Nâng chất lượng biên phiên dịch giúp Việt Nam hội nhập sâu với thế giới
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Ngành dịch thuật đang bị thả nổi bởi Việt Nam chưa có hiệp hội nhà nghề hay tổ chức giám sát chất lượng dịch thuật, hay bộ quy chuẩn về đào tạo nghề và quy chế hành nghề. Vì thế, đã đến lúc cần có hiệp hội những người làm nghề này.
Hội thảo chuyên ngành về biên phiên dịch do Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM tổ chức vào tháng 6-2020 tại TPHCM. Ảnh: Ricky Hồ |
Đó là phát biểu của ông Phạm Bình Đàm, Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia, tại hội thảo “Dịch thuật thời đại 4.0: Đào tạo, nghiên cứu và thực tiễn” UCIT 2020 diễn ra hôm 27-10 tại Hà Nội. Hội thảo chuyên biệt này do Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đề án Ngoại ngữ Quốc gia cùng Đại học Sư phạm Đài Loan tổ chức. Hơn 1.000 chuyên gia, dịch giả từ hơn 10 quốc gia và lãnh thổ tham dự tại chỗ và trực tuyến.
Thị trường lớn, nhưng thiếu nhân lực
Thị trường dịch thuật toàn cầu đạt giá trị 45 tỉ đô la trong năm nay – theo lời ông Phạm Bình Đàm. Hiện chưa có số liệu chính thức, nhưng với đà Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á và thứ 44 trên thế giới, quy mô của thị trường này không nhỏ.
Bà Jamie Kiều Ngọc, CEO Star Vietnam trực thuộc tập đoàn dịch thuật đa quốc gia Star Group, cho biết có hơn 350 công ty dịch thuật Việt Nam và 10 chi nhánh các tập đoàn đa quốc gia có chi nhánh hoạt động cung cấp dịch vụ dịch thuật cho thị trường Việt Nam. Các công ty này chỉ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực biên dịch, tức văn bản giấy. Một số rất ít công ty và cá nhân cung cấp dịch vụ phiên dịch – dịch nói hay dịch cabin.
Một số hãng tại TPHCM còn cung cấp dịch vụ dịch song ngữ Anh – Việt trực tuyến cho tổng đài 911 tại Mỹ - nơi có gần 3 triệu người Việt sinh sống và làm việc, nhưng không phải ai cũng có thể nói tiếng Anh lưu loát. Một số rất hiếm các phiên dịch viên có thể dịch Anh – Hoa – Việt cho người Việt gốc Hoa ở Mỹ và được trả lương rất cao. Đây là thị trường ngách mà các trung tâm call centre của Philippines không thể cung cấp.
TPHCM tuy là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, nhưng đội ngũ biên phiên dịch cũng không nhiều, và chỉ tập trung vào ba ngôn ngữ chính là Anh, Pháp và Trung. Sở Ngoại vụ TPHCM cho biết cơ quan này chưa có người thông thạo các ngôn ngữ quan trọng khác như: Lào, Campuchia, Nhật, Hàn, Nga và Tây Ban Nha.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cựu đại sứ Việt Nam tại Bỉ và EU – nói rằng Việt Nam hiện đang thiếu đội ngũ biên phiên dịch chất lượng cao. “Hàng năm, số du học sinh và Việt kiều về nước càng tăng, nhưng không đồng nghĩa đây là nguồn cung cấp biên phiên dịch tốt. Bởi ngay cả khi họ nói lưu loát các ngôn ngữ nước ngoài, họ không thể khéo léo và uyển chuyển chuyển tải nội dung sang tiếng Việt”, bà phát biểu. Bà Jamie Kiều Ngọc gọi đó là “chưa bản địa hóa hay địa phương hóa được ngôn ngữ nước ngoài”.
Thị trường sách dịch từ ngôn ngữ nước ngoài chiếm đến 50-80% xuất bản phẩm trên thị trường Việt Nam. Nhu cầu người đọc tăng, tri thức thế giới ngày càng khổng lồ, dịch giả cũng có vai trò rất quan trọng trong thời đại công nghệ. Nhưng đội ngũ biên phiên dịch lại vừa thừa lại vừa thiếu.
“Ngày càng có nhiều trường đào tạo biên phiên dịch, số người trẻ tự học và giỏi tiếng Anh và các ngôn ngữ khác nhiều. Nhưng thiếu ở chỗ khó tìm được người dịch tốt loại sách khoa học, sách chuyên ngành. Đối với sách ngôn ngữ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungary… lại càng khó” – theo lời phó giám đốc một nhà xuất bản tại TP.HCM.
Một số dịch giả đã dịch theo cách “từng từ một” hay sử dụng luôn Google Translate để tiện lợi và bảo đảm tốc độ. Hệ quả là một bản dịch khó hiểu và tệ hại.
Công nghệ hỗ trợ
Khi hình thành các nhà nước, dịch là yếu tố không thể thiếu trong quan hệ bang giao, trong các giao lưu về kinh tế, văn hoá và triết học. “Tuy nhiên, thế giới ngày nay đã khác xưa. Cuộc cách mạng công nghệ hiện nay đang đặt ra một số thách thức cho nghề dịch và công tác đào tạo dịch thuật”, ông Phạm Bình Đàm phát biểu.
Rất nhiều các từ công nghệ hay kỹ thuật mới trong tiếng Anh chưa thể chuyển đổi sang tiếng Việt bởi “quá mới và chưa có trong tiếng Việt”. Một số các công ty dịch thuật Việt Nam áp dụng chiến thuật “xé lẻ” nhiều phần cho nhiều người cùng tham gia dịch.
Nhưng vấn đề nảy sinh: một từ trong ngôn ngữ nước ngoài được diễn bằng rất nhiều từ và cụm từ khác nhau trong tiếng Việt, có khi đối chọi nhau. Một vài nhà xuất bản tại TPHCM áp dụng cách này và không có được bản dịch có chất lượng, ngay cả trong các sách về văn hóa hay giải trí.
Star Group có giải pháp riêng với công cụ bộ nhớ Transit NXT giúp việc dịch hiệu quả, chất lượng và chi phí hợp lý đối với các văn bản có số lượng từ khổng lồ. Bà Jamie Kiều Ngọc giải thích Transit NXT ghi nhớ những gì đã được dịch, được đánh giá và chuẩn thuận. Việc dịch mới hay dịch tiếp theo sẽ được dựa trên các văn bản dịch trước đó.
Nhờ cách này, người dịch có thể tập trung hoàn toàn vào các nội dung mới, trong khi máy tính sẽ hỗ trợ các phần còn lại, giúp tăng chất lượng và bảo đảm tính thống nhất của bản dịch. Thời gian và chi phí liên quan cũng rẻ hơn nhiều. Các giải pháp về công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được vài đại biểu đề cập tại UCIT 2020. Nhưng cuối cùng, họ lại quay lại với kết luận “chỉ có con người mới bảo đảm tốt nhất một bản dịch có cảm xúc và sống động”.
Tiến tới hiệp hội nghề, chứng chỉ nghề
Một vài trường đại học hay khoa ngoại ngữ tại Việt Nam đang cố gắng xây dựng môn biên phiên dịch. Tuy nhiên, để có được nhân sự chất lượng cao còn trải qua quá trình làm việc hay hành nghề lâu dài. Các văn phòng công chứng và Phòng Tư pháp quận huyện có chức năng biên dịch và công chứng văn bản và tài liệu tiếng nước ngoài.
Một hiệp hội nghề cùng với một bộ quy chuẩn đánh giá chất lượng và quy chế hành nghề là cần thiết khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới về mặt kinh tế cũng như chính trị, văn hóa và công nghệ. NAATI – cơ quan quốc gia đánh giá và khảo thí chất lượng đối với biên phiên dịch viên của Úc – là một mô hình có thể tham khảo. NAATI đánh giá chuyên viên dịch thuật theo nhiều cấp độ khác nhau.
Các chuyên viên có chứng chỉ nghề có thể làm việc theo hợp đồng cho cơ quan chính phủ như tòa án, cảnh sát… Họ cũng có thể dùng tư cách chuyên nghiệp của mình để công chứng giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài. Họ phải trải qua các kỳ khảo nghiệm ba năm một lần do NAATI tổ chức để lấy giấy phép hành nghề.
“Nhiều công ty trong nước và ngoài nước khi cần phiên dịch thì chạy đôn đáo tìm, và chủ yếu là qua truyền miệng và giới thiệu cá nhân. Đã đến lúc chúng ta cần một hiệp hội nghề với những quy tắc và quy chuẩn nghề thích hợp.
Chứng chỉ hành nghề đảm bảo cho chất lượng cho công tác biên phiên dịch”, – bà Tôn Nữ Thị Ninh phát biểu tại phiên khai mạc. Nhà ngoại giao kỳ cựu này cũng là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM (HPDF). Quỹ đang đồng hành với Star Vietnam và công ty dịch thuật CTM xúc tiến các hoạt động nghề như Câu lạc bộ Biên phiên dịch Sài Gòn (SGCI&T) và kêu gọi tiến tới thành lập một hiệp hội biên phiên dịch tại Việt Nam.