Ngày 30-10, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, chương trình hành động số 18 của Thành ủy và phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá cao những kết quả mà TP.HCM đạt được về cải cách hành chính trong những năm qua.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: TP.HCM là một trong những địa phương chủ động sáng tạo trong cải cách hành chính, có chương trình hành động cụ thể của Thành ủy, có Nghị quyết chuyên đề của HĐND TP và thành lập Ban chỉ đạo về cải cách hành chính.
Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, TP.HCM là điểm sáng về cải cách hành chính, nổi bật lên nhiều mô hình mà cả nước có thể rút kinh nghiệm, nhân rộng. Chẳng hạn mô hình ‘Bình Thạnh trực tuyến’, ‘Bình Tân công dân số’, ‘Phòng họp không giấy’...
“TP.HCM đã luôn coi người dân là trung tâm của cải cách hành chính, coi sự hài lòng của người dân là thước đo. Với mục đích cuối cùng là xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ dân” – ông Thừa nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trao tặng bằng khen cho ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng TP.HCM là địa phương đầu tiên thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm, nghiên cứu về Đô thị thông minh. Đồng thời, kịp thời đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường và xây dựng TP Thủ Đức, thể hiện mong mỏi về một TP mới là mang tầm sáng tạo.
Ông Nguyễn Trọng Thừa cũng đề nghị TP.HCM nhìn nhận sâu hơn, khắc phục những tồn tại trong cải cách hành chính. Sắp xếp kiện toàn bộ máy, tăng cường kiểm tra siết chặt kỷ cương hành chính… làm sao để TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước, là TP thông minh điển hình trên cả nước.
Tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cũng nhìn nhận, thời gian tới TP.HCM vẫn còn gặp nhiều thách thức, trong đó dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Xu thế cải cách hành chính phải đáp ứng nhu cầu chủ động, tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA
Theo ông Ngô Minh Châu, TP.HCM cần tập trung xây dựng hình ảnh chính quyền phục vụ nhân dân thân thiện, hiện đại, đoàn kết, nghĩa tình. Thủ trưởng các sở/ngành, Chủ tịch UBND quận/huyện phải chịu trách nhiệm chính đối với công tác cải cách hành chính, lấy tỉ lệ hài lòng làm căn cứ, điều kiện đánh giá cán bộ, bình xét thi đua… nhất là người đứng đầu.
Công tác cải cách hành chính phải gắn với các giải pháp cụ thể, có tính nhân rộng, áp dụng lâu dài, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị phải kịp thời nắm rõ nguyên nhân không hài lòng của cá nhân, tổ chức trong lúc giải quyết thủ tục hành chính để kịp thời chấn chỉnh khắc phục. Các đơn vị cần chủ động tổ chức kiểm tra công vụ đối với các trường hợp hồ sơ trả bổ sung, trễ hạn. Từ đó, hạn chế thấp nhất tình trạng trễ hạn hồ sơ, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư.
“Mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một đại sứ cải cách hành chính, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhiệt tình, thân thiện, vui vẻ khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp” – Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.
Cũng theo ông Ngô Minh Châu, TP.HCM sẽ thực hiện thanh tra, xử lý các phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác cải cách hành chính. Kiểm tra đột xuất đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan có hành vi, thái độ gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân.
TP còn khuyến khích và tạo thói quen cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Có giải pháp chuyển dần việc nộp hồ sơ trực tiếp, tiếp xúc với công chức sang nộp hồ sơ thông qua môi trường mạng.