Tại phiên xử đại án BIDV, HĐXX tiếp tục xét hỏi để làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Đinh Văn Dũng và đồng phạm thông qua các hợp đồng bán bò.
Nội dung vụ án cho thấy, để thành lập dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Hà Tĩnh, BIDV cam kết là đơn vị tài trợ vốn và giới thiệu liên danh 2 Công ty: CP Tập đoàn An Phú (Cty An Phú) và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Do Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) đang là Tổng Giám đốc Cty An Phú nên theo quy định, BIDV không được cấp tín dụng cho liên danh này.
Ông Hà đã chủ trương thành lập Cty CP Chăn nuôi Bình Hà (Cty Bình Hà) gồm 3 cổ đông tham gia góp vốn: Trần Anh Quang (cháu họ ông Trần Bắc Hà và là lái xe cho Trần Duy Tùng), Thái Thành Vinh (bạn của Trần Duy Tùng); 2 cổ đông này sẽ đứng tên để góp vốn cho Trần Duy Tùng vào Công ty Bình Hà; còn Đinh Văn Dũng do HAGL giới thiệu. Đinh Văn Dũng được bầu là Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty.
Tại Công ty Bình Hà, Trần Duy Tùng là người trực tiếp chỉ đạo điều hành mọi hoạt động, 2 cổ đông góp vốn cho Trần Duy Tùng là Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh.
Thời gian đầu, Đinh Văn Dũng đã thâu tóm, điều hành mọi hoạt động của Công ty; Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh không có mặt và cũng không tham gia vào quá trình điều hành sản xuất kinh doanh.
Ngày 17/10/2016, Trần Duy Tùng thông qua hai cổ đông góp vốn là Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh tổ chức họp HĐQT Cty Bình Hà, lấy phiếu biểu quyết bãi miễn chức danh Tổng Giám đốc của Đinh Văn Dũng và đưa Trần Anh Quang lên thay.
Do Trần Anh Quang không giải quyết được một số công việc mà Đinh Văn Dũng đã thực hiện trước đây nên ngày 24/11/2017, Trần Duy Tùng bổ nhiệm lại Đinh Văn Dũng là Tổng Giám đốc để hoàn tất các công việc trước đó, còn mọi hoạt động tại Cty Bình Hà đều do Trần Duy Tùng trực tiếp chỉ đạo và điều hành.
Giám đốc “bù nhìn” chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng
Quá trình triển khai dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt, Cty Bình Hà thực hiện việc bán bò thịt thông qua các công ty môi giới và các lò mổ. Theo quy định tại hợp đồng hạn mức mà Cty Bình Hà ký với BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, tiền bán bò của công ty sẽ phải đưa vào tài khoản của Cty Bình Hà tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh để BIDV quản lý, đối trừ công nợ. Đồng thời, theo các hợp đồng giải ngân, các cổ đông phải có vốn đối ứng/tự có theo tỷ lệ.
Do không có tiền vốn góp vốn đối ứng, theo sự chỉ đạo của Trần Duy Tùng, Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh đã chiếm đoạt tiền bán bò để góp vốn cá nhân, chứng minh vốn đối ứng với BIDV, để BIDV tiếp tục giải ngân vốn vay và sử dụng vào mục đích cá nhân khác.
Cụ thể, sau khi nhận tiền bán bò từ các công ty môi giới, các bị cáo không đưa về tài khoản của Cty Bình Hà để ngân hàng quản lý theo quy định mà yêu cầu công ty môi giới chuyển tiền vào tài khoản cá nhân các cổ đông.
Sau đó, các cá nhân này sử dụng để nộp tiền góp vốn (chuyển đến tài khoản của Cty Bình Hà) hoặc các công ty môi giới sẽ nộp tiền trực tiếp vào tài khoản của Cty Bình Hà theo yêu cầu của các cá nhân, chứng minh vốn đối ứng với ngân hàng để tiếp tục được ngân hàng giải ngân và sử dụng vào mục đích cá nhân khác.
Cơ quan tố tụng xác định, tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của BIDV là gần 150 tỷ đồng. Trong đó, Trần Anh Quang chịu trách nhiệm chung hơn 130 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cá nhân hơn 117 tỷ đồng; Đinh Văn Dũng chịu trách nhiệm chung về tổng số tiền 23,5 tỷ đồng công ty môi giới thu tiền bán bò chuyển vào tài khoản cá nhân của 3 cổ đông theo yêu cầu của Đinh Văn Dũng và chịu trách nhiệm cá nhân số tiền 11 tỷ đồng Dũng dùng góp vốn.
Trước tòa, bị cáo Trần Anh Quang khai nhận, Quang có quan hệ họ hàng với ông Trần Bắc Hà, gọi ông Trần Bắc Hà là ông và gọi Trần Duy Tùng là chú. Quang là lái xe cho Trần Duy Tùng từ cuối năm 2009.
Tháng 3/2016, khi Quang đang ở Bình Định, Tùng có nhờ Quang ra Hà Nội theo dõi việc bán bò của Cty Bình Hà.
Bị cáo Quang khai, khi Cty Bình Hà được thành lập, bị cáo hoàn toàn không biết mình là cổ đông, đến tháng 9/2016 mới biết mình nắm giữ 25% cổ phần. Khi đó, Trần Duy Tùng nhờ bị cáo đứng tên đại diện pháp nhân cho công ty.
“Bị cáo không có trình độ để quản lý ở tầm giám đốc nên từ chối. Tuy nhiên, Tùng nói bị cáo là cổ đông nên nhờ đứng tên giúp. Tùng có thuyết phục là công ty đang khó khăn, những giấy tờ gì cần ký Tùng sẽ chỉ đạo.” - bị cáo Quang khai và nói thêm, từ tháng 10/2016, Quang mới tham gia với cương vị Tổng Giám đốc, nhưng mọi hoạt động đều phải báo cáo Trần Duy Tùng, theo sự chỉ đạo của Tùng.
Tiến Nguyên