Ngày 30-10, người dân tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang khẩn trương dọn dẹp, khắc phục tạm thời những thiệt hại do bão số 9 gây ra để ổn định lại cuộc sống.
Chạy hết hai bình xăng không mua được 35 viên ngói
Ghi nhận, tại tiệm vật liệu xây dựng ở Cầu La Hà, huyện Tư Nghĩa rất đông người dân đến mua các loại vật liệu xây dựng về sửa sang lại nhà cửa, trong đó đông nhất vẫn là người dân tới mua ngói lợp.
Bà Phương Thảo, chủ tiệm vật liệu xây dựng cho biết, bão xong, gia đình bà vẫn bán một viên ngói úp (loại ngói đất) là 7.000 đồng.
Trong sáng ngày 30-10, gia đình ông Trần Văn Thành, TT La Ngà, huyện Tư Nghĩa vẫn đang cố gắng dọn dẹp, khắc phục tạm thời để có nơi trú ẩn. Ảnh: TÂN TOÀN
“Sau đó, công ty điện báo, hiện nhập vào cho tôi là 11.000 đồng/1 viên. Xe đưa về tận cửa hàng là 12.000/ 1 viên. Như vậy là đúng giá” – bà Thảo nói.
Theo bà Thảo, xe chở ngói vừa về đến nơi thì có một chủ tiệm khác đưa xe tải đến nói sang lại cho họ. “Sang cho họ xong vì mình cứ nghĩ là sang cho dân. Trong lúc thiên tai, họ cần hơn, với ý nghĩa là giúp đỡ. Nhưng ai ngờ, tôi sang xong, họ mang lên huyện Nghĩa Hành bán 80.000/ 1 viên. Như vậy là quá ác. Nếu tôi biết họ bán giá như vậy tôi sẽ không sang cho họ bán. Tại sao lại làm chuyện tội lỗi như vậy trong lúc thiên tai” – bà Thảo tiếp.
Một chủ cửa hàng vật liệu xây dựng cho biết trong thời gian qua đã không tăng giá nhưng biết việc có người bán 1 viên ngói đến 80.000 đồng. Ảnh: TÂN TOÀN
Theo bà Thảo, ngày thường, một viên ngói úp chỉ bán 6.000 đồng. Bão xong, gia đình bà bán ra 7.000 đồng vì hàng không nhập được. Nhưng đến hôm nay thì nhà máy nhập cho là 11.000 đồng, chưa kể chi phí xe. Việc tăng 1 ngàn đồng/ viên là hợp lý cho hộ kinh doanh của bà.
Sáng cùng ngày, tại nhiều tiệm kinh doanh vật liệu xây dựng cũng không có ngói để bán cho người dân. Khảo sát nhiều điểm trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi, nhiều người dân ghé vào nhưng phải lắc đầu trở ra vì hết ngói hoặc không mua được loại ngói phù hợp.
Đứng chen chân ở một cửa hàng vật liệu xây dựng trên quốc lộ, anh Trần Như Yên, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức nhận được cái lắc đầu của người chủ. Từ chiều ngày 29 đến sáng ngày 30-10, anh Yên chạy gần 200 cây số qua địa bàn ba huyện ở Quảng Ngãi để lùng mua hơn 100 viên ngói xi măng nhưng bất thành.
Anh Nguyễn Văn Thanh, huyện Tư Nghĩa cho biết mình đã chạy xe máy liên tục qua địa bàn ba huyện để tìm mua 35 viên ngói nhưng không tìm được. Ảnh: TÂN TOÀN
“Mua ngói giờ thực sự khó khăn, tôi chạy từ huyện Mộ Đức ra TP Quảng Ngãi rồi chạy vòng vòng nhiều nơi mà tìm không được một viên ngói nào. Trong khi đó, có chỗ thì người ta bán đúng giá, có chỗ thì giá bị đẩy lên gấp đôi. Cụ thể là có nơi viên ngói nát (ngói cũ) lên tới 40.000 đồng/ viên” – anh Yên phản ánh.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Thanh, huyện Tư Nghĩa cũng cho biết từ ngày hôm trước, mình đã chạy hết sạch hai bình xăng để tìm mua ngói nhưng không có. “Tôi chạy khắp nơi mà chỉ mua về được bảy viên ngói nát. Còn ngói xi măng đúng kiểu nhà đang dùng thì hoàn toàn không có. Hiện tôi chỉ cần 35 viên ngói thôi nhưng hôm nay chạy tìm thêm cũng không tài nào mua được” – anh ngao ngán.
Cố gắng xoay xở để có chỗ ăn ngủ
Chiều ngày hôm trước, thống kê từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, bão số 9 đã khiến 84.664 nhà bị sập, hư hỏng, trong đó có 165 nhà bị đổ sập, 84.499 nhà ở bị tốc mái, hư hại.
Trong đó, huyện Tư Nghĩa có số lượng nhà bị hư hỏng nhiều nhất với 23.800 nhà, huyện Bình Sơn 18.500 nhà, huyện Mộ Đức 15.200 nhà, Nghĩa Hành 12.500 nhà…
Ông Bùi Xuân Huề, TT La Hà, huyện Tư Nghĩa cho biết nhiều người đã bán vật liệu xây dựng với giá "cắt cổ" nhưng người dân cũng đành chấp nhận để mua. Ảnh: TÂN TOÀN
Theo một chủ kinh doanh, thực tế nói khan hiếm là không đúng vì Quảng Ngãi có quốc lộ chạy ngang qua. Sau khi bão xong, giao thông đã thuận lợi. “Hàng hiếm là do sức mua tăng cao đột ngột chỉ trong một thời gian ngắn khiến cung không đủ cầu. Các công ty chưa cung ứng kịp. Nhưng chỉ trong một vài ngày tới, sức mua giảm xuống thì tình hình sẽ ổn định trở lại” – người này nói.
Trong khi đó, sáng ngày 30-10, ngôi nhà của ông Trần Văn Thành, TT. La Ngà, huyện Tư Nghĩa vẫn trong tình trạng hoang tàn. Gió đã thổi tốc mái tôn, ném sang vườn hàng xóm cách đó hàng chục mét.
Trong khi đó, khảo sát giá tôn trên địa bàn TP. Quảng Ngãi, PV ghi nhận giá cả ổn định, không tăng. Ảnh: TÂN TOÀN
“Sáng nay thực sự chưa kiếm được ngói. Bình thường viên ngói có 15 ngàn đồng mà nay 50 ngàn đồng không có mua. Hiện tại chắc phải chờ ít nhất ba ngày nữa mới có ngói để lợp. Riêng tôn xi măng bình thường 70 ngàn một tấm mét hai, mét rưỡi mà bây giờ 200 ngàn một tấm cũng không có. Những người bị thiệt hại nhẹ thì có thể bỏ ra đôi triệu để lợp lại chứ như nhà tôi gió thổi hết mái nhà thì chắc phải đợi, che bạt thôi, tiền đâu” – anh Trần Văn Thành TT. La Ngà, huyện Tư Nghĩa nói.
Thực tế, nhiều gia đình do diện tích mái nhà bị thiệt hại không lớn nên cắn răng chịu đầu tư để có chỗ cho con cháu nhỏ, cha mẹ, ông bà cao tuổi có chỗ nằm ngủ, không đành lòng cảnh màn trời chiếu đất sau bão.
Dùng xe máy kéo chồng tôn xi măng vừa mua được ở một vựa đồ cũ về dựng lại nhà, ông Bùi Xuân Huề, TT La Hà, huyện Tư Nghĩa cho biết mình vẫn còn hên khi mua được trong lúc hàng khan. “Tôi mua một tấm tôn xi măng là gần 50 ngàn cho loại hàng cũ, sứt cả góc. Trong khi đó, giá bình thường cho một tấm tôn cùng loại, mới là hơn 50 ngàn. Họ bán cắt cổ nhưng vẫn phải mua” – ông Huề nói.
Trên đường Quang Trung, TP. Quảng Ngãi tập trung nhiều địa điểm bán tôn, sắt cây… Ghi nhận trong ngày, rất đông người dân tới đây mua tôn về dựng lại nhà cửa. Theo một người dân, giá tôn vẫn ổn định như thường ngày, không tăng.
Riêng một chủ cửa hàng tôn thì cho biết, hiện sức mua của người dân rất lớn, tôn không bị đẩy giá nhưng có nguy cơ “cháy hàng”. “Hiện tại chưa có điện nhưng nhiều người dân đã bắt đầu mua sắt, tôn về để dựng lại mái nhà cửa, sức mua rất lớn nhưng chúng tôi vẫn giữ mức bán như cũ” – người này nói.
Phạt nặng nếu găm hàng, đẩy giá Hai ngày hôm trước (28-10), ông Đặng Văn Minh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các biện pháp bình ổn thị trường, chống các hành vi lợi dụng thiên tai, bão lũ găm hàng, tạo khan hiếm giả, đẩy giá lên cao thu lợi bất chính. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp bình ổn thị trường, chống các hành vi lợi dụng thiên tai, địch họa, bão lũ găm hàng thu lợi bất chính. Trưa ngày 30-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã nắm bắt được thông tin việc giá vật liệu xây dựng bị đẩy tăng. “UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề này rồi. Qua đó cũng khẳng định là địa phương nào, doanh nghiệp nào, dịch vụ nào găm hàng, tăng giá thì phải xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngay từ chiều ngày hôm qua (29-10) và sáng ngày hôm nay (30-10) UBND tỉnh đã có cuộc họp về vấn đề này. Chúng tôi đã giao cho Quản lý thị trường, Sở Công thương, các huyện… dùng bộ máy của mình, huy động lực lượng kiểm tra, xử lý ngay lập tức những nơi tăng giá bất bình thường. Ngoài ra UBND tỉnh cũng giao cho ngành Công thương liên hệ với các doanh nghiệp, nhà sản xuất bổ sung hàng hóa, điều tiết hàng hóa từ các tỉnh lân cận về Quảng Ngãi để đáp ứng nhu cầu mua của bà con nhân dân” – ông Dũng nói. |