Nhiều năm lênh đênh trên biển sau khi rời mái trường Đại học Giao thông Vận tải, anh Nguyễn Văn Hạnh mỗi lần về Quỳnh Lưu, Nghệ An thường thấy cảnh trái dứa chín vàng bị vứt đi vì không tiêu thụ kịp. Những trăn trở này đã theo anh Hanh trong những chiến đi biển dài ngày.
Một ngày năm 2017, anh Hạnh quyết định trở về quê hương, tập hợp những thanh niên yêu nông nghiệp để cùng nhau trồng cây dứa, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân. Hợp tác xã nông sản Hạnh Phúc ra đời từ đó.
Đến nay, Hợp tác xã Nông sản Hạnh Phúc do anh Hạnh là người đứng đầu đã tập hợp được 22 nông dân, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân.
Hiện nay, anh Hạnh cùng các cộng sự đang canh tác 44 ha dứa. Mỗi ha cho năng suất khoảng 30 tấn đến 35 tấn. Với cây dứa, 18 tháng, cây sẽ cho thu hoạch một lần.
"Rừng" dứa bạt ngàn ở Nghệ An.
Dứa là loại cây dễ trồng, lại ít bệnh phù hợp với điều kiện nắng nóng ở Nghệ An. Thổ nhưỡng ở Quỳnh Lưu tạo nên vị ngọt thanh đặc trưng. Chỉ khi nào trời mưa kéo dài thì bệnh nấm xuất hiện nhưng vẫn có thể xử lý được. Do đó, dứa rất hiếm khi phải sử dụng đến thuốc hóa học để trừ sâu bệnh.
Dứa tại hợp tác xã này được trồng hữu cơ nên dứa Hạnh Phúc có thể để được khoảng hơn chục ngày. Hợp tác xã vừa kết hợp bán trái tươi và chế biến khi dứa chín.
Dứa của Nông sản Hạnh Phúc có thể chế biến thành rất nhiều món như dứa sấy khô, dứa sấy giòn, si rô dứa, nước rửa tay từ dứa…. Anh Hạnh cùng bà con nông dân xây dựng nhà máy sấy khô bằng năng lượng mặt trời, áp dụng các khoa học công nghệ tiên tiến.
Do có nhà máy sấy nên ngoài tiêu thụ dứa tươi, cơ sở của anh Hạnh chế biến ra các sản phẩm khác từ dứa. Hiện sản phẩm của Nông sản Hạnh Phúc có mặt tại hơn 40 cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc.
Một sản phẩm của Nông sản Hạnh Phúc.
Anh Hạnh cũng thường xuyên đi học tại TPHCM và học hỏi các mô hình trồng cây ở nhiều tỉnh khác để phổ biến lại cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, cơ sở của anh Hạnh đang mở rộng thêm các loại cây khác để tăng năng suất, tăng thu nhập cho bà con ở Quỳnh Lưu.