Sở GTVT TP.HCM vừa gửi UBND TP dự thảo tờ trình báo cáo Ban thường vụ Thành ủy về phương án giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và QL1, đoạn từ ngã ba trạm 2 đến nút giao Tân Vạn (tỉnh Đồng Nai).
Xa lộ Hà Nội thường xuyên kẹt xe, nhiều phương tiện leo lề để thoát khỏi cảnh này. Ảnh: LINH PHƯƠNG.
Tại tờ trình, sở này đề xuất thời gian thu phí xa lộ Hà Nội sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-12-2020, thay cho đề xuất hồi giữa tháng 8 là ngày 1-11-2020. Thời hạn này là trễ so với hợp đồng đã ký hơn hai năm.
Đại diện Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Công ty CII) cho biết, theo phương án tài chính đã ký, nếu thu phí xa lộ Hà Nội từ 1-10-2018 thì tổng thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 19 tháng.
“Theo tính toán, nếu lưu lượng xe vẫn giống như lưu lượng xe tạm tính trong phương án thì cứ chậm thu phí một năm thời gian thu phí sẽ phải kéo dài thêm sáu năm. Do lãi phát sinh trong một năm chậm thu phí sẽ được cộng vào và hoàn vốn sau khi dòng tiền chính đã cân đối đủ trong 17 năm 9 tháng” – vị đại diện lý giải.
Theo Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán vào tháng 8-2019, tổng chi phí đã đầu tư vào dự án tính đến ngày 31-12-2018 là hơn 3.016,298 tỉ đồng.
Từ ngày 1-1-2019 đến ngày 31-8-2020 cộng thêm lãi phát sinh và một số hạng mục cần thanh quyết toán tiếp, chi phí đầu tư đã lên đến 4.028 tỉ đồng.
Kiểm toán Nhà nước khuyến nghị: “Việc dự án chưa được thu phí hoàn vốn theo quy định của hợp đồng BOT sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của phương án tài chính hoàn vốn, làm phát sinh chi phí sử dụng vốn, kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn của dự án.”