Khoảng 30.000 đơn vị lưu trú có nhu cầu
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014, công nhận hoạt động cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc 1 - 2 tuần…) là hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Theo đó, người cho thuê nhà, căn hộ chung cư ngắn hạn phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định pháp luật, có nghĩa vụ đóng góp (bổ sung) kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, do hoạt động kinh doanh cho thuê nhà ngắn hạn dẫn đến làm gia tăng khối lượng công tác và trách nhiệm của ban Quản trị và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư.
Theo HoREA, từ năm 2018, đơn vị đã báo cáo bộ Xây dựng về phương thức kinh doanh cho thuê nhà ngắn hạn dưới hình thức “chia sẻ phòng thuê”, sử dụng dịch vụ Airbnb mà luật Nhà ở 2014 và luật Kinh doanh BĐS 2014 chưa tiên lượng, nên chưa có khung pháp luật để điều chỉnh hoạt động kinh doanh này.
Thực hiện phương thức cho thuê này, thì căn nhà, căn hộ cho thuê được trang bị đầy đủ các tiện ích, tương tự như “phòng khách sạn có bếp”, mà người thuê nhà tự phục vụ trong thời gian thuê.
Đây là một trong nhiều hình thức hoạt động kinh doanh của “nền kinh tế chia sẻ” trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng công nghệ mới, tương tự như loại hình xe công nghệ, phục vụ khách vãng lai, trọng tâm là khách du lịch do thường có nhu cầu thuê ngắn hạn.
Theo báo cáo khảo sát năm 2019 của Grant Thornton, mô hình dịch vụ “chia sẻ phòng thuê Airbnb” đang tăng trưởng mạnh ở Việt Nam, với khoảng 30.000 đơn vị lưu trú.
Trao đổi với PV, chị Quan Bích Luyên – Phó Chánh văn phòng UBND huyện Na Hang (Tuyên Quang) - cho biết: “Gần đây, Na Hang là một trong những điểm thu hút khách du lịch, nhu cầu du khách sử dụng các dịch vụ thuê căn nhà, căn hộ được trang bị đầy đủ các tiện ích, tương tự như “phòng khách sạn có bếp” cũng tăng. Tuy nhiên, hai bên chỉ thỏa thuận bằng miệng, cho nên đôi khi cũng xảy ra xung đột lợi ích. Việc xây dựng khung pháp lý cho hình thức thuê căn hộ này là cần thiết, sẽ thuận tiện hơn trong công tác quản lý”.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Quản lý du lịch (sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa) - cho biết, hình thức thuê nhà, thuê phòng trên địa bản tỉnh Thanh Hóa diễn ra phổ biến ở khu du lịch biển. Tuy nhiên, khung pháp lý vẫn chưa rõ ràng nên vẫn chỉ được giao dịch thỏa thuận miệng.
“Nếu có khung pháp lý nhất định sẽ giúp ích không riêng gì cho Thanh Hóa, mà nó sẽ giúp ích chung trong công tác quản lý Nhà nước như quản lý về thuế, về an ninh trật tự, an toàn xã hội, biết được người đến là ai, làm gì, họ thuê với mục đích gì…”, bà Nguyệt nhận định.
Theo vị này, việc xây dựng khung pháp lý sẽ quản lý tốt về cả những vi phạm pháp luật, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn… mà người thuê gây ra (nếu có).
Tránh việc "không quản được thì cấm"
Theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA - thì: “Cho thuê nhà theo hình thức “chia sẻ phòng thuê” là phương thức cho thuê nhà mới, sử dụng dịch vụ Airbnb, phù hợp với “nền kinh tế chia sẻ”, chắc chắn sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số. Do vậy, không thể tiếp tục quản lý theo kiểu “tư duy cũ, không quản được thì cấm”, mà cấm cũng không được, vì đây là nhu cầu thực tế của cuộc sống, có cầu thì tất có cung”.
Ông Châu cho rằng một số mặt tiêu cực, hạn chế của loại hình này hiện nay bắt nguồn từ việc chưa có đầy đủ các quy định pháp luật để quản lý, điều chỉnh. Cụ thể là thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thậm chí có những trường hợp sử dụng nhà thuê sử dụng dịch vụ Airbnb để hoạt động tội phạm.
“Đã phát sinh “xung đột lợi ích” giữa người cho thuê căn hộ nhà chung cư sử dụng dịch vụ Airbnb với cư dân, do thường xuyên có người thuê nhà lạ mặt đến cư ngụ, gây tâm lý bất an và ảnh hưởng đến không gian riêng tư của các hộ gia đình trong chung cư” ông Châu cho hay.
Viện dẫn luật Nhà ở 2014 và luật Kinh doanh BĐS 2014, ông Châu nhận định, những hạn chế này bắt nguồn từ quy định cấm “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”, không cho phép đăng ký kinh doanh khởi nghiệp tại căn hộ chung cư (đối với cả các doanh nghiệp “siêu nhỏ” có dưới 5 lao động và sử dụng công nghệ thông tin, không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng). Tất cả đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu căn hộ chung cư.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty TNHH Luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP.Hà Nội) - cho rằng, hình thức cho thuê phòng, thuê căn hộ trước tiên cần phải đưa vào vào luật nhà ở, rồi sau đó mới mới có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể. Nhưng hiện nay luật vẫn đang bỏ trống, do đó mới dẫn đến xung đội lợi ích, người thuê làm hư hỏng, làm mất tại sản sẵn có tại các căn hộ, chung cư cho thuê, lúc đó sẽ xảy ra tranh chấp.
“Về nguyên tắc phải có những khung pháp lý cho các hình thức cho thuê khi người dân có nhu cầu sử dụng. Muốn quản lý bất cứ hoạt động nào thì đều phải có khung pháp lý cho nó. Trước tiên để quản lý về trật tự xã hội được tốt hơn, sau đó thì Nhà nước cũng có lợi trong việc thu thuế vào ngân sách”, vị luật sư cho hay.
Airbnb là cụm từ viết tắt từ Airbed and Breakfast (nhằm chỉ việc ngoài có chỗ ngả lưng và còn được phục vụ bữa sáng miễn phí). Đây là một dịch vụ di động nhằm kết nối người cần thuê nhà, chỗ ở với những người có nhu cầu cho thuê nhà và chỗ ở.
Người cần thuê chỉ cần nhập nơi mong muốn, xác nhận thì địa chỉ của căn hộ sẽ được gửi đến. Tất cả việc thanh toán sẽ được thông qua ứng dụng này và nó sẽ thu khoản phí trung gian với cả người thuê và người cho thuê. Airbnb còn được ví von vui là xe công nghệ của ngành khách sạn.
Mô hình Airbnb xuất hiện ở nước ta năm 2015, hiện tập trung chủ yếu ở các khu vực du lịch như: Đà Lạt, Sapa, TP.HCM, Hà Nội…
Đỗ Tuấn