Kể từ khi đạt kỷ lục 2.075 USD/ounce hồi tháng 8, đà tăng của vàng đã chững lại. Ngay sau đỉnh, giá vàng đã giảm liên tục trong 3 tháng tiếp theo, xác lập chuỗi giảm dài và tệ nhất kể từ năm 2019. Cùng với sự sụt giảm, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi có phải vàng đã tăng quá nhanh, quá mạnh hay không.
Tuy nhiên, nắm giữ vàng trong các quỹ giao dịch vẫn đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Bối cảnh vĩ mô với vàng vẫn thuận lợi và kim loại quý này sẽ có nhiều lợi thế hơn nếu ông Biden đắc cử Tổng thống và đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện Mỹ, Standard Chartered cho biết.
James Steel, trưởng nhóm phân tích kim loại quý tại HSBC Securities (USA) Inc., cho biết: "Từ giờ đến lúc bầu cử, chúng tôi cho rằng kim loại quý sẽ có nhiều biến động. Tâm lý chấp nhận rủi ro gia tăng đồng nghĩa với việc thúc đẩy đông USD, khiến vàng và bạc suy yếu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều này sẽ không kéo dài. Với những lo ngại về Covid-19 gia tăng cũng như cuộc bầu cử sắp diễn ra, chúng tôi cho rằng vàng và bạc vẫn biến động nhưng chúng sẽ thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư muốn tìm một hầm trú ẩn an toàn".
Vàng giao ngay ít thay đổi ở mức 1.865,54 USD/ounce ở Singapore trong sáng 30/10 sau khi đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 25/9 vào ngày 29/10. Tính đến đầu tháng, vàng mất 1,1% giá trị, bạc tăng 0,2% giá trị, bạch kim tăng 0,5% và palladium tăng 0,6%,
Về các gói kích thích, Mỹ chưa tìm được tiếng nói chung cho một gói cứu trợ kinh tế mới. Châu Âu thì có nhiều triển vọng hơn. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cáo buộc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi muốn biến gói kích thích thành động cơ chính trị bằng việc từ chối đưa ra các thỏa hiệp.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cũng bày tỏ một chút nghi ngờ về việc các nhà hoạch định chính sách EU đồng ý cho một gói kích thích mới vào tháng 12.