Không phải ai cũng may mắn biết được bản thân yêu thích, phù hợp với công việc/ngành nghề nào ngay từ thời đi học. Việc chọn trường đại học, theo đuổi một chuyên ngành nào đó thường ảnh hưởng bởi định hướng của gia đình, tầm nhìn hạn chế từ thời cấp 2, cấp 3. Chính vì thế có không ít bạn sau khi ra trường, lăn lộn trầy trật làm việc một thời gian mới phát hiện bản thân không có đam mê, nhiệt huyết với lĩnh vực đã theo học.
Lúc này, bạn rơi vào thế bí, mắc kẹt giữa cán cân Theo đuổi Đam mê – Thu nhập ổn định. Nếu chấp nhận bỏ công việc hiện tại và theo đuổi một lĩnh vực mới, bạn có thể rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc thu nhập bèo bọt vì kiến thức và kinh nghiệm không nhiều. Vậy phải làm sao để biết được đâu là điều nên làm? Hy vọng 2 trường hợp thành công khi chọn làm trái ngành trong bài viết sau sẽ giúp bạn chọn được tìm ra được câu trả lời của mình.
Muốn thành công phải học cách thất bại
Có một điều rất quan trọng cũng là rào cản đối với những ai đang muốn làm trái ngành chính là thiếu hụt kiến thức chuyên môn. Chính vì vậy, để có thể phát triển sự nghiệp trong trường hợp này, bạn phải tự học hỏi, tự tích lũy kiến thức. Với người khác, họ nỗ lực một, với bạn phải nỗ lực gấp mười. Do đó, việc đầu tiên để bạn có thể làm trái ngành chính là chấp nhận mình phải cố gắng rất nhiều và vượt qua được những áp lực tâm lý. Bởi bạn biết rằng, bạn đang dấn thân vào nơi mà sự hiểu biết của bạn chỉ là con số 0.
Bạn có biết CEO Đỗ Tuấn Anh, người sáng lập ra startup Appota, đơn vị lọt vào TOP 10 công ty khởi nghiệp công nghệ đứng đầu tư nhất Đông Nam Á, đã từng tốt nghiệp cử nhân khoa Sử? Với nền tảng như thế, nhưng anh lại mong muốn trở thành nhà báo, nên đã khởi đầu với việc làm trái ngành chính là thành lập diễn đàn công nghệ GSM Vietnam. Rồi tiếp tục chuyển sang công ty chuyên về dịch vụ sửa chữa mobile. 1 năm sau đó, anh Đỗ Tuấn Anh lại mở một website để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ làm báo, nhưng tiếc thay lại không thành công.
Thất bại không thể đánh bại được những người luôn cố gắng làm chủ đời mình. Và anh Đỗ Tuấn Anh lại tiếp tục, tiếp tục và tiếp tục. Anh đã thành lập kho tải ứng di động, rồi chuyển sang các Service Point, với dịch vụ chủ yếu là sửa chữa và unlock iPhone bằng phần cứng. Lúc này, đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng do thiếu kỹ năng quản lý và không cạnh tranh được với thị trường, công ty anh phá sản. Anh lại đứng lên khi vấp ngã lần nữa và thành công đã mỉm cười với anh.
Bài học bạn có thể rút ra từ anh Đỗ Tuấn Anh chính là ý chí mạnh mẽ, không dễ từ bỏ và hiểu rõ mình đang làm gì. Dù học và làm là 2 mảng hoàn toàn khác nhau, đồng thời cũng gặp không ít thất bại, nhưng nó không khiến anh từ bỏ. Trái lại, còn là động lực giúp anh thành công như hôm nay.
Bạn biết đấy, không ai có thể thay bạn quyết định làm trái ngành, cũng không ai thay bạn gặt hái thành công, chỉ có bạn mà thôi. Chính môi trường trái ngành, đã cho bạn mảng màu kiến thức mới, kinh nghiệm mới. Bạn đã khác người, nhưng bạn lại hơn người ở việc dũng cảm đối mặt và hiểu rõ mình đang làm gì.
Đừng "mặc cả" với tương lai của mình
Tham khảo rất nhiều kênh thông tin, cũng như đọc nhiều tấm gương thành công khi làm trái ngành, điều đó càng thôi thúc tôi chuyển mình nhưng cũng khiến tôi lo lắng, vì thực tế cũng tồn tại trường hợp mất phương hướng và không biết phải tiếp tục như thế nào.
Mặc dù yêu thích viết lách, nhưng tôi lại chọn học và tốt nghiệp cử nhân ngành Kế Toán của một trường Đại học có tiếng tại TP.HCM. Tôi bắt đầu tìm việc tại các công ty, từ công ty về giáo dục đến công ty về dịch vụ du lịch, rồi đến cả ngân hàng. Nhưng thời gian làm việc tại mỗi nơi chỉ kéo dài nhiều nhất là 1 năm. Vô tình, tôi lại được nhận vào vị trí quản lý nội dung Fanpage cho một doanh nghiệp về dịch vụ giải trí, lương thấp hơn với công việc cũ.
Những ngày đầu đi làm, tôi như một tờ giấy trắng vì hoàn toàn không có kinh nghiệm và chuyên môn. Tôi chấp nhận vị trí học viên trong 3 tháng liền, vừa tham gia các lớp học ở ngoài, vừa học hỏi từ đồng nghiệp, may mắn mọi người cũng rất nhiệt tình chỉ bảo tôi. Không ngại lương thấp, không ngại học từ đầu, không ngại bị góp ý, tôi đã dần bước vào thế giới mới và đã có kinh nghiệm 6 năm trong lĩnh vực Truyền thông – Marketing, hiện giờ đang quản lý team nội dung cho một tập đoàn về bất động sản.
Tôi đã can đảm đứng trước các nhà tuyển dụng, nói rõ vì sao tôi lại chuyển ngành và cách tôi từng bước tích lũy kinh nghiệm. Tôi nhận ra rằng, thực tế ngành học không ảnh hưởng đến chất lượng làm việc mà là kinh nghiệm và sự chịu khó. Nếu tôi tiếp tục theo ngành Kế toán, tiếp tục kéo dài chuỗi ngày không hứng thú với công việc, thì chắc tôi đã đánh mất nhiệt huyết của mình. Nhưng chẳng phải Kế toán không giúp gì được cho tôi, ngược lại nó giúp ích tôi rất lớn trong việc tính toán chi phí và lợi nhuận khi thực hiện dự án, nên làm gì và không nên làm gì. Giúp cấp trên đánh giá cao khả năng của tôi và tin tưởng tôi hơn nữa.
Các ngành học, kinh nghiệm sống đều giao thoa nhau, nếu bạn biết cách vận dụng chúng thì không gì làm khó được bạn. Mạnh dạn chuyển mình, nắm bắt cơ hội, từ bỏ cái tôi để sống và làm việc hết mình. Đừng mãi giữ khư khư quan điểm học ngành nào phải làm ngành đó, kinh nghiệm, ý chí mới là thứ một nhà tuyển dụng thật sự cần.
(Tham khảo: HR Insider)
PV
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.48511021182010202-meih-oam-iougn-gnuhn-auc-neyuhc-uac-hnagn-iart-mal/nv.zibefac