Nhiều nông dân ở Hòa Bình, Bến Tre, Đồng Tháp đã rất quen thuộc với hình ảnh một phụ nữ Nhật, cùng xuống ruộng rau, cùng ăn, cùng làm việc với mình. Chị Mayu Ino đã ở Việt Nam từ năm 1997, hướng dẫn bao nông dân Việt làm rau hữu cơ, du lịch sinh thái… để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
CHUYẾN ĐI ‘BÍ MẬT’ TỚI VIỆT NAM
Cuối những năm 1990, Nhật Bản là nước phát triển còn Việt Nam rất nghèo. Vì sao chị lại chọn đến Việt Nam sinh sống?
Tết Tây năm 1996, Nhật Bản có chuyến bay thẳng tới Việt Nam. Tôi cùng một người bạn rất hào hứng và bay tới Việt Nam chơi trong 10 ngày.
Chúng tôi tới TPHCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… Mọi thứ rất đẹp. Món ăn Việt rất ngon. Người Việt dễ thương. Chúng tôi đi đâu cũng thấy cảnh đẹp. Đặc biệt, Việt Nam trải dài, đa dạng cả về văn hóa và thời tiết.
Tôi nhớ, Sài Gòn vào dịp cuối năm nắng nóng, đêm mát. Còn Hà Nội thì trời lạnh lắm. Rất nhiều thứ thật thú vị.
Học chuyên ngành hợp tác quốc tế, năm 1997, tôi có nhiều lựa chọn, trong đó có Mỹ và một quốc gia châu Á.
Tôi nhớ đến chuyến đi Việt Nam năm 1996 vì thực sự ấn tượng... Bên cạnh đó, tôi có biết nhà nghiên cứu nổi tiếng về Việt Nam. Thông qua thầy, tôi xin visa, kết nối với Đại học Quốc gia Hà Nội và sang học tiếng Việt.
Mọi thứ là cái duyên, tôi cũng không lý giải được. Tôi định học xong 3 năm sẽ quay trở lại Nhật Bản và đi học tiếp tại Mỹ nhưng giờ tôi đã ở Việt Nam được 24 năm rồi (cười).
Trước khi sang Việt Nam, chị có hình dung những khó khăn sẽ gặp phải khi qua một đất nước mới không?
Tôi không nghĩ nhiều. Tôi chỉ vui thôi vì lúc đó còn trẻ, đang thích khám phá, không lo lắng gì.
Tôi thấy rằng tính tôi hơi dở, đi đâu cũng không lo lắng. Không phải quá tự tin nhưng tôi cảm thấy tôi sẽ giải quyết được và may mắn là mọi thứ diễn ra đúng như vậy. Chẳng hạn như khi đi Trung Đông, đi Châu Âu, đi vùng sâu, vùng xa các nước, tôi cũng vẫn tự xử được.
Lúc sang Việt Nam, tôi chỉ nghĩ là đi Việt Nam vui. Nếu kinh tế hoặc học hành khó khăn quá, tôi về Nhật.
Nếu nói về nỗi lo thì có thể là lo gặp khó khăn như ăn uống, sinh hoạt…. Nhưng với tôi, người Việt ăn thế nào tôi ăn thế. Tôi chỉ tránh quán bẩn, không cần nhà hàng này kia, bình dân là ổn rồi. Mọi người xung quanh cũng góp ý cho tôi chỗ này bẩn, chỗ kia bẩn. Tôi tránh đi. Tôi sống như người Việt Nam, có gì mà sợ!
Mọi thứ ở Việt Nam rất thuận lợi. Tôi tìm kiếm cộng đồng người Nhật và rồi quen dần. Tôi gặp được bạn bè, chủ nhà tử tế, thầy cô rất nhiệt tình nên đã ở Việt Nam đến tận bây giờ.
Điều thuận lợi nữa là tôi có sức khỏe. Cái này phải cảm ơn mẹ tôi. Mẹ luôn nói rằng ăn uống đủ chất, cơ thể sẽ khỏe. Khỏe thì mới học tập, công tác được. Học giỏi nhưng không có sức khỏe thì không ổn. Sức khỏe có được một phần lớn nhờ ăn uống.
Từ bé đến giờ, mẹ tôi chăm lo nấu nướng, tìm nguyên liệu tốt. Chính vì xuất phát từ sức khỏe gia đình nên mẹ tôi trồng hẳn một vườn rau hữu cơ.
Chị Mayu thưởng thức cơm cùng nông dân Việt.
Chị từng kể là mẹ chị đã khóc nhưng không ngăn cản khi chị sang Việt Nam. Trong mắt chị, mẹ là người như thế nào?
Tôi bí mật sang Việt Nam. Tôi không nói cho ai biết vì chắc chắn gia đình sẽ lo lắng. Một mình tôi chuẩn bị tiền bạc, thủ tục, hàng hóa… cho chuyến đi.
Trước khi sang khoảng 1 tháng, tôi nói với mẹ. Mẹ tôi như con chim đang bay bị bắn vì giật mình và quá bất ngờ.
Mẹ không bao giờ bắt con phải làm cái này, cái kia… mà để con lựa chọn. Chọn con đường nào, mẹ cũng ủng hộ.
Mẹ tôi làm giám đốc một nhà trẻ tư nhân. Nếu nhường lại cho tôi thì tôi vẫn có thể sống tốt. Nhưng mẹ chỉ hỏi tôi một lần hồi tôi học cấp 2: “Con có mong muốn làm theo nghề của mẹ không?”
Tôi nói: “Con thích trẻ con nhưng con muốn làm công việc khác. Và mẹ không hỏi nữa”.
Ngày tôi sang Việt Nam, mẹ, em trai và bạn tôi đưa ra sân bay. Bạn tôi sau đó nhắn là gọi ngay cho mẹ vì lúc về mẹ đã khóc.
Thế rồi, tôi gọi cho mẹ nhưng bà không bao giờ nói là đã khóc. Thời đó, khó khăn lắm vì gọi điện rất đắt. Nhưng tôi vẫn phải gọi. Nếu cuộc hội thoại dài thì mẹ tôi sẽ gọi lại.
Tính cách của mẹ ảnh hưởng tới chị như thế nào?
Mẹ tôi nghiêm túc nhưng tình cảm. Ưu tiên số một của mẹ tôi là con cái, người thân và trách nhiệm đối với công việc. Bà dạy các cháu học sinh nghiêm túc nhưng đầy quan tâm. Dù mẹ tôi mắng, nhưng các em và phụ huynh đều rất quý.
Chính tính cách kiên nhẫn của mẹ giúp tôi làm việc được với bà con nông dân. Vì làm việc với bà con phải rất kiên nhẫn.
NHỮNG NGƯỜI NÔNG DÂN VIỆT LAM LŨ NHƯ NHÂN VẬT TRONG OSIN
Chị nói, vì ấn tượng với hình ảnh người nông dân phải làm việc trong thời tiết lạnh giá mà ở lại và gắn bó với họ cho đến giờ. Hình ảnh đó ấn tượng đến mức nào mà chị có quyết định táo bạo như vậy?
Hình ảnh ấy làm tôi nhớ đến nông dân của Nhật, đó là các nhân vật trong bộ phim Osin. Nông dân phải rất chịu khó, không chịu khó làm thì không có gì để ăn.
Làm nông nghiệp hữu cơ phải chăm chỉ, cần mẫn. Có người nói làm hữu cơ nghĩa là quay lại nông nghiệp ngày xưa. Tôi thấy, một phần đúng nhưng không phải quay lại hoàn toàn. Vì ngày xưa làm cực hơn. Giờ có công nghệ hỗ trợ nhiều rồi, nông dân nhàn hơn. Tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân tiết kiệm thời gian và công sức hơn.
Tuy nhiên, cơ giới hóa ở Việt Nam vẫn chưa phổ biến lắm. Vì các vùng núi, đồi, vùng sâu, xa… không phải đã được trang bị máy móc để làm nông... Còn nhớ, xưa kia, nông dân ở Hòa Bình thường cắt lúa bằng liềm, đập lúa vào cối đá… nhưng nay đã có máy móc hỗ trợ, cũng đỡ cực nhọc hơn nhiều.
Chị đã gắn bó với dự án Seed to Table (từ hạt giống đến bàn ăn) trong bao lâu và dự án đó kết nối chị với nông dân Việt như thế nào?
Seed to Table ra đời năm 2009 với nguồn vốn hoàn toàn từ Nhật Bản (của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các công ty Nhật Bản). Nhưng trước đó, tôi đã làm các dự án cộng đồng khác và làm việc việc với nông dân Việt.
Seed to Table tập trung vào bảo tồn các loại giống địa phương, tăng cường bảo vệ môi trường, hợp tác giữa nhiều người khác nhau để phát triển bền vững. Tôi là người trao đổi trực tiếp với phía nhà tài trợ để làm việc trực tiếp với nông dân, phát triển rau hữu cơ, du lịch sinh thái bền vững…
Thông thường, người ngoại quốc tại các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ không trực tiếp làm việc với nông dân mà cử người Việt đối thoại, tiếp xúc với nông dân. Người nước ngoài chỉ tham gia các hội nghị lớn như tổng kết. Nhưng tôi lại là người trực tiếp tiếp xúc với bà con nông dân hàng ngày, trực tiếp xuống ruộng, họp với bà con.
Ban đầu, bà con thấy rất lạ. Họ hơi ngại một chút. Nhưng sau đó, qua thời gian, bà con cũng quen dần.
Seed to Table đã hoạt động ở Hòa Bình và kết thúc năm 2019. Hiện nay đang hoạt động ở Bến Tre, Đồng Tháp.
Hiệu quả của dự án ra sao đối với bà con nông dân, thưa chị?
Thứ nhất, đó là tăng thu nhập cho bà con nông dân. Các hộ nông dân sẽ tạo thành nhóm, vừa trồng rau hữu cơ PGS vừa ghi chép, giám sát lẫn nhau. Sau đó, bà con sẽ bán rau tới người tiêu dùng hoặc các cửa hàng.
Trước đây, rau hữu cơ tìm thị trường khó nhưng giờ chỉ cần có rau là có người mua. Tuy nhiên, sản lượng hiện này ở Bến Tre còn ít. Còn tỉnh Đồng Tháp mới triển khai. Cho nên chưa đáp ứng được như cẩu thị trường, thậm chí không đủ cung cấp rau cho người địa phương.
Các nhóm đang bán rau cho hệ thống cửa hàng Nông sản Nhà quê, phiên Chợ xanh tử tế… Với 500 m2 trồng rau PGS hữu cơ, mỗi tháng bà con thu khoảng 12 triệu đồng.
Hiện Bến Tre có 8 nhóm trồng rau hữu cơ với tổng cộng 33 hộ nông dân.
Thứ hai, về mặt xã hội. Ban đầu bà con nông dân nghe làm việc theo nhóm thì thấy ngại nhưng sau hiểu rằng, phải cùng hợp tác, cùng làm, cùng bán hàng thì mới có thể khá lên được. Do đó, bà con hợp tác và cùng nhau làm.
Thứ ba, dự án gieo mầm cho thế hệ trẻ tại các địa phương. Seed to Table dạy cho các bạn trẻ về nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái bền vững… để họ thấy được đó là việc cần làm để bảo vệ sức khỏe, quê hương, bảo vệ môi trường…
Tôi rất vui khi dự án đã kết thúc ở tỉnh Hòa Bình nhưng các bạn trẻ vẫn liên lạc để hỏi han về cách làm du lịch sinh thái, trồng rau hữu cơ…
Hiện nay, nhiều công ty cũng đang phát triển nông nghiệp sạch. Seed to Table có kết nối, hợp tác với các dự án lớn này không?
Chúng tôi kết nối bà con nông dân với hệ thống Aeon của Nhật Bản. Tuy nhiên, năm nay, hạn mặn đang là vấn đề. Bà con nông dân rất khó kiếm nguồn nước tưới rau dẫn đến giảm sản lượng rau.
Một vấn đề nữa liên quan đến con người, cách quản lý công việc. Có nhiều vấn đề mà nông dân không nói ra hay không kịp thời xử lý, ví dụ họ đang gặp vấn đề gì về nguồn nước, máy móc, sản phẩm, cách hợp tác với bên ngoài hay cách xử lý công việc tập thể... mà không chia sẻ kịp thời thì tôi cũng không thể hỗ trợ kịp thời.
Làm việc với nông dân Việt hơn 20 năm, chị có bao giờ nghĩ sẽ trở về Nhật Bản?
Đến năm 2023, dự án ở Đồng Tháp sẽ kết thúc. Theo kế hoạch, tôi sẽ trở về nước.
Tôi nghĩ rằng xã hội Nhật giờ cần người biết về các nước khác ngoài Nhật Bản để tăng cường hợp tác quốc tế góp phần phát triển kinh tế bền vững và hữu nghị. Đồng thời, giúp nông thôn dân số ít duy trì cộng đồng của họ và kinh tế bền vững, và đào tạo thế hệ sau.
Tôi không có con nhưng có cháu. Tôi nghĩ là người lớn cần chịu trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên và đề lại tương lai tốt cho thế hệ sau.
Có thể là tôi về nhưng sẽ đi đi lại lại giữa hai nước. Tôi chưa có kế hoạch cụ thể nhưng chắc chắn sẽ có nhiều việc phải làm.
Về chuyện riêng tư của chị, mẹ chị có còn giục lấy chồng không?
Mẹ tôi hay nói về sức khỏe, như dặn uống nước đầy đủ để cho tăng cường trao đổi chất trong cơ thể. Nói về tương lai hay công việc, mẹ tôi ít khi nhắc đến.
Hồi còn 30 tuổi thì mẹ tôi nói là con cố gắng tìm một chàng trai hay kiếm một đứa con. Đến khi 35 tuổi, mẹ tôi vẫn còn thỉnh thoảng nói về chuyện này. Qua 40 tuổi, mẹ tôi không nhắc gì nữa (cười).
Mặc dù mẹ tôi lo tương lai của con cái giống như bà mẹ khác, nhưng tôi thấy vui với cuộc sống hiện tại và ít khi cảm thấy cô đơn. Vì tôi đang làm việc tại Việt Nam và suốt ngày gặp và làm việc được nhiều người Việt Nam!
Xin cảm ơn chị!