Nhanh chóng thông đường đến nơi sạt lở để cứu dân
T.H
(TBKTSG Online) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác hiện đang có mặt tại xã Trà Leng, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), điểm sạt lở chia cắt đường lên huyện Nam Trà My, nơi xảy ra vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng. Ông yêu cầu các lực lượng tập trung với phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt nòng cốt là lực lượng vũ trang, huy động vật tư, thiết bị cần thiết để khai thông đường, đến sớm nhất nơi sạt lở đất để cứu người dân.
Sau bão Molave, miền Trung 'oằn mình' với lũ, sạt lở
Các lực lượng chức năng mở đường vào địa điểm sạt lở tại huyện Nam Trà My. Ảnh: baochinhphu.vn |
Tập trung tất cả khả năng để tìm kiếm các nạn nhân mất tích
Từ 9 giờ đến hơn 10 giờ sáng nay (ngày 29-10), cuộc họp bàn phương án triển khai công tác cứu hộ đã diễn ra. Trung tướng Nguyễn Long Cáng - Tư lệnh Quân khu 5, trình bày phương án tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. Ông cho biết lực lượng hành quân từ 1 giờ sáng nhưng đến nay chỉ giải phóng được những điểm có cây gãy đổ.
Theo báo cáo của lực lượng tại hiện trường, tuyến đường này hiện có 5 điểm sạt lở, đã giải phóng được 3 điểm và còn 2 điểm chưa thông - đều là hai điểm sạt lở lớn.
Phương án của Quân khu 5 được Tư lệnh Nguyễn Long Cáng báo cáo trước hết là phối hợp với địa phương để thông đường, sau đó đi bộ vào khu bà con đang ở, vì xe ô tô không đi được. Ông khẳng định lực lượng quân đội trong quá trình tìm cứu cứu hộ, cứu nạn đều được huấn luyện đảm bảo an toàn.
“Quá trình di chuyển chúng tôi có sự hiệp đồng chặt chẽ. Chỗ nào nghi ngờ nguy hiểm là dừng kiểm tra xong mới di chuyển để đảm bảo an toàn cho lực lượng”, Tư lệnh Quân khu 5 nói. Ông cho biết ở thôn 1, xã Trà Leng hiện chưa có lực lượng cứu hộ đến, chỉ có nguời địa phương.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp cận nhanh nhất hiện trường. Trường hợp chưa đưa được máy móc vào tìm kiếm thì cử lực lượng quân đội, công binh vào trước, tìm kiếm thủ công. Cùng với đó, nghiên cứu phương án đưa máy bay trực thăng vào ứng cứu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện trao đổi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác cứu nạn. Thủ tướng gửi lời động viên đến lực lượng cứu nạn, đề nghị tập trung tất cả khả năng để có thể tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Trung tướng Nguyễn Long Cáng cho biết đã lên kế hoạch tiếp cận hiện trường bằng đường bộ khác - theo đường bê tông từ thôn 6 (xã Trà Tân, Bắc Trà My) đi vòng qua điểm sạt lở ở Trà Đốc (Bắc Trà My) để tiếp cận sớm nhất.
Lực lượng đi gồm 2 tổ quân y, lực lượng công binh, trinh sát với cơ số lương thực đủ trong 7 ngày. Đồng thời Quân khu 5 tiếp tục khảo sát đường vào, phải thông cho bằng được đường bộ để vào thôn 1 xã Trà Leng nhằm đưa cơ giới vào tìm kiếm.
Thông tin mới nhất về vụ sạt lở đất vùi lấp 53 người ở Quảng Nam Hiện các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đang tập kết lực lượng tại trung tâm huyện Bắc Trà My, cách hiện trường vụ sạt lở tại hai xã Trà Leng và Tràn Vân, huyện Nam Trà My gần 15 km. Hiện Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đang đến hiện trường để trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ. Sở Chỉ huy tiền phương xác định nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là sử dụng mọi phương tiện để mở đường, nghiên cứu các phương án đường thủy, đường không kể cả phương tiện thô sơ để cắt rừng, mở đường tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. |
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường yêu cầu huyện Nam Trà My nhanh chóng đưa lực lượng cơ động tại chỗ của địa phương vào trước và sớm nhất có thể.
Bắc Trà My tiếp tục hỗ trợ Quân khu 5 trong công tác khai thông đường; hỗ trợ lực lượng cơ động cho Nam Trà My, ưu tiên dân quân tự vệ thông thạo, am hiểu địa hình, thời tiết địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đề nghị các lực lượng tiếp tục nghiên cứu phương án tiếp cận đường thủy. Đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 hỗ trợ tối đa phương tiện cơ giới cho công tác tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài ra, cần nhanh chóng hỗ trợ mai táng cho các trường hợp đã tìm được thi thể theo đúng phong tục địa phương. Bằng mọi giá phải tìm kiếm cứu nạn người càng sớm càng tốt trong vòng 3 ngày tới khi thời tiết còn nắng ráo.
Chỉ đạo tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định tình hình rất phức tạp. Ông yêu cầu các lực lượng tập trung với phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt nòng cốt là lực lượng vũ trang, huy động vật tư, thiết bị cần thiết để khai thông đường, đến sớm nhất nơi sạt lở đất để cứu đồng bào.
“Phải tìm kiếm những người mất tích, cứu những người còn sống sót”, Phó thủ tướng lưu ý nhiệm vụ này rất cấp bách, các lực lượng cần tập trung cao độ và đặc biệt đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Bão Molave (bão số 9) gây thiệt hại nặng nề cho miền Trung
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 6 giờ ngày 29-10, bão số 9 đã khiến 2 người chết (Gia Lai 1, Quảng Nam 1), 55 người mất tích do sạt lở đất (Quảng Nam: 53 người ở huyện Nam Trà My, 2 người ở huyện Phước Sơn), 28 người bị thương (Huế 4, Đà Nẵng 1, Quảng Nam 5, Quảng Ngãi 13, Bình Định 5).
Tổng cộng 2.527 nhà bị sập, 88.591 nhà bị tốc mái, 1 cầu treo tại tỉnh Kon Tum và 2 cầu tại tỉnh Bình Định bị cuốn trôi. Sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm ở tỉnh Kon Tum. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, chia cắt hoàn toàn tại Km1353+5 thuộc địa phận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Các địa phương cho biết có 9 tàu cá bị chìm (Bình Định 6, Phú Yên 2, Quảng Nam 1), trong đó có 2 tàu của tỉnh Bình Định với 26 lao động bị mất liên lạc từ ngày 27-10.
Lúc 0 giờ 51 phút ngày 29-10, tàu kiểm ngư KN467 đã tiếp cận được tàu cá BĐ-98658-TS của Bình Định, sức khỏe của các thuyền viên trên tàu bình thường.
Hiện tại các khu vực trũng, thấp thuộc 29 phường, xã của các huyện, thành phố. thuộc tỉnh Quảng Ngãi ở ven các sông Trà Khúc, Vệ, Trà Câu bị ngập sâu 1-2 m.
Tỉnh Quảng Ngãi đã sơ tán 6.081 nhà/16.829 người khu vực ngập sâu đến nơi an toàn.
Tại tỉnh Kon Tum, ngập lụt gây chia cắt 2 thôn/259 hộ/1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà và một số khu vực trũng thấp. Hiện tại mức độ ngập lụt tại Quảng Ngãi, Kon Tum đang giảm.
Xuất hiện bão mới, xu hướng mạnh lên
Hiện nay, ở phía Đông Phillippines bão Goni đang hoạt động. Cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sáng nay (29-10), ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hiện nay, ở phía Đông Phillippines có bão Goni đang hoạt động. Đây là cơn bão thứ 19 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, mới mạnh lên thành bão rạng sáng nay. Cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm.
Theo những thông tin dự báo xa, khoảng cuối tuần sau cơn bão này có khả năng gây mưa lớn ở Trung Bộ, trong đó có các tỉnh Trung Trung Bộ. Nửa đầu tháng 11, tình hình mưa bão trên biển Đông và miền Trung còn phức tạp.
Hiện nay, tại vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9. Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Nam đến Đông Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8-9.
Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 9 nên trong sáng nay vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) còn có gió Đông Nam đến Đông mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-4 m. Ở vịnh Bắc Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên trong ngày và đêm nay có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-4 m.
Ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) tiếp tục có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo ở cấp 1.
Tổng hợp
Xem thêm: lmth.nad-uuc-ed-ol-tas-ion-ned-gnoud-gnoht-gnohc-hnahn/730013/nv.semitnogiaseht.www