợ ứng phó bão đang di chuyển trên đường phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: CAO MINH
Hiện chưa có gió mạnh nhưng sóng biển đã dâng cao, đánh dữ dội vào bờ. Tại TP Tuy Hòa, mưa xối xả, đường phố vắng tanh do chính quyền yêu cầu người dân không ra đường từ 21g ngày 27-10 đến khi bão đi qua.
Hầu hết các ngôi nhà, cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa tránh bão.
Trên đường phố của TP Tuy Hòa Phú Yên, nhiều xe đặc chủng đã di chuyển để túc trực, hỗ trợ ứng phó với bão số 9.
Thông tin với PLO, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay đến 19g ngày 27-10, tỉnh này đã sơ tán tại chỗ 11.308 hộ gia đình với 44.218 người ở các khu vực ven biển, ven sông đi tránh bão.
21 giờ: Lý Sơn gió bắt đầu giật trên cấp 8
Lúc 21 giờ đêm 27-10, ông Lê Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho hay hiện tại tại đảo này đã có gió giật cấp 9. Người dân ở đây đã đóng kín của, trú trong nhà kiên cố.
"Hiện tại không ai dám ra ngoài, kể cả tôi cũng vây", ông Ninh nói. Theo dự báo, Quảng Ngãi là nơi tâm bão sẽ đi qua, đặc biệt là đảo Lý Sơn là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9.
Clip: Ảnh hưởng bão số 9, Lý Sơn gió giật mạnh trên cấp 8 |
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 19 giờ ngày 27-10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 480 km, cách Quảng Nam 430 km, cách Quảng Ngãi 380 km, cách Phú Yên 320 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165 km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160 km tính từ tâm bão.
Hướng đi và các tác động của bão số 9 trong đêm 27-10
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 28-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.
Vị trí và đường đi của bão số 9. Ảnh: KTTVQG
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định: Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới với gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên: Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Gió mạnh trên đất liền: Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm 27-10; thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28-10. Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Mưa lớn: Từ nay đến ngày 29-10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.
Từ 28 đến 31-10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.
Ngay trong tối 27-10, sau khi trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9 tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục có cuộc họp thứ hai tại Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại TP. Đà Nẵng sau cuộc họp đầu tiên 5 tiếng đồng hồ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại TP. Đà Nẵng ngay trong đêm 27-10. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng đánh giá các địa phương đã vào cuộc hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, một số địa phương đang gặp khó khăn, và phải khắc phục ngay trong công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền ngư dân trên biển. Các địa phương, nhất là những tỉnh Nam Trung bộ, phải quyết liệt, khẩn trương hơn nữa, hỗ trợ kịp thời những tàu, thuyền gặp khó khăn, sự cố khi bão số 9 đang đến gần, không được bỏ sót những hộ nuôi trồng thủy hải sản trên biển.
Đối với tàu thuyền di chuyển vào nơi tránh trú, phải hết sức lưu ý bảo đảm an toàn neo đậu, chống va đập nếu không nguy cơ đắm thuyền lại khu vực neo đậu là rất lớn, vì bão số 9 mạnh và rất nguy hiểm.
Một lần nữa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương hoàn thành việc di dời người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất. Các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng, trạm y tế, trường học, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp,… thậm chí phải cao hơn một mức so với cảnh báo.
“Những địa điểm đưa người dân vào trú tránh bão phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Đây là thời gian vàng để chuẩn bị tốt nhất cho công tác phòng chống bão, có như vậy mới bảo vệ được người dân", Phó Thủ tướng nói.
Trắng đêm không ngủ lo chống bão
Trước đó, tại cuộc thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9 chiều ngày 27-10, tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh, đi nhanh và Quảng Ngãi là tâm bão. Tình hình rất khẩn trương. Nhiệm vụ số một là bảo vệ tính mạng người dân, bảo về tài sản của người dân và Nhà nước.
Phó Thủ tướng đề nghị địa phương này rà soát lại tất cả tàu thuyền đã đảm bảo neo đậu an toàn hay chưa và người dân tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền. Đồng thời, tập trung sơ tán người dân chậm nhất là đến 19 giờ cùng ngày.
Phó thủ tướng Trịnh Định Dũng thị sát kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại Quảng Ngãi. Ảnh: HẢI HIẾU
"Phải đảm bảo tính mạng của người dân. Những người nào ở nơi không an toàn mà không chịu di tản, nhất quyết cưỡng chế", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cảnh báo nếu không làm tốt công tác phòng chống sẽ thiệt hại rất nặng nề. Ông đề nghị tập trung với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 9, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, đơn vị có mặt tại hiện trường.
Đặc biệt, ông gọi một lãnh đạo của quân đội tại địa phương vào đến để dặn dò kỹ càng. Phó thủ tướng yêu cầu quân đội phải là lực lượng tiên phong trong việc cứu dân. Nhưng trước tiên phòng là chính là phải đưa người dân đến nơi an toàn chứ khi bão vào rồi sẽ không thể làm gì.
Phó thủ tướng đề nghị các đơn vị cần xác định đêm nay không ngủ, tập trung rà soát các công việc. Các cơ quan phải gọi điện báo cáo thường xuyên, nơi nào lơ là phải kỷ luật.