Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực khiến thị trường trong nước không còn là sân nhà, doanh nghiệp Việt phải chinh phục người Việt nếu muốn giữ vững vị thế của mình.
Phát biểu tại Diễn đàn “Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới” diễn ra sáng nay, ngày 29.10, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Bên cạnh những lợi ích do các FTA mang lại thì các doanh nghiệp Việt đứng trước rất nhiều thách thức, rất nhiều khó khăn khi hàng hóa của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ ưu đãi thuế quan, khiến thị trường trong nước không còn là “sân nhà”.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: “Về năng lực cạnh tranh, quá trình hội nhập kinh tế cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu do năng lực cạnh tranh còn hạn chế.”
Ông Trần Duy Đông cũng chia sẻ 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời chưa có chiến lược dài hạn để phát triển. Một số doanh nghiệp còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để tiếp tục đầu tư phát triển.
Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế trong việc hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để trở thành các đối tác lâu dài, hướng tới các mục tiêu phát triển chung.
Thứ ba, nhận thức của một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ngắn hạn, chưa xác định được tầm nhìn dài hạn với tư duy chiến lược để tận dụng được các thời cơ, đặc biệt là các thời cơ về hiệp định thương mại.
PGS. TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện Kinh tế Việt Nam cũng nêu ra các vấn đề mà doanh nghiệp Việt cần cố gắng tháo gỡ trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập hiện nay. Theo ông, có 3 vấn đề nghiêm trọng đó là: Thứ nhất, 95-96% doanh nghiệp Việt là nhỏ và siêu nhỏ, nghĩa là thực lực yếu và non kém về công nghệ.
Thứ hai, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ đóng góp chưa đến 10% GDP trong khi khu vực FDI đóng góp khoảng 22-23% GDP. Thứ ba, khu vực kinh tế bản địa chỉ đóng góp khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực FDI đóng góp 70%, tương quan nhập khẩu là 40%-60%.
“Điều này có nghĩa là hội nhập quốc tế mang lại cơ hội phát triển to lớn cho nền kinh tế, nhưng khu vực doanh nghiệp nước ngoài (FDI) lại nắm bắt và khai thác tốt, hiện thực hóa thành lợi ích cho họ trong khi doanh nghiệp Việt chưa làm được”, ông Thiên cho biết thêm.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, 10 năm qua kể từ khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2009 đến nay, hàng Việt Nam đã dần dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và giữ được sức sống mạnh mẽ trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.
Điều đó được thể hiện qua việc hàng Việt Nam vẫn được người tiêu dùng trong nước tin tưởng, có độ phủ sóng lớn tại các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhiều khu vực và dần khẳng định được hình ảnh với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp.
Bà Nga cũng nhấn mạnh tại diễn đàn sáng nay: “Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh. Chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế “sân nhà”.
Tại Diễn đàn, Bộ Công Thương cùng phối hợp với các đơn vị có liên quan: Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,… đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu bàn về các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh.
Qua đó đề ra những giải pháp giúp hàng Việt Nam giữ vững được vị thế tại thị trường trong nước, giúp cho các mặt hàng của Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn ra hết sức phức tạp.
Xem thêm: odl.728948-teiv-iougn-cuhp-hnihc-iahp-teiv-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal