Tuyến metro màu cam của Pakistan hoạt động hôm 26-10 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, Pakistan - quốc gia thiếu trầm trọng phương tiện vận tải công cộng và cơ sở hạ tầng hiện đại - đã đưa vào hoạt động tuyến metro đầu tiên sau nhiều năm trì hoãn. Đài BBC cho biết tuyến metro này bắt đầu khai thác thương mại, đón những hành khách trả tiền đầu tiên từ hôm 26-10.
Trải dài 27km với hơn 25 nhà ga, tuyến metro có tên "Tuyến màu cam" này giúp cắt giảm thời gian di chuyển băng qua thành phố Lahore thường xuyên ùn ứ ở tỉnh Punjab từ 2 tiếng rưỡi (đi bằng xe buýt) còn 45 phút (đi bằng metro).
"Dự án này sẽ mang các phương tiện đẳng cấp thế giới đến với công chúng ở Lahore", tỉnh trưởng Usman Buzdar của tỉnh Punjab bình luận.
Không chỉ tại Pakistan, tuyến metro này cũng thu hút sự chú ý tại Trung Quốc vì đây là dự án có sự tham gia của Bắc Kinh. Trang Caixin Global của Trung Quốc ngày 28-10 đăng bài viết: "Nhờ Trung Quốc, metro đầu tiên của Pakistan bắt đầu hoạt động".
Báo China Daily của Trung Quốc ngày 28-10 còn diễn tả: "Lần đầu tiên ở Lahore, một trong những thành phố lớn nhất của Pakistan, các tàu điện màu cam đang mang lại niềm vui và sự tiện lợi cho người dân".
Theo China Daily, hôm 26-10, hàng ngàn người dân, gồm sinh viên và quan chức chính quyền, đã đi tới các nhà ga để bắt chuyến tàu điện đầu tiên của họ. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu cho biết tuyến metro này được xây dựng trong 5 năm.
"Đây là một dự án tuyệt vời, là điều may mắn với dân thường vì giúp họ đi lại rẻ, nhanh và thoải mái" - Aabid Klasra, nhân viên y tế, chia sẻ. Bình thường người này mất 55 phút đi xe hơi tới bệnh viện, nhưng giờ chỉ tốn 15 phút.
Tuyến metro đầu tiên của Pakistan đi vào hoạt động - Video: Xinhua
Tham gia xây dựng tuyến metro trên là các công ty quốc doanh của Trung Quốc như Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc, Norinco. Theo báo South China Morning Post, Guangzhou Metro, một đối tác Trung Quốc trong dự án, nói rằng hệ thống tàu điện trên sử dụng "tiêu chuẩn, công nghệ và thiết bị của Trung Quốc".
Hãng tin AFP cho biết tuyến metro trên đi vào hoạt động sau nhiều năm trì hoãn, tranh cãi chính trị và nhiều câu hỏi về số nợ khổng lồ mà Pakistan đang gánh những năm gần đây thông qua các dự án hạ tầng do Trung Quốc cấp vốn.
Xây dựng tuyến metro trên mất khoảng 300 tỉ rupee (1,86 tỉ USD), với nguồn quỹ đến từ Chính phủ Pakistan và các khoản vay mượn từ những ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc. Giới chỉ trích đã lo ngại tác động của dự án tới nhiều địa điểm lịch sử trên khắp thành phố Lahore.
Bất chấp các tranh cãi, nhà chức trách hi vọng tuyến metro trên sẽ giúp giảm kẹt xe ở thành phố hơn 11 triệu dân này, với kỳ vọng khoảng 250.000 người sử dụng tuyến metro này mỗi ngày.
Trung Quốc đang đổ tiền vào Pakistan với hơn 50 tỉ USD nằm trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc nói việc đưa vào hoạt động tuyến metro trên là khởi đầu của "một giai đoạn mới đối với Pakistan về vận tải công cộng".
Hành khách đến nhà ga để lên tàu điện ở Lahore hôm 26-10 - Ảnh: AFP
Thành phố Lahore thường xuyên gặp tình trạng kẹt xe - Ảnh: AFP
Hành khách trải nghiệm đi metro ở Lahore hôm 26-10 - Ảnh: AFP
Một hành khách đứng tại máy bán vé tự vọng trong một nhà ga thuộc tuyến metro màu cam ở Lahore - Ảnh: AFP
TTO - Tám tháng sau ngày khánh thành tuyến metro đầu tiên ở thủ đô Jakarta, người dân Indonesia đang lũ lượt từ bỏ phương tiện đi lại cá nhân để đi tàu điện. Chính quyền sẽ hoàn thành tuyến metro thứ 2 chỉ trong 4 năm nữa.
Xem thêm: mth.8213235182010202-gnud-yax-couq-gnurt-od-ortem-id-coud-uad-nal-natsikap-nad/nv.ertiout