Giải ngân vốn ODA cho 2 tuyến metro lớn tại TPHCM vẫn ì ạch
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Khoảng 2.500 tỉ đồng nguồn vốn ODA bố trí cho dự án tuyến metro số 1 và metro số 2 nhưng đến nay TPHCM chưa giải ngân được đồng nào.
Địa phương không làm được sẽ bị cắt vốn, không bố trí vốn năm tới
TPHCM chưa giải ngân đồng nào trong 2.500 tỉ đồng vốn ODA cho 2 dự án tuyến metro trong năm 2020. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thông tin nêu trên do ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài vào ngày 29-10.
Báo cáo tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ông Nguyễn Văn Hoan cho biết hiện TPHCM đang thực hiện 9 dự án ODA với tổng vốn 123.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Hoan, thành phố đang gặp khó trong việc giải ngân vốn ODA cấp phát từ Trung ương.
Cụ thể, TPHCM đã phân bổ hơn 5.000 tỉ đồng ODA cấp phát từ Trung ương cho 6 dự án nhưng tính đến ngày 23-10, chỉ mới giải ngân đạt khoảng 30%, dự kiến ước giải ngân năm 2020 đạt 40,8%.
Lý giải về việc giải ngân nguồn vốn ODA thấp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, nguyên nhân là do 2.500 tỉ đồng bố trí cho dự án tuyến metro số 1 và metro số 2 chưa giải ngân được đồng nào. Nếu giải ngân được nguồn vốn này thì tỷ lệ giải ngân vốn ODA cấp phát từ Trung ương sẽ đạt từ 80-90%.
Theo ông Võ Văn Hoan, vốn ODA cấp phát từ Trung ương chậm được giải ngân tại hai dự án tuyến metro nói trên chủ yếu là do vướng tỷ giá đồng yen Nhật Bản và đồng Việt Nam.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp TPHCM hướng dẫn điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án bằng tiền đồng Việt Nam để đảm bảo tỷ giá chính xác trong thời điểm hiện nay, ông Hoan cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại điểm cầu UBND TPHCM. Ảnh: TTBC |
Để gỡ "điểm nghẽn" nêu trên, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xác định giá trị vốn ODA cấp phát từ ngân sách bằng tiền đồng cho dự án metro số 1 và metro số 2. Và nếu trường hợp không giải ngân được trong năm nay, Chính phủ cho phép điều chuyển và giải ngân vào đầu năm 2021.
Ngoài ra, ông Hoan cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét gia hạn Hiệp định vay VN11-P7 của dự án metro số 1 đến ngày 31-10-2021 để làm cơ sở giải ngân hết số vốn vay ODA của hiệp định này và đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án.
Còn đối với nguồn vốn ODA vay lại, ông Hoan cho biết TPHCM đã phân bổ 10.487 tỉ đồng cho 5 dự án. Tính đến ngày 23-10, thành phố đã giải ngân đạt 48,5%, dự kiến đến hết năm 2020 giải ngân đạt hơn 82%.
Theo ông Hoan, bình quân tỷ lệ giải ngân vốn ODA thấp hơn so với bình quân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố. Hiện nay vốn đầu tư công của Thành phố đạt hơn 60%, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã phân công một số lãnh đạo trong thường thực phụ trách một số dự án cụ thể để xem xét, đánh giá và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; phân công lãnh đạo các sở ngành, chủ tịch UBND các quận huyện và trưởng các dự án có trách nhiệm cụ thể trong từng dự án.
Thành phố cũng lựa chọn một số dự án có quy mô lớn, trọng điểm của Thành phố để tìm giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc cho từng dự án cụ thể,...
Xem thêm: lmth.hca-i-nav-mchpt-iat-nol-ortem-neyut-2-ohc-ado-nov-nagn-iaig/640013/nv.semitnogiaseht.www