Chiều 27-10, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an họp với các đơn vị thuộc Bộ này, trong đó có Cục CSGT và Công an TP Đà Nẵng về phương án ứng phó với cơn bão số 9.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn họp với các đơn vị công an về công tác ứng phó cơn bão số 9. Ảnh: MINH HẢI
Tại cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu các lực lượng chuẩn bị nhân lực, phương tiện để sẵn sàng tăng cường cho địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai bất cứ lúc nào theo chỉ đạo của cấp trên.
Cùng với đó, cần chủ động nắm tình hình địa bàn, nhất là tập trung tại các địa bàn trọng yếu có nguy cơ lũ lớn và sạt lở để giải quyết kịp thời khi có tình huống liên quan đến an ninh trật tự.
Đặc biệt, thứ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quan tâm công tác hậu cần, đảm bảo lương thực thực phẩm nhu yếu phẩm dự trữ trong thời gian xảy ra bão lũ; sẵn sàng phối hợp với các lực lượng khác sơ tán người dân tại các khu vực ven biển, thấp trũng…
CSGT chuẩn bị xuồng để sẵn sàng công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: MINH HẢI
Cũng liên quan đến công tác ứng phó bão, Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có khuyến cáo các tổ chức, cá nhân thường xuyên theo dõi thông tin về bão số 9 trên các phương tiện thông tin đại chúng, hạn chế tham giao giao thông nếu không thực sự cần thiết, phải tuân thủ hiệu lệnh của lực lượng CSGT và chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông.
“Nhất là các chủ xe, lái xe khách Bắc – Nam khi di chuyển trên tuyến miền Trung từ Ninh Thuận đến Hà Tĩnh, khi qua các tỉnh từ Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam trong đêm 27-10, ngày 28-10 và 29-10” – Cục CSGT nhấn mạnh.
Cục CSGT cho hay sẽ xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân, phương tiện cố tình đi vào khu vực nguy hiểm mặc dù đã có hướng dẫn, cảnh báo để răn đe, phòng ngừa các vi phạm khác.
Đáng chú ý, để ứng phó với bão số 9 dự báo rất mạnh, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã được huy động thường trực 100% quân số và túc trực 24/24h để sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời triển khai công tác ứng phó khi có yêu cầu.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung (thứ hai từ trái qua), Cục trưởng Cục CSGT kiểm tra công tác chuẩn bị phương án ứng phó bão. Ảnh: MINH HẢI
Cục CSGT cũng yêu cầu lực lượng CSGT các địa phương từ Nghệ An đến Phú Yên chủ động phân luồng, điều tiết giao thông, đặt biển báo “nguy hiểm”, rào chắn, barie… trước các điểm xảy ra ngập lụt, sạt lở để cảnh báo người dân; kiên quyết cấm đường, không để người và phương tiện đi vào khu vực trên.
Với các phương tiện đã đi vào khu vực ngập lụt, sạt lở, CSGT phải chủ động tổ chức hướng dẫn giao thông, cứu nạn, cứu hộ; kịp thời phân luồng giao thông từ xa, đồng thời báo cáo về Cục để chỉ đạo chung trên toàn tuyến.
Thượng tá Phạm Quang Huy, Thủy đoàn trưởng Thủy đoàn 1, Cục CSGT cho biết đơn vị đã chuẩn bị bộ đàm, áo phao, áo mưa, cưa máy, các dụng cụ, thiết bị phòng chống lũ bão, huy động ba xuồng máy sẵn sàng khắc phục hậu quả của thiên tai.
Ngoài ra, đơn vị thường xuyên phối hợp với Phòng CSGT Công an các tỉnh/thành tiến hành rà soát, hướng dẫn sắp xếp, neo đậu tàu thuyền tại các bến; vận động ngư dân, các chủ doanh nghiệp kinh doanh, khai thác thủy hải sản chấp hành nghiêm các công tác chỉ đạo trong phòng chống lũ bão...
Lập Trung tâm chỉ huy tại Đà Nẵng Cục CSGT vừa thành lập Trung tâm chỉ huy Phòng chống cơn bão số 9 tại Đà Nẵng để điều hành, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9. Trung tâm sẽ chú trọng công tác hậu cần, trang thiết bị phòng, chống lụt bão và cứu nạn, cứu hộ, y tế cho các đơn vị; đồng thời có kế hoạch tăng cường cho các địa phương phòng, chống lụt bão. Lực lượng CSGT cũng sẵn sàng các phương án hỗ trợ nhân dân di dời, sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất hậu quả thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. |