Ngày 28-10, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các Hội đồng tư vấn vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Là những người từng giữ nhiều trọng trách trong hệ thống chính trị, các đại biểu đã có những góp ý thẳng thắn.
Không chấp nhận bè phái, vụ lợi
TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, đặt câu hỏi: Vì sao văn hóa vẫn chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế, chính trị? Phải chăng văn hóa đang mất cân bằng với kinh tế, chính trị?
“Sự mất cân bằng ấy đã sinh ra hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch và vững mạnh của Đảng, phân tâm, suy giảm khối đại đoàn kết toàn dân. Nhân dân không thể tin vào “bộ phận không nhỏ” tham nhũng, thoái hóa, biến chất! Nhân dân không thể chấp nhận thói tham lam, vụ lợi, bè phái, ích kỷ, buông thả, suy đồi... trái với văn hóa truyền thống “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Thương người như thể thương thân”” - ông Chức nói.
Đồng tình, PGS Trần Hậu, Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục - Môi trường, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đề nghị cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí, đó chính là chủ nghĩa quan liêu.
Ông Phan Trung Lý (trái) và TS Nguyễn Viết Chức phát biểu tại hội nghị sáng 28-10. Ảnh: CHÂN LUẬN
PGS Trần Hậu cho rằng chủ nghĩa quan liêu sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm... Đó là mảnh đất dung dưỡng nạn tham nhũng, lãng phí.
“Xử lý vụ án này vụ án khác chỉ là phần ngọn của vấn đề. Chừng nào chưa đặt vấn đề chống chủ nghĩa quan liêu thì chúng ta còn vất vả chống tham nhũng” - ông Hậu nói.
Ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng trong công tác phòng, chống tham nhũng có hai giải pháp cần phải làm tốt hơn là kiểm soát kê khai tài sản và thu hồi tài sản tham nhũng. Muốn triển khai được hai giải pháp này thì một trong những công cụ cần là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Mỗi người cần có một tài khoản ngân hàng và tất cả giao dịch trên 5 triệu đồng đều phải thực hiện qua ngân hàng.
“Cần có chế tài thật rõ, thật nghiêm về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, phải thu hồi triệt để thì mới ngăn chặn được tham nhũng” - ông Lý nói.
Cần hạn chế dùng từ “lúng túng”
GS Trần Ngọc Đường, Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, cũng chung nhận định về hình thức các dự thảo văn kiện. Cho rằng các văn bản chuẩn bị chu đáo, toàn diện, có nhiều đánh giá mới, tích cực nhưng GS Đường nói có nhiều chỗ diễn đạt chưa rõ, lấp lửng.
GS Đường lấy đoạn văn kiện nói về nhà nước pháp quyền làm ví dụ: “Vấn đề đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội; giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có một số mặt chưa rõ nên còn lúng túng”.
GS Đường cũng dẫn ra phần nói về tổ chức, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong dự thảo: “Chính sách pháp luật của Nhà nước chưa phong phú, thường xuyên, kịp thời, còn mờ nhạt, lúng túng”. Rồi công tác xây dựng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước còn lúng túng, hạn chế. Việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và Nhà nước cũng có mặt còn lúng túng, ngay sau đó lại viết “tính thống nhất do vậy còn lúng túng”.
“Có mấy trang mà bao nhiêu là cái lúng túng. Xét về mặt hình thức, như vậy là chưa được” - GS Đường nhận xét.