Huawei bắt đầu đuối trước sức ép từ Mỹ
Lạc Diệp
(TBKTSG) - Hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc - Huawei Technologies đang có những dấu hiệu hụt hơi, trong bối cảnh các nguồn cung chip cho hãng này bị giới chức Mỹ thắt chặt, và ngày càng nhiều quốc gia không còn mặn mà với thiết bị 5G do hãng cung cấp.
Tăng trưởng doanh thu dần chậm lại
Hôm thứ Sáu (23-10) vừa qua, Huawei đã công bố các số liệu mới cho thấy tăng trưởng doanh thu của hãng trong chín tháng đầu năm đã chậm lại, chỉ tăng 9,9% lên 671 tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 100 tỉ đô la. Mức tăng này đã giảm đáng kể so với tốc độ 24% mà hãng ghi nhận trong cùng kỳ năm trước.
Nếu chỉ xét riêng trong quí 3, tăng trưởng doanh thu của công ty còn ảm đạm hơn, chỉ tăng nhẹ 3,7% so với mức 27% của cùng kỳ năm 2019.
Chỉ một ngày trước đó, Huawei cũng cho ra mắt chiếc điện thoại thông minh mới nhất của hãng - Mate 40. Ông Richard Yu, người đứng đầu bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei, đã hào hứng chia sẻ về những tính năng camera của thiết bị và cho biết vi mạch thương hiệu “Kirin” của hãng sử dụng cho mẫu điện thoại này có nhiều thiết bị bán dẫn hơn loại chip tương tự của iPhone 12.
Tuy nhiên, ông Yu cũng thừa nhận rằng thiết bị này có thể sẽ là thiết bị cuối cùng sử dụng chip do chính Huawei thiết kế. Chip Kirin được sản xuất bởi TSMC - Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan. Nhưng công ty này hiện đã bị cấm cung cấp linh kiện cho Huawei theo các quy định mới của Washington và Huawei hiện chưa thể tìm ra nhà cung cấp thay thế.
Hồi mùa hè năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các quy định mới, cấm bất kỳ công ty nào tự ý bán cho Huawei các loại chip được sản xuất bằng công nghệ Mỹ kể từ ngày 15-9. Đây được coi là một đòn mạnh giáng vào Huawei bởi lẽ hầu như tất cả các loại chip hiện đại đều có sử dụng phần cứng hoặc phần mềm sản xuất theo công nghệ Mỹ. Hệ quả là đã suốt sáu tuần qua, Huawei gần như bị cắt rời hoàn toàn khỏi thị trường chip thế giới - xương sống đối với gần như toàn bộ các sản phẩm của hãng.
Ông Pierre Ferragu, người đứng đầu mảng cơ sở hạ tầng viễn thông tại New Street Research, cho biết “Chính phủ Mỹ đã thiết lập một khuôn khổ để quyết định những gì Huawei có thể hoặc không thể làm”.
Mặc dù, trước thời hạn chót này, Huawei đã ra sức chuẩn bị, xây dựng một kho dự trữ linh kiện để sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị viễn thông, tuy nhiên theo các nhà phân tích, nguồn cung này có thể sẽ cạn kiệt vào khoảng giữa năm sau, trừ khi lệnh cấm của Washington được nới lỏng.
Hồi tháng trước, Phó chủ tịch Huawei Guo Ping cho biết: “Sống sót giờ là mục tiêu của Huawei”.
Những dấu hiệu hụt hơi
Một quan chức Bộ Thương mại Mỹ cho biết chính phủ nước này có khả năng cấp giấy phép xuất khẩu chip cho các công ty có sản phẩm không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chẳng hạn như các bộ định tuyến cũ hơn của điện thoại di động - một chính sách có thể khiến tương lai mảng kinh doanh 5G của Huawei bị nghi ngờ. Ông Guo Ping cho biết Huawei sẽ mua và sử dụng chip của Mỹ nếu giấy phép được cấp.
Các nhà cung cấp hiện vẫn tỏ ra khá thận trọng về vấn đề này. Một số công ty, chẳng hạn như Intel Corp., cho biết đã nhận được giấy phép, trong khi nhiều công ty khác cũng xác nhận về việc đã nộp đơn đăng ký. Trong khi đó, hồi tuần trước, Giám đốc điều hành TSMC, ông C.C. Wei cho biết công ty Đài Loan này vẫn đang tuân thủ các hạn chế và khẳng định những thông tin về việc hãng đã được cấp giấy phép cung cấp hàng cho Huawei là “suy đoán vô căn cứ”.
Ông Mo Jia, nhà phân tích tại công ty theo dõi thị trường Canalys, cho biết trong quí 3 vừa qua, doanh số bán điện thoại thông minh của Huawei thậm chí đã giảm ở cả thị trường Trung Quốc và nước ngoài. Đây là tín hiệu rất đáng lo ngại, bởi thiết bị tiêu dùng hiện chiếm hơn một nửa doanh thu của Huawei.
Ông Mo Jia nhận định: “Ngay cả tại thị trường quê hương của mình, Huawei cũng sẽ thấy khó khăn trong việc duy trì thị phần. Nếu họ xuất xưởng thêm một chiếc điện thoại trong năm nay, điều đó cũng có nghĩa là số điện thoại họ xuất xưởng trong năm sau sẽ ít đi một chiếc, trong trường hợp các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn được duy trì”.
Nhiều nước nói không với thiết bị 5G Huawei
Mảng kinh doanh thiết bị viễn thông của Huawei cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thụy Điển là quốc gia mới nhất nói không với các thiết bị của Huawei. Cơ quan Quản lý bưu chính và viễn thông Thụy Điển (PTS) đã thông báo cấm sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE trong phát triển mạng 5G ở nước này. Lệnh cấm được đưa ra trước khi Thụy Điển mở phiên đấu giá về xây dựng mạng 5G vào tháng 11 tới, với bốn công ty được phép tham gia đều là của Thụy Điển.
Ông Klas Friberg, người đứng đầu Cơ quan An ninh nội địa Thụy Điển (SAPO), giải thích: “Trung Quốc là một trong những mối đe dọa lớn nhất với Thụy Điển. Trung Quốc đang tiến hành hoạt động gián điệp trên mạng để thúc đẩy phát triển kinh tế và phát triển năng lực quân sự của họ”.
Trước đó, hồi tháng bảy năm nay, Anh tuyên bố cấm tất cả thiết bị Huawei khỏi mạng 5G vào năm 2027 do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng cung ứng linh kiện quan trọng của hãng. Chính phủ Mỹ cũng đang vận động các nước đồng minh tại châu Âu loại bỏ Huawei vì nguy cơ gián điệp mạng và đánh cắp bí mật thương mại.
Ông Stefan Pongratz, Phó chủ tịch Dell’Oro, cho biết hơn mười quốc gia đại diện cho khoảng một phần ba thị trường thiết bị viễn thông đang xem xét loại bỏ dần thiết bị của Huawei, bất chấp việc hãng công nghệ viễn thông Trung Quốc liên tục khẳng định rằng, các thiết bị của họ an toàn và không hề được Bắc Kinh sử dụng cho mục đích gián điệp. “Thực tế là Huawei đang đánh mất đi cơ hội tại thị trường di động của nhiều quốc gia”, ông Pongratz chia sẻ.
Tại các nước châu Phi và Trung Đông, tình hình có vẻ khả quan hơn khi Huawei và một công ty Trung Quốc khác là ZTE vẫn đang nắm hơn 50% thị phần thiết bị viễn thông. Mới đây, Huawei cũng giành được nhiều hợp đồng cung ứng thiết bị 5G cho Nam Phi. Công ty cũng cung ứng các công nghệ khác như hệ thống nhận diện gương mặt tại Uganda.
Tuy nhiên theo Thời báo Phố Wall, những thách thức mới có thể nổi lên trong thời gian tới khi giới chức Mỹ dự định cho các nước đang phát triển vay hàng tỉ đô la với hy vọng thuyết phục họ sử dụng thiết bị viễn thông phương Tây thay vì của Huawei, ZTE khi xây mạng 5G.
Theo CNBC, giới chức Mỹ hiện cũng đã đề xuất hỗ trợ 1 tỉ đô la để Brazil mua thiết bị viễn thông từ những công ty đối thủ của Huawei Technologies. Phía Mỹ cũng kêu gọi Brazil giám sát chặt chẽ đầu tư từ Trung Quốc vào nước này, đồng thời cảnh báo về việc Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ thông qua việc bán công nghệ 5G của Huawei.
Giới quan sát bình luận việc bị loại khỏi một thị trường lớn như Brazil sẽ là cú đòn nặng giáng vào tập đoàn Trung Quốc.
Nguồn: WSJ, CNBC, Financial Times
Xem thêm: lmth.ym-ut-pe-cus-court-ioud-uad-tab-iewauh/889903/nv.semitnogiaseht.www