Đóng cửa phiên giao dịch 28/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 3,4%, tương đương 940 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi chỉ số này sụt gần 1.900 điểm vào hôm 11/6, cùng ngày chỉ số VIX (thước đo nỗi sợ hãi trên Phố Wall) tăng đột biến. Trong khi đó, S&P 500 cũng rớt 3,5%, đánh mất toàn bộ đà tăng trong tháng vừa qua.
Rob Emrich – nhà sáng lập và đối tác quản lý tại Acruence Capital có trụ sở ở Texas, cho biết ông đang cân nhắc về các mô hình có mức biến động tăng lên ở mức hiện tại cho đến tháng 5, với khả năng xảy ra kết quả bầu cử tranh chấp sẽ là chất xúc tác chính cho biến động gia tăng trong những tuần tới.
Chỉ số biến động VIX đã tăng vọt tới 20% ở phiên giao dịch ngày hôm qua tại Phố Wall, đạt mức cao nhất trong hơn 4 tháng. Theo đó, những nhà đầu tư khác cũng tỏ ra rất thận trọng. James McDonald – CEO của Hercules Investment có trụ sở tại Los Angeles, cho biết: "Biến động là loại tài sản duy nhất có tiềm năng đi lên rõ ràng ở lúc nào." Ông tin rằng thị trường sẽ biến động hơn nữa sau cuộc bầu cử và sẽ sụt giảm khoảng 20% nếu không có kết quả rõ ràng.
Trong khi đó, Charley Ripley – chiến lược gia đầu tư cấp cao của Allianz Investment, cho biết: "Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi liệu sự biến động như dự kiến có chuyển thành thực tế hay không. " Ông nói thêm rằng thị trường hiện tại "đang chuẩn bị cho giai đoạn cả trước và sau cuộc bầu cử đều có thể chứng kiến sự bất ổn."
Thị trường đang chứng kiến một loạt yếu tố khiến biến động tăng cao. Sự hồi phục của nền kinh tế trong những tháng gần đây có tiến triển rất chậm chạp và không đồng đều. Các chỉ báo như doanh số bán lẻ hồi phục hoàn toàn và một số khác như tỷ lệ mua này tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm. Ngược lại, hàng triệu người Mỹ hiện vẫn rơi vào cảnh thất nghiệp và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vẫn chật vật hồi phục.
Ripley cho hay: "Sự kiện bầu cử có thể trở nên lộn xộn và vì đại dịch nên hình thức bỏ phiếu qua thư sẽ thay đổi cách kiểm tra kết quả. Chúng tôi dự đoán thị trường sẽ duy trì mức biến động cao và thậm chí còn tồi tệ hơn nữa vào sau Ngày Bầu cử 3/11."
Chứng khoán Mỹ thường ghi nhận biến động mạnh trong mùa bầu cử và trong năm nay nhà đầu tư còn đối mặt với những thông tin tiêu cực về gói kích thích tài chính được thảo luận ở Washington. Chưa dừng ở đó, số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tại Mỹ và cả châu Âu đều tăng mạnh. Những yếu tố này dường như đã đánh dấu "giới hạn" của thị trường. Sau khi tăng đột biến ở mức 38,28 điểm hồi đầu tháng 9, VIX giảm dần xuống khoảng 20 vào cuối tháng 9, thấp hơn 40% so với mức hiện tại.
Theo McDonald, thị trường chứng khoán đang cho thấy Covid-19 sẽ không sớm kết thúc, khi số ca nhiễm tiếp tục gia tăng và việc châu Âu tiếp tục phong tỏa đang làm dấy lên mối lo ngại về đợt phong tỏa được áp dụng tại Mỹ. Đà tăng kỷ lục từ mức đáy hồi tháng 3 của Phố Wall và sự phục hồi được dự đoán dường như đang đi đến hồi kết.
Ông nói: "Kỳ vọng về việc Covid-19 sẽ được kiểm soát giờ đây đã tan biến. Chúng tôi dự đoán thị trường còn giảm thêm 10-20% kể từ mức này. Chúng tôi tin rằng nếu S&P 500 thủng mốc 3.200 điểm trước cuộc bầu cử, thì chỉ số này có thể sẽ giảm thêm 12%."
Hồi tuần trước, các chuyên gia Phố Wall trong đó có Ripley đã cảnh báo rằng cuộc bầu cử có kết quả tranh chấp có thể khiến thị trường rung lắc mạnh hơn nữa, khi bất ổn gia tăng. Ripley lưu ý, khi kết quả bầu cử trở nên hỗn loạn vào năm 2000, "thị trường đã bị bán tháo mạnh và chênh lệch tín dụng (credit spread) tăng lên."
Brian Overby – nhà phân tích cấp cao về quyền chọn tại Ally Invest, nhận định mức độ lo ngại của nhà đầu tư ở phiên ngày hôm qua có phần "bị thổi phồng", bởi mức giao dịch của VIX hiện tại cho thấy rằng S&P 500 có thể dao động khoảng 2%. Emrich cũng đưa ra quan điểm tương tự. Overby cho rằng sự biến động có thể giảm vào cuối năm nay, khi nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ ổn định hơn sau cuộc bầu cử.
Tham khảo Forbes