Thị trường tương lai Mỹ sụt giảm hơn 1% trong phiên chiều của Việt Nam có thể gây chút tác động tâm lý, nhưng căn bản vẫn là hiện tượng tranh nhau tháo chạy của nhà đầu tư khiến VN-Index sụt giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng.
Hiện tượng kéo trụ nâng điểm số kéo dài vẫn tiếp diễn phiên hôm nay khiến VN-Index giảm nhẹ nhàng nhưng cổ phiếu tiếp tục thua lỗ nhiều hơn. Đặc biệt khối lượng cổ phiếu khổng lồ tại đỉnh bắt đầu về tài khoản và số này lỗ nhiều nhất.
Áp lực tháo chạy khỏi thị trường là điều bình thường vì không phải đến hôm nay thị trường mới có một phiên rơi tự do như vậy. Thị trường chứng khoán quốc tế sụt giảm ở mức độ bình thường, động lực chính vẫn đến từ các nhà đầu tư trong nước. Bối cảnh thông tin trong 2 ngày qua không có gì thay đổi, điều duy nhất thay đổi là cảm nhận của nhà đầu tư và kỳ vọng về thị trường không còn như trước.
Các cổ phiếu lớn nâng đỡ liên tục VN-Index cho đến tận 2h chiều mức giảm cũng chỉ khoảng 8 điểm. Một số mã dẫn dắt vẫn tăng khá tốt: HPG có lúc tăng 0,8%, VCB tăng 0,5%, GAS tăng gần 1%, VIC tăng 1,2%... Tuy nhiên do quá phụ thuộc vào các cổ phiếu này nên khi nhóm dẫn dắt sụp đổ, thị trường ngay lập tức gia tốc giảm chóng mặt.
Nhóm đẩy VN-Index rơi tự do vẫn là các cổ phiếu lớn nhất: VIC giảm 5,2%, VHM giảm 2,58%, VCB giảm 2,09%, VNM giảm 2,01%, BID giảm 3,44%, CTG giảm 2,76%, TCB giảm 3,86%, MSN giảm 2,16%, HPG giảm 3,18%...
Tổng thể cổ phiếu trên thị trường đã yếu từ đầu tuần với số lượng mã giảm hôm nào cũng gấp nhiều lần số tăng, đặc biệt là số giảm 1-2% lên tới hàng trăm mã. Nhiều phiên liên tục giảm với cường độ như vậy tất yếu dẫn đến mức lỗ quá lớn và phải cắt lỗ, bất kể là VN-Index như thế nào. Chỉ số đi ngang hẹp tạo một ảo giác an toàn vì rất nhiều nhà đầu tư lẫn đơn vị tư vấn vẫn đánh giá thị trường thông qua VN-Index.
Phiên giảm hôm nay đặc biệt mạnh về cuối. Trong tổng điểm giảm 25,4 điểm của VN-Index cả ngày thì từ sau 2h chiều đã là -17 điểm. Kết phiên chỉ số rơi xuống 921,05 điểm, tức là một ngày giảm gần bằng cả tháng tăng trước đó. VN30-Index giảm 2,9%, Midcap giảm 2,28%, Smallcap giảm 2%.
Những lý do sau các diễn biến như hôm nay vẫn là những yếu tố có từ trước: Kết quả kinh doanh quý 3 đã kết thúc, cổ phiếu tăng giá quá nhiều trong 3 tháng qua, thanh khoản quá lớn và sử dụng margin quá nhiều, khối ngoại bán ròng rã, chứng khoán quốc tế trong tình trạng bấp bênh với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ... Lý do không mới, nhưng không được chú ý hoặc ỷ lại quá nhiều vào mức thanh khoản cao được duy trì liên tục.
Phiên tháo chạy kinh hoàng hôm nay đẩy giá trị khớp lệnh hai sàn lên ngưỡng 9.085 tỷ đồng, chỉ thấp hơn phiên ngày 15/10 vừa qua. Áp lực bán thể hiện ở mức giảm giá cực mạnh ở những cổ phiếu thanh khoản nhất. Trong 10 mã giao dịch nhiều nhất hôm nay thì chỉ có STB giảm 1,5% là nhẹ nhất, còn lại đều trên 2%. HPG, TCB, MSN, những cổ phiếu thu hút dòng tiền khổng lồ những ngày qua vẫn tiếp tục giao dịch cực lớn nhưng giá đều giảm sâu.
Thị trường hầu như không có điểm sáng nào trong phiên này dù cũng có 4-5 mã đầu cơ trụ lại được trên tham chiếu. Riêng sàn HSX có 165 cổ phiếu giảm trên 2% là một kỷ lục kể từ phiên tạo đáy ngắn hạn ngày 27/7/2020.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xả ròng cực mạnh. Toàn sàn HSX bị bán ròng 479 tỷ đồng và riêng nhóm VN30 bị bán tới 505 tỷ đồng. Tuần này là tuần các quỹ ETF nội tái cơ cấu và không liên can gì đến khối ngoại. Đây vẫn là các giao dịch bán ròng bình thường, vốn đã kéo dài nhiều tháng qua.
Có những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng rất lớn và giá giảm như MSN, VRE, HPG, HDB, VIC... Tuy vậy cũng phải thấy rằng những phiên trước các cổ phiếu này vẫn bị bán không nhỏ, nhưng giá vẫn tăng được. Vì vậy đổ lỗi cho khối ngoại là không hợp lý. Điều quyết định vẫn là các giao dịch bán tháo từ nhà đầu tư trong nước.
Xem thêm: mth.28143545182010202-uas-tor-xedni-nv-pat-naot-yahc-oaht/nv.ymonocenv