Từ nhu cầu làm từ thiện của người dân: Cần xây dựng luật về tổ chức và hoạt động phi lợi nhuận
Luật sư Nguyễn Tiến Lập (*)
(TBKTSG) - Việt Nam là một quốc gia chịu nhiều thiên tai. Các thảm họa như bão, lũ và lụt ở miền Trung đang diễn ra không mới. Cũng không mới là các hoạt động ứng phó, cứu nạn, cứu trợ có liên quan do Nhà nước chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nhưng vấn đề nổi lên trong thời gian qua là sự tham gia, góp sức của chính người dân bằng các hoạt động thiện nguyện của mình, điển hình là ca sĩ Thủy Tiên, với kết quả huy động lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Ca sĩ Thủy Tiên tặng tiền cho người dân vùng lũ Quảng Bình. Ảnh: FB Thủy Tiên |
Tuy nhiên, bên cạnh việc được dư luận xã hội đánh giá cao, vẫn có những ý kiến bày tỏ nghi ngại về cơ sở pháp lý của các hoạt động thiện nguyện “phi chính thức” do người dân tự thực hiện nói trên. Vấn đề tưởng đơn giản và đương nhiên nhưng bởi nó “phi truyền thống”, nên vẫn cần được đặt ra: Liệu làm từ thiện có cần giấy phép, hay người dân có quyền tự kêu gọi và tổ chức làm từ thiện hay không?
Làm từ thiện là hoạt động thường xuyên hay mang tính sự kiện, phong trào?
Trên thế giới, người ta coi các hoạt động từ thiện, thiện nguyện là bộ phận không tách rời khỏi đời sống dân sự. Khi xã hội phát triển cao, nó được khái quát thành một khái niệm chung được gọi là các hoạt động phi lợi nhuận. Cội rễ bắt đầu từ một chân lý hiển nhiên, theo đó con người vốn không chỉ hành động vì lợi ích vật chất (hay động cơ lợi nhuận) mà còn vì các động cơ tinh thần và tình cảm. Hoạt động này, dù trong thời chiến hay thời bình, đều thu hút tất cả các giới tham gia, từ người giàu như Bill Gates đến người nghèo là các phật tử lên chùa. Các hoạt động này có mục tiêu đúng đắn bởi những ai tham gia đều tìm cách giúp người nghèo, người bị hoạn nạn một cách vô tư, lạc quan và đầy hứng khởi. Ngoài ý nghĩa đóng góp vật chất, nó mang lại các giá trị tinh thần to lớn, cứu rỗi sự tuyệt vọng của con người, cổ vũ cho cái thiện, đẩy lùi thói sống ích kỷ và hỗ trợ gắn kết cộng đồng.
Bởi tuân theo bản chất tự nhiên của đời sống, cần thiết xây dựng một cấu trúc thể chế để sao cho bên cạnh Nhà nước, luôn luôn có cả khu vực dân sự và tư nhân rộng lớn, năng động làm nền tảng; và cùng với khu vực lợi nhuận cũng cần cả khu vực phi lợi nhuận song hành. |
Ngày nay, lĩnh vực thiện nguyện hay phi lợi nhuận đã kết hợp với các hoạt động thương mại, kinh tế. Đó chính là các doanh nghiệp xã hội, tự đứng trên đôi chân doanh nghiệp nhưng gắn với mục tiêu xã hội và cộng đồng, hơn là các lợi ích cá nhân. Ở Mỹ, khu vực phi lợi nhuận và thiện nguyện đã chứng minh sự đóng góp tài chính to lớn cho xã hội với trên 400 tỉ đô la hàng năm gộp lại từ hàng triệu các khoản tài trợ nhỏ. Cũng ở Mỹ còn một điều đáng lưu ý, đó là dù có một nền kinh tế giàu bậc nhất thế giới nhưng bởi đất nước phải gánh chịu quá nhiều thiên tai, chính quyền sẽ rất khó xử lý vấn đề hiệu quả nếu không có sự tham gia của khu vực thiện nguyện, phi lợi nhuận của người dân. Trên thực tế, khu vực này không chỉ hướng đến cứu trợ đột xuất cho các nạn nhân bị thiên tai mà còn giúp đỡ thường xuyên cho những người nghèo, nhóm yếu thế ở các vùng kém phát triển của đất nước. Mở rộng ra khu vực giáo dục, rất nhiều trường đại học danh tiếng của Mỹ cũng là tổ chức phi lợi nhuận toàn bộ hoặc một phần như Harvard, Stanford hay Yale. Tất cả các hoạt động nói trên đều phát triển thành công dựa trên một khung pháp lý độc lập, hoàn chỉnh về các tổ chức và hoạt động phi lợi nhuận.
Ở Việt Nam, có một thực tế khác biệt lâu nay. Đó là ngoài các hoạt động công đức do người dân, phật tử đóng góp thường xuyên ở các đình, chùa, thì các sự kiện, phong trào gây quỹ từ thiện riêng chủ yếu do các cơ quan, hội đoàn nhà nước tổ chức khi có nhu cầu. Hiệu quả tài chính của các hoạt động này cũng không nhỏ, tuy nhiên nếu để so sánh thì cách làm thiện nguyện của người dân như trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên vừa qua rất khác. Một là, cách tiến hành khá âm thầm, giản dị nhưng sức lan tỏa rất nhanh; hai là số lượng tiền huy động tính trên một hoạt động của cá nhân rất lớn; và thứ ba, cũng là điều đáng lưu ý nhất, đó là từng khoản đóng góp tuy nhỏ nhưng số lượng người tham gia lại rất đông. Về lý thuyết, đó mới chính là bản chất của công việc thiện nguyện. Thiện nguyện không phải là nghĩa vụ mà là quyền được yêu thương đồng loại của mỗi cá nhân, nó biểu hiện qua lòng trắc ẩn (là cái cần có để tôi sẵn sàng cho đi) và niềm tin (là cái cần có để tôi lựa chọn ai để trao tiền). Một khi cơ quan, tổ chức nhà nước đứng ra thực hiện, thì theo lẽ tự nhiên, công việc này sẽ mang màu sắc nghĩa vụ, dù là “nghĩa vụ tự nguyện”. Điều này vẫn được thấy trên ti vi khi các cơ quan, đoàn thể tổ chức cho cán bộ, nhân viên đóng góp từ thiện bằng ngày lương của mình.
Thiện nguyện đích thực, phải chăng nên là hoạt động hàng ngày mà không phải chỉ là các sự kiện hay phong trào và càng không nhất thiết là các sự kiện công khai, rầm rộ. Người ta cũng đặt câu hỏi rằng tại sao nhiều người dân bình thường không quen biết nhưng lại yêu, thích và tin tưởng ca sĩ Thủy Tiên hay các ca sĩ, nghệ sĩ khác đến thế để sẵn sàng bỏ tiền ra mà không cần biên nhận và bảo đảm? Chỉ có thể giải thích rằng đó là tình cảm tự nhiên của con người và chúng ta phải tôn trọng điều đó. Bởi chỉ theo cách rất tự do và tự nhiên như vậy thì làm điều thiện mới mang đến hạnh phúc đích thực cho cả người cho và người nhận.
Có cần thiết quản lý hoạt động thiện nguyện, phi lợi nhuận bằng pháp luật hay không?
Câu hỏi này sẽ không cần thiết nếu nhìn vào hiện trạng chúng ta đang có khá nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động này, từ Bộ Luật dân sự, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Doanh nghiệp, Luật Giáo dục đến các Nghị định đặc thù như Nghị định 93/2019 (về quỹ xã hội, quỹ từ thiện) hay Nghị định 64/2008 (về đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, bệnh hiểm nghèo). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao với tất cả các công cụ pháp lý như vậy mà người dân vẫn không sẵn sàng sử dụng và tuân theo?
Từ góc nhìn chuyên gia, có thể thấy hai lý do chính cũng là hai tồn tại mang tính căn cốt của hệ thống thể chế như sau:
Thứ nhất, trong cấu trúc của hệ thống pháp luật, vẫn còn rất nặng tư tưởng cắt khúc theo ngành và lĩnh vực phụ trách có nguồn gốc từ cơ chế cũ. Mỗi ngành, lĩnh vực được chủ quản lại có cách tiếp cận khác nhau, thậm chí trái ngược về từng vấn đề. Chẳng hạn, cùng là hoạt động quyên góp từ thiện để hỗ trợ nạn nhân bão lụt, nếu tinh thần của Luật Phòng chống thiên tai là khuyến khích, mở rộng xét từ góc nhìn của “cơ quan chủ quản” là Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, thì các quy định của Nghị định 64 căn cứ theo Luật Mặt trận Tổ quốc và Luật Ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính đề xuất lại nặng tính kiểm soát, phòng ngừa và hạn chế.
Thứ hai, toát lên từ tất cả các văn bản pháp luật vẫn là tư duy hành chính, vừa muốn kiểm soát, vừa bao cấp, làm thay, không dám trao quyền cho cộng đồng và người dân. Đặc điểm này còn cố hữu ở ngay một số Đại biểu Quốc hội khi cho rằng mặc dù việc làm của ca sĩ Thủy Tiên đáng hoan nghênh, nhưng giá trị tiền huy động được lớn thì cần để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hay Hội Chữ thập đỏ điều tiết. Tuy nhiên, qua thực tế ứng cứu tại miền Trung đang diễn ra, các phương tiện truyền thông xã hội đã cho thấy nhiều bất ngờ về khả năng sáng tạo và sức mạnh tự quản của người dân và cộng đồng.
Do đó, trong lĩnh vực thiện nguyện, vốn có nội dung, ý nghĩa và tác động xã hội rất rộng, vai trò của pháp luật rất cần thiết, nhưng đó phải là các phương tiện, công cụ bảo vệ và hỗ trợ hơn là kiểm soát và hạn chế. Với tinh thần như thế, đồng thời cùng với tầm nhìn lâu dài, bao quát về toàn bộ các hoạt động có liên quan, thay vì duy trì một cấu trúc pháp luật phân tán, không đồng bộ và khó tiếp cận như hiện nay hay đơn giản chỉ sửa đổi Nghị định 64, rất cần xây dựng một luật chung về các tổ chức và hoạt động phi lợi nhuận.
Nhìn sang thực tiễn các nước, có thể thấy ngay khoảng trống này trong hệ thống pháp luật nước ta. Bởi tuân theo bản chất tự nhiên của đời sống, cần thiết xây dựng một cấu trúc thể chế để sao cho bên cạnh Nhà nước, luôn luôn có cả khu vực dân sự và tư nhân rộng lớn, năng động làm nền tảng; và cùng với khu vực lợi nhuận cũng cần cả khu vực phi lợi nhuận song hành.
(*) Thành viên NHQuang và cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam