Ngày 27-10, phiên tòa xét xử đại án BIDV của TAND TP Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi. HĐXX tập trung làm rõ sai phạm liên quan đến các khoản vay của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng, gây thiệt hại hơn 1.600 tỉ đồng của BIDV.
Không có vốn góp vẫn làm tổng giám đốc
Để lách luật và cho con trai Trần Duy Tùng vay vốn, ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch HĐQT BIDV) chủ trương thành lập công ty sân sau mang tên Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà. Công ty có ba cổ đông, gồm Trần Anh Quang (cháu họ ông Hà, lái xe cho Tùng), Thái Thành Vinh (bạn của Tùng) và Đinh Văn Dũng (do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu).
Quá trình hoạt động, Trần Anh Quang được dựng lên làm tổng giám đốc nhưng thực chất mọi quyết định đều do Trần Duy Tùng trực tiếp chỉ đạo.
Thông qua công ty này, BIDV thực hiện giải ngân hơn 2.600 tỉ đồng cho dự án chăn nuôi bò công nghệ cao, đến nay mất khả năng thu hồi vốn hơn 799 tỉ đồng.
Khai trước tòa, Trần Anh Quang cho hay thời điểm thành lập Công ty Bình Hà, bị cáo không hề biết mình là một trong ba cổ đông. Phải tới hơn một năm sau, khi Tùng nhờ giữ chức tổng giám đốc và đứng tên đại diện theo pháp luật, bị cáo mới biết mình sở hữu 25% vốn điều lệ.
“Bị cáo không có trình độ để quản lý ở tầm giám đốc nên từ chối. Tuy nhiên, Tùng nói bị cáo là cổ đông của công ty nên nhờ đứng tên, có giấy tờ gì cần ký Tùng sẽ chỉ đạo” - Trần Anh Quang khai.
Bị cáo này cũng nói mình không có chuyên môn nên không nắm rõ việc bán bò qua các công ty môi giới. Mặc dù là tổng giám đốc nhưng Trần Anh Quang hoàn toàn không có mặt, không tham gia vào các hoạt động của công ty.
Trả lời về mục đích đứng tên giúp, Trần Anh Quang cho biết việc này nhằm hợp thức hóa khoản vay của dự án chăn nuôi bò tại Ngân hàng BIDV. Bởi khi đó ông Hà đang là chủ tịch HĐQT BIDV, Tùng là giám đốc Tập đoàn An Phú (một trong hai nhà đầu tư tham gia dự án), hai người là cha con nên không thể vay vốn.
Liên quan đến việc thành lập công ty sân sau, ông Trần Bắc Hà được xác định có vai trò cao nhất, tuy nhiên bị can này đã chết nên cơ quan điều tra đình chỉ điều tra. Cùng với đó, Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Bị cáo Đoàn Hồng Dũng, cựu giám đốc Công ty Trung Dũng. Ảnh: TP
“Sức ép rất lớn” từ ông Trần Bắc Hà
Theo hồ sơ, dù lợi nhuận sau thuế của Công ty Trung Dũng liên tục giảm qua các năm, vốn đầu tư ngày một tăng cao, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và chiếm dụng..., tuy nhiên BIDV Chi nhánh Hà Thành vẫn đánh giá doanh nghiệp hoạt động hiệu quả để xuất vốn vay, dẫn đến mất vốn hơn 860 tỉ đồng.
Đặc biệt, lời khai của các bị cáo tại chi nhánh này cho thấy họ chịu sức ép rất lớn từ ông Trần Bắc Hà, dẫn đến buộc phải đề xuất hoặc phê duyệt phát hành L/C (tín dụng thư) cho Công ty Trung Dũng.
Điển hình, cựu giám đốc chi nhánh Ngô Duy Chính thừa nhận trách nhiệm sai phạm nhưng cho rằng thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Hà và tin tưởng vào cán bộ cấp dưới.
Cựu phó giám đốc Nguyễn Xuân Giáp thì nói chịu áp lực vô cùng nặng nề, bởi trước đây một phó giám đốc phụ trách quan hệ khách hàng của chi nhánh bị ông Hà chỉ đạo luân chuyển công tác vì có ý định dừng giải ngân và giảm dư nợ đối với Công ty Trung Dũng.
Hay như Phạm Hồng Quang, cựu trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp, bị cáo khai từng đề xuất không cấp L/C cho Công ty Trung Dũng nhưng sau đó nhận được một văn bản của doanh nghiệp này kèm theo bút phê của ông Hà nên buộc phải đề xuất cho vay.
Trong tài liệu truy tố, VKSND Tối cao cũng nhận định ông Hà có nhiều ưu đãi đặc biệt cho Công ty Trung Dũng, gây áp lực cho một số cán bộ BIDV Chi nhánh Hà Thành trong việc đề xuất phê duyệt phát hành L/C dù không đủ điều kiện tài chính.
Tuy nhiên, ngay tại tòa, HĐXX hỏi Đoàn Hồng Dũng (cựu giám đốc Công ty Trung Dũng) về mối quan hệ với ông Trần Bắc Hà, bị cáo này tỏ ra không hề quen biết cựu chủ tịch BIDV. Ông Dũng nói mình chỉ là một doanh nghiệp bình thường, mọi hoạt động đều thông qua chi nhánh Hà Thành.
“Doanh nghiệp của bị cáo chưa đến lượt quan hệ với ông Hà” - bị cáo khai và lập tức bị HĐXX phản ứng. HĐXX truy vấn tại sao có hàng vạn khách hàng mà ông Hà lại sâu sát, chỉ đạo trực tiếp liên quan đến các khoản vay của công ty bị cáo. “Bị cáo nói làm sao để chủ tọa còn nghe được” - HĐXX nhắc nhở…
Hôm nay (28-10), phiên tòa vẫn tiếp tục.
BIDV xin giảm nhẹ cho 8 bị cáo Được triệu tập tới tòa với tư cách bị hại, đại diện BIDV đề nghị HĐXX đưa ra phán quyết theo nguyên tắc “ai vay người đó trả, ai chiếm đoạt người đó phải bồi thường”. Cụ thể, ngân hàng này yêu cầu Công ty Trung Dũng phải trả cho mình hơn 860 tỉ đồng cùng với số tiền lãi phát sinh, tương tự Công ty Bình Hà phải trả hơn 1.200 tỉ đồng cùng với số tiền lãi phát sinh khác… Đại diện BIDV còn cho rằng tám bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ BIDV cũng chỉ là người làm công ăn lương, làm việc theo quy trình, phân công của tổ chức, không có tư lợi… nên mong muốn HĐXX áp dụng mức hình phạt thấp nhất cho họ. |