Về phần sáng tạo chắc phải nhờ đến người miền Tây. Trước đó họ nghĩ ra loại bánh mới trữ được lâu ngày gửi miền Trung thì nay dựa trên những tiêu chí cũ: để được lâu - ăn không ngán - no lâu, người miền Tây đã vận dụng ngay món cơm cháy truyền thống ở miền mình để gửi đồng bào miền Trung ăn "lấy thảo", vượt qua cơn đói giữa trận đại hồng thủy bị nhà nhà bị nước lũ chia cắt.
Trước đó nhiều người dân Cần Thơ cùng nhau gói bánh gửi miền Trung
Mới đây, hình ảnh về bà con Xóm Đáy, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp làm những hộp cơm cháy chà bông gửi tặng đồng bào miền Trung khiến không ít người cảm động.
Theo đó, cơm cháy chà bông là một món ăn quen thuộc của người dân huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Chắc có lẽ từ điều này họ đã nghĩ ra sáng kiến về việc gửi chút lòng cho người miền Trung ngay lúc này.
Nhiều người tập trung cùng nhau làm cơm cháy gửi miền Trung. Ảnh: Gia Bảo
Để có được những miếng cơm cháy ngon như thế này, người ta chọn gạo nếp. Gạo nếp được vo sạch sau đó được hấp hoặc đãi qua với lửa để gạo kết dính, trong công đoạn này gạo sẽ được nêm nếm cho vừa ăn, người ta có thể cho chà bông hoặc mỡ hành trước để rút ngắn được thời gian.
Người dân Lai Vung chiên cơm cháy số lượng lớn gửi miền Trung. Ảnh: Gia Bảo
Trước khi đem chiên, gạo được cán thành những miếng dày vừa phải, tròn, vừa tay cầm. Sau khi chiên, người miền Tây để thành phẩm cho nguội sau đó bỏ vào trong keo (cách gọi của người miền Tây với lọ, hủ) để gửi đi miền Trung.
Cơm cháy được cho vào keo. Ảnh: Gia Bảo
Mỗi keo cơm cháy như thế có hạn sử dụng từ 7 - 10 ngày. Mặc dù chỉ là một món ăn dân dã thế nhưng qua đó cũng có thể thấy chút tình của người miền Tây.
"Món này có lý quá nè, để được lâu và ăn ngon không bị ngán, những cũng sợ mấy cụ già răng yếu ăn không được", bạn H.K bình luận.
"Giống như người miền Tây đang nói ăn chút cơm cháy, bình tĩnh chờ nước rút vậy, dễ thương quá", bạn D.L bình luận.
Bảo Trân
Tri thức trẻ